Sử dụng hiệu quả nguồn vốn phát triển kinh tế - xã hội

08:51 - Thứ Hai, 05/10/2020 Lượt xem: 5993 In bài viết

ĐBP - Trong điều kiện nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư thiết yếu, bên cạnh việc huy động, đa dạng nguồn vốn dành cho phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua tỉnh ta đã chủ động xây dựng và vận hành hệ thống quản lý tài chính đầu tư để tối đa hóa việc sử dụng nguồn lực cho mục tiêu phát triển.

Từ các nguồn vốn, thời gian qua nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh được đầu tư, đưa vào sử dụng góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong ảnh: Người dân xã Tìa Dình (huyện Ðiện Biên Ðông) làm đường vào bản Chua Ta A. Ảnh: Văn Tâm

Theo thống kê, trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng mức đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 50.276 tỷ đồng, nhịp độ tăng bình quân đạt 13,1%/năm. Trong đó, vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước hơn 24.957 tỷ đồng (chiếm 49,6% tổng số vốn); vốn khu vực ngoài Nhà nước hơn 25.255 tỷ đồng và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là 70 tỷ đồng. Tỷ trọng vốn đầu tư công giảm dần, trong khi đó tỷ trọng vốn đầu tư khu vực ngoài Nhà nước có xu hướng tăng cao.

Huy động các nguồn lực đã khó, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực lại càng khó hơn. Ðể tránh đầu tư dàn trải, gây lãng phí, thất thoát nguồn vốn, những năm qua UBND tỉnh triển khai, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp về sử dụng nguồn vốn hợp lý như: Rà soát thứ tự ưu tiên đầu tư các chương trình, dự án phát triển thương mại, hạ tầng, khu kinh tế cửa khẩu và đầu tư thương mại biên giới; ưu tiên nguồn vốn tập trung đầu tư các công trình trọng điểm, mang tính chiến lược; nguồn vốn thuộc kế hoạch năm được giao sớm và phân bổ chi tiết đến từng dự án và chủ đầu tư để triển khai thực hiện ngay từ đầu năm... Trong từng ngành, lĩnh vực cũng ưu tiên bố trí đủ vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định của Luật Ðầu tư công; bố trí đủ vốn để hoàn trả vốn ứng trước, vốn vay nhưng chưa có nguồn để hoàn trả trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước (nếu còn). Tiếp theo là bố trí vốn cho dự án đã hoàn thành, quyết toán và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn; vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư; dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ được phê duyệt; dự án dự kiến hoàn thành trong kỳ kế hoạch.

Ðối với những dự án khởi công mới đáp ứng quy định của Luật Ðầu tư công, tỉnh tập trung bố trí cho các chương trình, dự án quan trọng, trọng điểm của tỉnh. Trong lựa chọn phương thức đầu tư, huy động nguồn lực và triển khai thực hiện các dự án phải đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, gắn với trách nhiệm trong việc huy động nguồn lực, quản lý đầu tư, quản trị dự án sau đầu tư. Ðồng thời, hạn chế thấp nhất việc phát sinh các nhu cầu vốn làm tăng áp lực cho ngân sách.

Nhờ tập trung nâng cao kỷ cương, kỷ luật tài chính, bám sát dự toán trong quản lý, điều hành chi nên thời gian qua tỉnh ta đã cơ bản bố trí sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn vốn. Giai đoạn 2016 - 2020, nhiều công trình dự án trọng điểm, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hoàn thiện. Trong giai đoạn này, tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 83 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 12,5 nghìn tỷ đồng, tăng 41 dự án và hơn 4.800 tỷ đồng so với giai đoạn trước. Ðến nay, đã có 40 dự án hoàn thành đi vào hoạt động; nhiều dự án quan trọng khác đang từng bước được đầu tư đồng bộ như: Tuyến quốc lộ 12 kéo dài; quốc lộ 279B từ Nà Tấu đi Mường Phăng (TP. Ðiện Biên Phủ); quốc lộ 12B (đường Pom Lót - Chiềng Sơ - Mường Luân); quốc lộ 12C (Núa Ngam - Huổi Puốc); tuyến quốc lộ 4H Mường Nhé - A Pa Chải…

Việc hoàn thành, đưa vào sử dụng những công trình hạ tầng quan trọng đã tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 6,83%/năm.  Năm 2020 GRDP ước đạt 20.056 tỷ đồng (tăng 1,78 lần so với năm 2015); GRDP bình quân đầu người đạt 38,25 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 48,14% đầu năm 2016 ước xuống còn 30,67%. Hệ thống các đô thị trung tâm phát triển theo hướng hiện đại; đến hết năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 25,8% (tăng 5,45% so với năm 2015). Hạ tầng thủy lợi tiếp tục được đầu tư, xây dựng, nâng cấp theo hướng đa mục tiêu, góp phần tưới tiêu cho 29.190ha đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, rau màu. Hạ tầng được đầu tư đồng bộ, cơ chế thuận lợi đã thu hút nhiều doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư chiến lược đến tìm hiểu cơ hội trên địa bàn.

Văn Tâm
Bình luận
Back To Top