Tủa Chùa đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

09:01 - Thứ Sáu, 25/09/2020 Lượt xem: 6226 In bài viết

ĐBP - Là huyện thuần nông nên Tủa Chùa chú trọng các giải pháp, xây dựng các chương trình ưu tiên phát triển kinh tế nông nghiệp. Những năm qua, huyện đã phát huy những lợi thế, nỗ lực khắc phục khó khăn đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng “nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. 

Người dân xã Sín Chải (huyện Tủa Chùa) thu hái chè cổ thụ. Ảnh: Văn Thành Chương

Cụ thể hóa các nghị quyết, quyết định của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và nghị quyết của Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện Tủa Chùa về phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản, UBND huyện đã xây dựng “Chương trình hành động Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp huyện Tủa Chùa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025”. UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn chỉ đạo, hướng dẫn người dân tập trung khai thác tiềm năng đất đai, tài nguyên, nhân lực lao động để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản. Bên cạnh đó, huyện Tủa Chùa đã và đang sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình: Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và nhiều nguồn vốn lồng ghép để đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi nhằm chủ động nguồn nước phục vụ khai hoang, cải tạo đất nương thành ruộng bậc thang sản xuất lúa ruộng; hỗ trợ cây giống, con giống, máy móc phương tiện phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bảo vệ rừng và nhân rộng các mô hình khuyến nông, khuyến ngư.

Có điều kiện về tự nhiên thuận lợi cho phát triển chăn nuôi, huyện đã quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa. UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác cải tạo giống, nâng cao năng suất, chất lượng đàn vật nuôi; phát triển giống chất lượng cao thích hợp cho từng vùng. Ðồng thời chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuẩn bị đầy đủ nguồn thức ăn; chủ động phòng chống đói, rét và dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Giai đoạn 2015 - 2020, chăn nuôi trên địa bàn phát triển tương đối ổn định. Hiện nay tổng đàn gia súc, gia cầm toàn huyện khoảng 364.700 con (tăng 73.700 con so với năm 2015); trong đó có 82.982 con gia súc với tỷ lệ tăng bình quân đạt 2,37%/năm. Từ khi dòng sông Ðà hung dữ được chế ngự, ngăn đập, tích nước làm Thủy điện Sơn La, huyện Tủa Chùa có diện tích lòng hồ rộng lớn. Huyện đã tận dụng lợi thế “cận giang” để phát triển nuôi và đánh bắt thủy sản. Từ nguồn vốn sự nghiệp các chương trình: 30a/CP, 135/CP, nông thôn mới và các nguồn vốn phát triển sự nghiệp nông nghiệp của tỉnh, huyện Tủa Chùa đã hỗ trợ người dân các xã: Huổi Só, Tủa Thàng phát triển mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Ðà. Ðến nay, 2 xã đã có trên 150 lồng cá với gần 100 hộ tham gia, thu nhập bình quân đạt 25 - 30 triệu đồng/hộ/năm.

Trong lĩnh vực trồng trọt, huyện Tủa Chùa tập trung chuyển đổi cơ cấu từ cây có năng suất, sản lượng, chất lượng thấp sang cây có giá trị cao; thành lập các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, hỗ trợ xây dựng các mô hình liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển cây ăn quả, cây dược liệu… theo hướng hàng hóa. Hiện nay, toàn huyện đã xây dựng được 25 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bước đầu mang lại hiệu quả như: Liên kết sản xuất và chế biến, tiêu thụ chè Shan tuyết của Công ty TNHH Hương Linh; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sa nhân xanh, sa nhân tím của Công ty TNHH Giống lâm nghiệp Tây Bắc; liên kết nuôi trồng, tiêu thụ cá rô phi đơn tính và sản xuất rau, củ, quả an toàn thực phẩm của Hợp tác xã Dịch vụ Mường Báng; liên kết sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm su su, chanh leo, bí đỏ, khoai sọ của Hợp tác xã H’Mông xã Trung Thu… Ðặc biệt UBND huyện chỉ đạo các xã: Sính Phình, Tả Phìn, Tả Sìn Thàng và Sín Chải tập trung bảo vệ, chăm sóc, trồng mới để phát huy thế mạnh đặc sản địa phương là chè Shan tuyết. Hiện nay toàn huyện có 595,89ha chè (tăng 18,49ha so với năm 2015), sản lượng chè búp tươi đạt 73 tấn, chè thương phẩm đạt 12,17 tấn. Ðã có 3 doanh nghiệp đầu tư phát triển và chế biến chè Tủa Chùa. Năm 2019, huyện có 3 sản phẩm chè được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP, xếp hạng 3 sao.

Giai đoạn tới, huyện Tủa Chùa tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu ngành; chỉ đạo các xã khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang ở những khu vực đủ điều kiện; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sử dụng các giống mới, chất lượng cao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật phấn đấu giá trị sản xuất bình quân đạt 50 triệu đồng/ha trở lên. Xây dựng vùng sản xuất rau an toàn tập trung theo hướng liên kết; phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa; tăng diện tích nuôi trồng thủy sản, phát triển theo từng loại hình mặt nước, quan tâm tái tạo nguồn thủy sản lòng hồ thủy điện. Ðồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người dân về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, ưu tiên nguồn lực để khoanh nuôi, tái sinh rừng.

Hoàng Tuyết Ban 

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa

Bình luận
Back To Top