Thực hiện Luật Chăn nuôi còn nhiều vướng mắc

09:02 - Thứ Sáu, 02/10/2020 Lượt xem: 4949 In bài viết

ĐBP - Từ ngày 1/1/2020, Luật Chăn nuôi 2018 chính thức có hiệu lực. Luật Chăn nuôi được kỳ vọng góp phần giúp ngành chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững, xây dựng vùng chăn nuôi an toàn với dịch bệnh, tạo ra sản phẩm có chất lượng, kiểm soát an toàn thực phẩm... Thế nhưng kể từ khi có hiệu lực đến nay, nhiều quy định trong luật này vẫn khó triển khai, áp dụng vào thực tiễn địa phương.

Bà Hoàng Thị Lực, thị trấn Ðiện Biên Ðông (huyện Ðiện Biên Ðông) chăm sóc đàn gia cầm.

Một trong những nội dung khó khăn nhất hiện nay khi áp dụng Luật Chăn nuôi 2018 vào thực tiễn trên cả nước nói chung và Ðiện Biên nói riêng là việc di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi. Trong khi trên địa bàn tỉnh chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô nông hộ, gia trại, số trang trại rất ít; ở vùng cao người dân chủ yếu chăn nuôi theo hình thức thả rông, thì việc di chuyển cơ sở chăn nuôi lại càng khó hơn. Theo thống kê 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có hơn 524 nghìn con gia súc tổng đàn gia cầm hơn 4,4 triệu con. Trong đó đa số được chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, xen kẽ trong khu dân cư. Ðến hết năm 2019, toàn tỉnh chỉ có 3 trang trại chăn nuôi và 15 trang trại tổng hợp được cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn trang trại theo quy định.

Khó khăn không chỉ đến từ việc chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún mà qua khảo sát cho thấy, hầu hết các hộ chăn nuôi tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ và các phụ phẩm nông nghiệp, gắn với cuộc sống sinh hoạt... đều không muốn di dời vật nuôi đi nơi khác. Ðầu tiên là việc tìm địa điểm, nhiều hộ dân chưa có đất sẽ gặp khó trong việc tìm địa điểm phù hợp và đảm bảo các quy định về khoảng cách (từ trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ đến khu tập trung xử lý chất thải sinh hoạt, khu dân cư tối thiểu 100m). Tiếp đó là khó về tài chính bởi khi di dời sẽ phát sinh kinh phí thuê hoặc mua đất, xây dựng cơ bản. Vì vậy, nhiều người chăn nuôi cho rằng nếu bắt buộc phải di dời, họ sẽ lựa chọn phương án dừng chăn nuôi để chuyển đổi ngành nghề khác.

Bà Hoàng Thị Lực, người chăn nuôi ở thị trấn Ðiện Biên Ðông (huyện Ðiện Biên Ðông) cho biết: Chủ trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, việc di dời không đơn giản bởi đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ như chúng tôi nếu di chuyển đi nơi khác sẽ rất khó trong công tác quản lý, chăm sóc đàn vật nuôi. Hơn nữa, sẽ tốn kém kinh phí di chuyển, xây dựng chuồng nuôi mới.

Không chỉ vướng trong việc di dời cơ sở chăn nuôi, hiện nay trong Luật Chăn nuôi cũng có quy định “Tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải kê khai hoạt động chăn nuôi với UBND cấp xã”. Cụ thể, theo Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi quy định: “Tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải kê khai hoạt động chăn nuôi về loại, số lượng vật nuôi. Theo đó, loại vật nuôi và số lượng vật nuôi tối thiểu phải kê khai, gồm: Trâu, bò, ngựa, lợn nái, lợn đực giống, chó, mèo... từ 1 con trở lên; dê, cừu, lợn thịt từ 5 con trở lên”. Như vậy, việc kê khai hoạt động chăn nuôi của các cá nhân, hộ gia đình và cơ sở chăn nuôi với UBND cấp xã là quy định bắt buộc. Song, thực tế hiện nay mới chỉ thực hiện được đối với các cơ sở chăn nuôi tập trung hoặc các trang trại, còn trong các hộ gia đình thì rất khó thực hiện, nhất là tại địa bàn vùng cao, vùng xa.

Việc không kê khai hoạt động chăn nuôi có thể dẫn đến những hệ lụy khó lường, đó là công tác kiểm soát, phòng chống dịch bệnh; tiêm phòng... Việc này không chỉ gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý của địa phương mà còn gây thiệt hại cho chính người chăn nuôi. Bởi theo quy định, chỉ khi cơ sở chăn nuôi kê khai thì mới được hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh xảy ra.

Ông Nguyễn Trọng Huế, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Ðể Luật Chăn nuôi áp dụng vào thực tiễn hiệu quả, hiện nay Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tích cực tuyên truyền các quy định của Luật. Tuy nhiên, với người dân vùng cao, việc di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư không được phép chăn nuôi, kê khai hoạt động chăn nuôi với UBND xã là rất khó nên cần có thời gian, lộ trình tuyên truyền, hướng dẫn tới người chăn nuôi. Bên cạnh đó, cần có giải pháp hỗ trợ về đất, kinh phí, nhất là đối với hộ điều kiện khó khăn thực hiện di chuyển cơ sở chăn nuôi đến nơi khác.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top