Ngân hàng ứng phó nguy cơ nợ xấu

09:19 - Thứ Ba, 06/10/2020 Lượt xem: 4749 In bài viết

Sau một thời gian dài xử lý, nợ xấu đã được các ngân hàng giải quyết khá triệt để, tỷ lệ nợ xấu ở dưới mức 2% trên tổng dư nợ. Tuy nhiên, trước những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, nợ xấu lại có nguy cơ gia tăng do doanh nghiệp gặp khó khăn trong trả nợ ngân hàng. Thực tế này đòi hỏi ngành Ngân hàng cần có những giải pháp phù hợp để ứng phó với nguy cơ nợ xấu.

Các ngân hàng cần triển khai nhiều chính sách tín dụng phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp và góp phần giảm nợ xấu. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Ảnh: Quang Thái

Nợ xấu có nguy cơ tăng

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu nội bảng (khoản vay ngân hàng không được trả theo đúng như hợp đồng đã ký kết và có cam kết sẽ trả nợ) đã giảm dần qua các năm và hiện xuống dưới 2%. Nếu cuối năm 2016 tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 2,46%, thì đến cuối năm 2019 giảm còn 1,63%. Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 7-2020, hệ thống ngân hàng đã xử lý khoảng 1.113,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu; trong đó 7 tháng năm 2020, tổng nợ xấu được xử lý khoảng 63,7 nghìn tỷ đồng.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) Đỗ Giang Nam cho biết, lũy kế mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt tính đến hết tháng 8-2020 đạt hơn 329 nghìn tỷ đồng; thu hồi nợ gần 94,4 nghìn tỷ đồng; thực hiện đấu giá thành công nhiều khoản nợ và tài sản bảo đảm với trị giá 1.371 tỷ đồng.

Tuy vậy, từ đầu năm 2020 đến hết tháng 8-2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng lại có dấu hiệu nhích tăng, lên tới 1,96% do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho rằng, sự bùng phát của dịch Covid-19 trong các tháng đầu năm 2020 ảnh hưởng không nhỏ tới an toàn hoạt động ngân hàng, cũng như kết quả cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu toàn ngành giai đoạn 2016-2020 khi doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng.

Về tác động của dịch Covid-19 đối với ngành ngân hàng, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cấn Văn Lực dự báo, khi tăng trưởng tín dụng, lợi nhuận của các ngân hàng giảm, chất lượng tài sản xấu đi, xử lý nợ xấu khó khăn hơn, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có thể lên đến 3% vào cuối năm 2020 và 4% trong năm 2021.

Phó Chánh Thanh tra - Cơ quan Thanh tra giám sát (Ngân hàng Nhà nước) Trần Đăng Phi cũng chia sẻ, theo các kịch bản nợ xấu mà Ngân hàng Nhà nước xây dựng khi xảy ra dịch Covid-19, tỷ lệ nợ xấu có thể tăng lên 3% đến 3,7% vào cuối năm 2020. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và khả năng phục hồi của những tổ chức tín dụng yếu kém.

Từ góc độ ngân hàng thương mại, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) Nguyễn Văn Lê thừa nhận, nguy cơ nợ xấu gia tăng khó tránh khỏi khi nhiều doanh nghiệp, cá nhân không có khả năng trả nợ đúng hạn do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. “Mặc dù tiếp tục triển khai nhiều chương trình cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng ngân hàng không thể hạ các tiêu chuẩn bảo đảm an toàn cho vay để tránh rủi ro”, ông Nguyễn Văn Lê nói. 

Ngành Ngân hàng cần có những giải pháp phù hợp để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: Nhật Nam

Cần nhiều giải pháp

Về giải pháp xử lý nợ xấu, theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, các ngân hàng thương mại cần thực hiện mô hình "5R": Respond (ứng phó với đại dịch); Recover (phục hồi nhanh); Re-invent (đổi mới, sáng tạo mô hình, chiến lược kinh doanh); Restructure (tái cơ cấu); Resilience (tăng khả năng chống chịu cú sốc bên ngoài). Kế tiếp, tập trung củng cố 4 yếu tố: Người lao động, năng lực tài chính, khách hàng và đối tác. 

Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) Phạm Thị Trung Hà cho biết, MB cũng như tất cả ngân hàng khác phân tích kỹ lưỡng về tình hình kinh tế, ảnh hưởng của dịch Covid-19 với các nhóm ngành để đưa ra chính sách tín dụng phù hợp, vừa có thể hỗ trợ doanh nghiệp, vừa hạn chế nợ xấu. Khi có sự kết hợp giữa ngân hàng và doanh nghiệp, hiệu quả cho vay sẽ tốt hơn. Với MB, khách hàng được giảm lãi suất cho vay, giãn nợ đã bắt đầu trả được nợ từ quý II, quý III-2020, không cần chờ tới năm 2021.

Để có nguồn lực xử lý nợ xấu, các ngân hàng cũng đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro. Nhờ đó, nhiều ngân hàng có tỷ lệ dự phòng/nợ xấu ở mức rất lớn, như Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), tỷ lệ này lên tới 182%. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng liên tục rao bán tài sản thế chấp để nhanh chóng thu hồi nợ.

Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) Nguyễn Đức Vinh cho biết, ngân hàng đã xây dựng các kịch bản nợ xấu và chuẩn bị đầy đủ nguồn lực cần thiết để hỗ trợ khách hàng, tái cấu trúc khoản nợ nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Còn Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) Nguyễn Đình Tùng chia sẻ, ngoài việc hỗ trợ doanh nghiệp, ngân hàng tập trung tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, kiểm soát chặt rủi ro. “Mặc dù khả năng nợ xấu tăng là khó tránh khỏi, nhưng ngân hàng nào có độ phân tán danh mục cao, dự trữ thanh khoản, năng lực tài chính tốt, mức độ chịu ảnh hưởng sẽ thấp hơn”, ông Nguyễn Đình Tùng nhận định.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành đề xuất Chính phủ các giải pháp xử lý nợ xấu phù hợp. Bên cạnh phương án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, Ngân hàng Nhà nước sẽ đề xuất luật hóa về xử lý nợ xấu, nâng cao vai trò, năng lực của VAMC, hỗ trợ các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu hiệu quả...

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top