Hiệu quả Trung tâm điều khiển xa trong quản lý, vận hành lưới điện

09:35 - Thứ Tư, 30/09/2020 Lượt xem: 4168 In bài viết

ĐBP -  Hiện nay, Công ty Ðiện lực Ðiện Biên quản lý, vận hành 2 trạm biến áp (TBA) 110kV với tổng công suất 82MVA; 1 TBA trung gian 35/22kV- 6300kVA; 3 TBA tự ngẫu (điều áp dưới tải) 35/35kV - 10.000kVA; 1.041 TBA phân phối với tổng công suất 146.933kVA. Ðồng thời quản lý, vận hành hệ thống đường dây 110kV với tổng chiều dài 286,833km; lưới điện trung áp gồm các cấp điện áp 22kV, 35kV có tổng chiều dài 2.413,82km; đường dây hạ áp có tổng chiều dài 2.448,5km. Với đường dây trải dài, hệ thống nhiều TBA, việc xây dựng Trung tâm điều khiển xa Ðiện Biên (SCADA/DMS) và đưa vào vận hành các TBA 110kV không người trực là bước tiến quan trọng trong quá trình hiện đại hóa, tự động hóa hệ thống điện theo lộ trình xây dựng lưới điện thông minh.

Ðại biểu tham quan hoạt động điều hành tại Trung tâm điều khiển xa Công ty Ðiện lực Ðiện Biên.

Ông Trần Ðức Dũng, Giám đốc Công ty Ðiện lực Ðiện Biên cho biết: Công trình SCADA/DMS có mức đầu tư 2,218 tỷ đồng nhằm từng bước hiện đại hóa và tự động hóa hệ thống điện thông minh do Công ty Ðiện lực Ðiện Biên quản lý. Ðây là công trình theo định hướng của Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam và Tổng Công ty Ðiện lực miền Bắc với mục đích nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, chất lượng dịch vụ điện phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Nhằm đẩy nhanh tiến độ đưa SCADA/DMS vào vận hành, ngay từ đầu năm, Công ty phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường  đào tạo phương thức vận hành cho trưởng kíp, điều độ viên để sẵn sàng vận hành thử nghiệm SCADA/DMS. Ðồng thời triển khai hệ thống điều khiển xa các thiết bị trên lưới trung áp về Phòng Ðiều độ (nay là Trung tâm Ðiều khiển xa) với 117/121 máy cắt Recloser trung thế. Ðặc biệt, trong 2 năm 2019 - 2020, Công ty thực hiện đầu tư cải tạo các phòng tại tầng 3 trụ sở thành Trung tâm Ðiều khiển xa, lắp đặt các hệ thống: Máy chủ, SCADA, camera, hiển thị giám sát, thu thập dữ liệu; điều khiển thao tác từ xa các thiết bị trong quá trình vận hành lưới điện, kết nối thu thập thông tin giám sát quá trình quản lý vận hành từ các trạm biến áp 110kV. Ngoài ra, Công ty cũng cải tạo nâng cấp TBA 110kV Tuần Giáo, TBA 110kV Ðiện Biên thành các TBA không người trực có thiết bị điều khiển từ xa. Như vậy, tại các trạm sẽ không còn nhân viên vận hành trực tiếp, lực lượng này sẽ được đơn vị bố trí công tác khác.

Trung tâm điều khiển xa (SCADA/DMS) trực thuộc Công ty Ðiện lực Ðiện Biên chính thức đưa vào vận hành từ ngày 17/9, cùng với các trạm biến áp 110kV Tuần Giáo (E21.1), trạm biến áp 110kV Ðiện Biên (E21.2). Trung tâm đi vào hoạt động mang lại nhiều lợi ích thiết thực như: Giảm thời gian thao tác vận hành, đóng cắt thiết bị TBA, rút ngắn thời gian bảo trì bảo dưỡng, xử lý sự cố TBA. Từ đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng năng suất lao động, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, nâng cao chất lượng điện năng, đáp ứng tốt hơn yêu cầu cung cấp điện.

Ông Nguyễn Minh Thắng, điều độ viên SCADA/DMS cho biết: Trước đây, khi chưa đưa SCADA/DMS vào vận hành, tại các TBA 110kV có chế độ trực 3 ca, 4 kíp; mỗi TBA110kV truyền thống đòi hỏi phải có ít nhất 9 nhân viên vận hành thay phiên nhau trực. Trường hợp tại trạm 110kV xảy ra sự cố, nhân viên của Phòng Ðiều độ phải chờ nhân viên vận hành trạm kiểm tra, khai thác rơ le và báo cáo cho điều độ viên xác nhận thông tin sự cố, sau đó mới có thể ra lệnh thao tác và xác nhận kết quả thao tác, sửa chữa. Các công đoạn trên đều thực hiện qua điện thoại nên mất nhiều thời gian và vẫn không nắm được chính xác sự cố. Từ khi đưa SCADA/DMS vào hoạt động và chuyển các TBA sang mô hình vận hành không người trực, các điều độ viên, trưởng kíp, kỹ sư SCADA tại Trung tâm đã quản lý, giám sát và điều khiển thiết bị tại các trạm. Khi vận hành, việc phát hiện và xử lý sự cố nhanh hơn rất nhiều bởi trên màn hình hiển thị 3 mức cảnh báo thiết bị tại các TBA 110kV, trên lưới trung áp xảy ra sự cố hay các bất thường. Tùy theo mức độ khẩn cấp, các chuông báo động sẽ được kích hoạt và nhân viên SCADA/DMS sẽ kiểm tra trên hệ thống máy tính để phát hiện sự cố và đưa ra các giải pháp xử lý phù hợp, thời gian nhanh chóng, chính xác.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top