Người tốt - việc tốt

Nông dân Trần Văn Khường dám nghĩ, dám làm

08:57 - Thứ Tư, 30/09/2020 Lượt xem: 3982 In bài viết

ĐBP - Khác với những thanh niên cùng độ tuổi rời quê hương để đi làm ăn xa, anh Trần Văn Khường, xã Núa Ngam (huyện Ðiện Biên) lại lựa chọn cách làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Nhờ mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm mà giờ đây mô hình kinh tế của anh đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Nông dân Trần Văn Khường chăm sóc đàn bò.

Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình kinh tế của mình, nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, anh Khường cho biết: “Năm 2013, sau khi lập gia đình tôi được bố mẹ cho ra ở riêng, của hồi môn là 1,3ha lúa nước một vụ và 7.000m2 bãi màu trồng ngô, lạc, đỗ. Có sẵn đất đai bố mẹ cho, nhưng do tuổi còn trẻ, chưa có kinh nghiệm trong sản xuất nên làm bao nhiêu gia đình tôi cũng chỉ đủ ăn, không có tích lũy. Nếu mưa thuận gió hòa, được mùa thì mỗi năm thu được 5 tấn thóc, 2,5 tấn ngô, tổng thu từ trồng trọt cả năm chỉ được 52 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư còn lại lợi nhuận khoảng 25 triệu đồng/năm. Nhiều năm thời tiết không thuận lợi thu hoạch về không đủ chi phí, thậm chí rơi vào cảnh nợ nần. Có lúc vợ tôi bảo làm đơn xin đề nghị xét vào hộ nghèo để được hưởng hỗ trợ của Nhà nước nhưng tôi không đồng ý. Với quyết tâm không trông chờ ỷ lại, không cam chịu đói nghèo, phải vươn lên làm giàu, tôi đã đi học hỏi kinh nghiệm từ anh em, bạn bè ở xã Pom Lót, xã Thanh Hưng; tìm học thông tin từ mạng internet và tích cực tham gia các buổi tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi do khuyến nông, Hội Nông dân các cấp tổ chức để tìm ra hướng đi mới cho gia đình”.

Sau một thời gian học hỏi, tìm tòi nông dân trẻ Trần Văn Khường nhận thấy rằng nhiều hộ có thu nhập cao từ việc thâm canh tăng vụ nên từ 1,3ha lúa nước một vụ, anh vẫn tiếp tục trồng lúa nhưng lựa chọn những giống lúa cho năng suất cao, phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng để trồng; còn 2 vụ anh trồng ngô nếp, bí xanh, bí đỏ. Sau một thời gian trồng thử nghiệm, năng suất vẫn không cao, anh Khường đã tìm hiểu tính toán thực tế và nhận ra rằng nếu chủ động được nguồn nước tưới thì các loại cây trồng trên sẽ cho năng suất cao, thu nhập ổn định. Nghĩ là làm, cuối năm 2019, anh vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội 50 triệu đồng để khoan 2 giếng công nghiệp với công suất 6m3 nước/giờ để lấy nước tưới phục vụ trồng màu. Nhờ chủ động được nguồn nước tưới, giờ đây 1,3ha đất lúa một vụ đã phủ kín toàn bộ màu xanh của các loại cây trồng.

Chưa dừng lại ở đó, để tận dụng phụ phẩm trong trồng trọt, cùng việc trồng cỏ voi, cỏ gile, cỏ munato, cuối năm 2017, từ số tiền hơn 100 triệu đồng tích lũy được cùng với vay mượn bạn bè, Quỹ hỗ trợ nông dân anh Khường mua 6 con bò sinh sản. Sau một thời gian chăm sóc áp dụng đúng kỹ thuật, đến cuối năm 2019 gia đình anh đã có 13 con bò. Lứa bò đầu tiên anh bán 7 con bò giống thu về 96 triệu đồng. Hiện nay, đàn bò của gia đình có 12 con, ước giá trị khoảng 130 triệu đồng. Nhờ mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm, đến nay, mô hình kinh tế của anh cho thu lãi khoảng 260 triệu đồng/năm. Nói về dự định sắp tới của mình, anh Khường cho biết: “Từ nay đến cuối năm, tôi sẽ tiếp tục luân canh tăng vụ các loại cây ngô nếp, bí xanh, bí đỏ và trồng thêm su hào, cải bắp để bán ra thị trường. Ðồng thời, xây dựng thêm 100m2 chuồng trại để nuôi thêm lợn nái, gia cầm; bò sinh sản để tăng thu nhập”.

Ông Trần Văn Hoài, Chủ tịch Hội Nông dân xã Núa Ngam cho biết: “Nông dân Trần Văn Khường là một hội viên dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn trong phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, anh còn tích cực hướng dẫn, tạo nguồn vốn cho các hộ gia đình khác có sở thích cùng tham gia phát triển kinh tế; hỗ trợ cách làm ăn, hỗ trợ giống cho các hộ trên địa bàn. Từ mô hình kinh tế của hội viên Khường, đã có 25 hộ gia đình dân tộc Lào ở các bản: Na Sang 1, Na Sang 2; 7 hộ gia đình dân tộc Khơ Mú ở các bản: Pá Ngam 2, Pá Ngam 1, Tân Ngam, Phú Ngam, Hát Hẹ vận dụng làm theo”.

Hoàng Lâm
Bình luận
Back To Top