Người Hua Rốm giữ rừng

10:48 - Thứ Bảy, 03/10/2020 Lượt xem: 5757 In bài viết

ĐBP - Hua Rốm nằm lọt thỏm ngay dưới chân núi, đứng từ dưới trông lên là những khoảng rừng xanh thẳm, hút vào tầm mắt là cánh rừng bạt ngàn xanh tốt. Vào mùa hè dù nhiệt độ bên ngoài có oi bức đến mấy thì khu vực bản Hua Rốm vẫn mát rượi dưới tấm áo xanh mượt mà, dày dặn của rừng. Bao năm nay, 2.370ha rừng ở đây vẫn được gìn giữ, bảo vệ như thế... Không chỉ bảo vệ rừng tốt, cộng đồng người Mông ở Hua Rốm còn lan tỏa tình yêu rừng đến từng người dân trong bản, để mỗi người đều là “tai, mắt”, là hàng rào vững chắc bảo vệ ngàn xanh.

Tổ tuần tra bảo vệ rừng và người dân bản Hua Rốm tuần tra trong rừng.

Rừng là tài sản của bản

Chúng tôi đến bản Hua Rốm, xã Nà Tấu (TP. Ðiện Biên Phủ) đúng lúc dân bản đang tập trung đông đủ ở nhà văn hóa nghe cán bộ kiểm lâm tuyên truyền về Luật Lâm nghiệp; xem sơ đồ những điểm khoanh vùng cấm hay vùng có thể sản xuất để bà con biết canh tác sản xuất nông nghiệp. Không như nhiều buổi tuyên truyền bảo vệ rừng chúng tôi đã gặp trong các chuyến công tác cơ sở ở nhiều nơi, chủ yếu là người già, trung tuổi đến nghe, buổi tuyên truyền ở Hua Rốm hôm nay có rất đông thanh niên. Có những bà mẹ còn bế cả con nhỏ theo ngồi chăm chú lắng nghe cán bộ kiểm lâm phổ biến những nội dung mới.

Ngay sau nhà văn hóa bản, men theo các triền đồi là những nếp nhà gỗ của bà con, cuối bản là con đường mòn nhỏ dẫn vào bìa rừng. Qua con suối chảy róc rách, nước mát rượi dưới tán rừng, càng vào sâu càng thấy nhiều thân cây to dần. Nhiều nhất là mạy, dẻ, thồ lộ, có cả những thân cây long não vỏ xù xì, sần mốc tỏa bóng sum sê… Những ngày nắng nóng cao điểm, nhưng vào đến bìa rừng là không khí mát mẻ, yên tĩnh. Theo lời Bí thư chi bộ bản Giàng A Chu, rừng ở đây cơ bản là rừng phòng hộ. Ðối với người Hua Rốm có rừng là có nguồn sống, có của cải, rừng được xem là tài sản chung nên cả cộng đồng đều phải có trách nhiệm bảo vệ. Rừng còn như tấm phên che chở dân bản qua những mùa mưa bão, gió rét.

Còn nhớ vụ cháy rừng hồi đầu năm 2016 do người dân bản Nà Pen (xã Nà Nhạn, TP. Ðiện Biên Phủ) và xã Mường Ðăng (huyện Mường Ảng) sơ ý đốt cây cỏ khô gây cháy lan sang làm thiệt hại gần 8ha rừng của bản Hua Rốm. Bà con không khỏi xót xa, cháy rừng mà như mất của. Không ai bảo ai, cả bản tập trung cùng với các lực lượng, chính quyền góp sức chữa cháy, khẩn trương phát đường băng cản lửa không để giặc lửa lan rộng.

Ðể bảo vệ rừng, bản Hua Rốm thành lập tổ tuần tra bảo vệ gồm 20 người. Ðầu tàu là tổ trưởng Vàng A Dủa với thâm niên cũng gần chục năm. A Dủa mới 27 tuổi, dáng người nhỏ nhưng đậm nét rắn rỏi, nhanh nhẹn đặc trưng của người dân tộc Mông. Tổ tuần tra chia thành 4 nhóm, mỗi nhóm 5 người, định kỳ mỗi tháng sẽ luân phiên tuần tra rừng hai lần. Mỗi chuyến đi tuần khoảng 2 ngày, nếu thời tiết không thuận lợi thì có khi 3 ngày mới về đến nhà. Những lúc mưa gió thì vất vả hơn, vì đường trơn trượt, rồi cây đổ, hay gai đâm, muỗi vắt… Từng thành viên trong tổ tuần tra bảo vệ rừng cũng chính là những tuyên truyền viên đắc lực để vận động người thân, anh em họ hàng cùng chung tay bảo vệ rừng.

Hương ước giữ rừng của bản Hua Rốm đã có từ hàng chục năm nay, nhưng đến năm 2013 được lập lại cụ thể hơn với những quy định đơn giản nhưng dễ tuân thủ. Cả bản đều phải có trách nhiệm bảo vệ rừng và được quyền hưởng lợi từ rừng, như việc tận thu những cây khô, gãy đổ để làm củi. Gia đình nào muốn khai thác gỗ để làm nhà thì phải xin phép và báo rõ số lượng gỗ xin là bao nhiêu. Nếu bản cho phép thì mới được khai thác dưới sự giám sát của bản. Trước đây có trường hợp vào rừng chặt cây làm củi nhưng không xin phép nên bản đã tổ chức họp nhắc nhở. Trong bản ai vi phạm hai lần đầu thì sẽ bị nhắc nhở. Nếu vi phạm lần thứ ba sẽ phạt tiền sung quỹ cộng đồng và hộ đó cũng không được hưởng chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Trong rừng Hua Rốm có nhiều thân cây to với tuổi hàng chục năm.

Cha truyền con nối

Sau những ngày mưa đường rừng trơn hơn, mỗi bước chân qua phải bấm mạnh mũi giày, mũi dép xuống để tránh trượt. Trong nhóm tuần tra bảo vệ rừng bản Hua Rốm đưa tôi vào thăm rừng hôm ấy, tôi ấn tượng với Vàng A Lư. Ý thức được việc giữ rừng có ý nghĩa quan trọng thế nào trong đời sống cộng đồng, nên đối với nhiều gia đình trong bản, nhiệm vụ giữ rừng dường như được thực hiện theo kiểu cha truyền con nối. Như gia đình Vàng A Lư, trước đây bố anh - ông Vàng A Dua là trưởng bản cũng tham gia tổ tuần tra bảo vệ rừng. Ðến khi có tuổi, chân leo rừng không còn nhanh nữa, ông Dua mới nghỉ, rồi sau đó anh Lư con trai ông tình nguyện xin tham gia tổ tuần tra. Bước chân A Lư thoăn thoắt bước qua những mỏm đá nhỏ nằm ngổn ngang giữa suối. Ðến đoạn có nhiều cây to, ánh mắt anh hướng vào khu rừng như đếm được từng gốc cây. Vừa giơ con dao rựa phát những cành cây bụi lòa xòa ra đường anh Lư vừa kể: Trước đây, đời ông bà cha mẹ chúng tôi giữ rừng với mong muốn để sau này con cháu mình có gỗ dựng nhà nhưng nay nhận thấy lợi ích của rừng chúng tôi quyết tâm giữ rừng như tài sản quý vậy. Hơn nữa được thụ hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng nên bà con rất phấn khởi vì có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Ðược biết tháng 4 năm trước, bản đã được chi trả gần 1 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Ngoài chi trả cho các hộ, một phần sẽ được bản góp lại làm quỹ cộng đồng để hỗ trợ cho tổ bảo vệ rừng.

Trên đường từ rừng ra, chúng tôi qua một con suối, giáp đường mòn là một thân cây rất to với tuổi ước chừng 50 năm. Thân cây già, lớp vỏ sần nhiều hốc lõm, rêu xanh mọc dày từ dưới lên. A Lư nói đây là cây day nọ - đó là theo tiếng của người Mông, còn tiếng phổ thông thì anh không biết gọi là gì. Từ nhỏ mỗi khi đi rừng với bố, anh thường đi qua chỗ cây này. Vì cây mọc ngay lối đường mòn đi vào rừng nên có người ý kiến chặt đi cho đỡ vướng nhưng dân bản quyết định giữ cây lại và làm đường đi tránh sang bên cạnh. A Lư cho biết trong rừng còn rất nhiều cây to, tuổi lên tới hàng chục năm với đường kính chừng 1,5m đến gần 2m.

Ở Hua Rốm, chúng tôi còn thấy nhiều chuyện ngạc nhiên về cách bảo vệ rừng của người dân nơi đây. Ngoài những nếp nhà gỗ theo kiểu truyền thống của đồng bào dân tộc Mông còn có cả những căn nhà xây cấp 4, mái lợp tôn xốp. Ðã quá trưa nhưng vợ chồng anh Giàng A Chang, chị Vàng Thị Ví vẫn sắp xếp vật liệu để chiều thợ kịp dựng kèo, rải xà, lợp mái. Khi chúng tôi hỏi sao không dựng nhà gỗ theo phong tục, anh Chang trả lời: Ðã cam kết bảo vệ rừng rồi thì không thể vì việc riêng của gia đình mình mà vào rừng lấy gỗ tự do nữa. Rừng quanh bản bây giờ đều được quy hoạch bảo vệ, nếu đốn hạ một cây to đổ xuống sẽ làm gãy nhiều cây khác xung quanh. Hơn nữa sau 4 - 5 năm vách gỗ sẽ bạc màu. Mỗi lần sơn lại hoặc thay vách mất nhiều thời gian và tốn kém. Trong khi đó chi phí cho nhà xây thấp hơn so với dựng nhà gỗ nên anh chị quyết định làm nhà xây, nếu thời tiết thuận lợi khoảng nửa tháng nữa sẽ hoàn thiện. Theo phong tục truyền thống của người dân tộc Mông, bàn thờ tổ tiên phải đặt ở nơi trang trọng nhất trong nhà và chỉ đặt ở tầng một. Do đó, vợ chồng anh Chang cũng tính toán kỹ, trong căn nhà cấp 4 rộng 100m2, 3 phòng ngủ, vị trí trung tâm ở phòng khách là nơi đặt bàn thờ. Hiện anh Chang đi lái xe thuê ngoài huyện Mường Ảng, còn chị Ví ở nhà làm ruộng. Anh chị có hai con, một cháu đang học y tại Hà Nội.

Một ngày đi rừng và chuyện trò cùng những người dân Hua Rốm, chúng tôi hiểu hơn về tình yêu đặc biệt của họ với những cánh rừng nơi đây. Tạm biệt những người dân, những cánh rừng ở Hua Rốm, chúng tôi mong rằng, những cánh rừng ở đây sẽ mãi xanh tươi, rồi mai đây sẽ có thêm nhiều mô hình bảo vệ rừng như ở Hua Rốm được nhân lên nữa.

Bài, ảnh: An Biên
Bình luận
Back To Top