Phát triển thủy sản tương xứng với tiềm năng

09:01 - Thứ Tư, 07/10/2020 Lượt xem: 5465 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây, nhờ khai thác tốt tiềm năng và các nguồn lực hỗ trợ, ngành Thủy sản tỉnh ta đã có những bước phát triển tích cực, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hộ nông dân.

Người dân xã Huổi Só (huyện Tủa Chùa) nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Ðà.

Tiềm năng lớn

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh, toàn tỉnh hiện có hơn 2.600ha nuôi trồng thủy sản, tổng sản lượng đạt hơn 3.566 tấn. Ngoài các ao, hồ còn có một số sông, suối lớn có thể nuôi cá lồng, bè.

Bà Nguyễn Thị Hằng, Phó phòng Chăn nuôi - Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Nguồn nước và chất lượng nước trên địa bàn cơ bản không bị ô nhiễm như ở các tỉnh miền xuôi, đảm bảo cho phát triển thủy sản. Cơ cấu nuôi trồng và dịch vụ thủy sản trên địa bàn ngày càng đa dạng, nhiều giống thủy sản có giá trị được sử dụng mang lại thu nhập ổn định cho nông dân. Ðặc biệt mô hình nuôi cá rô phi đơn tính trong ao, lồng bè tại các hồ chứa thủy lợi, thủy điện phát triển mạnh. Các loại cá nước lạnh, có giá trị kinh tế cao như: Hồi, tầm, lăng chấm, chiên, diêu hồng... được đầu tư phát triển. Ðiển hình như trang trại nuôi cá hồi, cá tầm tại xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo do Công ty TNHH Sơn Hạnh Tuần Giáo thực hiện từ năm 2016 gồm 12 bể nuôi có tổng diện tích mặt nước 700m2; với quy mô nuôi 12.000 con cá hồi và 5.000 con cá tầm theo mô hình khép kín.

Huyện Ðiện Biên là một trong những địa bàn dẫn đầu tỉnh về phát triển thủy sản theo hướng bền vững. Có lợi thế về hệ thống ao, hồ, giao thông thuận lợi cho phát triển thủy sản, những năm gần đây nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển nuôi cá theo hướng thâm canh tăng năng suất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ðiển hình là mô hình nuôi thủy sản của gia đình ông Trần Văn Yêu, xã Thanh Chăn với hệ thống gần 20 ao, tổng diện tích trên 1ha mặt nước nuôi cá thương phẩm và sinh sản. Từ chỗ chỉ phục vụ nhu cầu thị trường trong huyện, đến nay mô hình nuôi thủy sản của ông Trần Văn Yêu đã mở rộng thị trường; cá thương phẩm, cá giống của gia đình đã vươn tới thị trường nhiều tỉnh Bắc Lào. Bình quân mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình ông Yêu thu lợi nhuận từ 350 - 400 triệu đồng.

Là huyện vùng cao nhưng Tủa Chùa có gần 50km mặt nước trên hồ thủy điện trên sông Ðà, kéo dài qua các xã Tủa Thàng, Huổi Só, Sín Chải thuận lợi cho đánh bắt, khai thác nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên và phát triển nuôi cá lồng. Tủa Chùa còn có trên 70ha ao hồ nuôi thủy sản tập trung ở các xã Xá Nhè, Tủa Thàng, sản lượng thuỷ sản hàng năm đạt gần 30 tấn.

Ðịnh hướng phát triển bền vững

Nhằm giúp người dân nuôi trồng thủy sản trên vùng lòng hồ thủy điện sông Ðà hiệu quả, đầu năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đầu tư, hỗ trợ người dân xã Tủa Thàng hơn 130 lồng cá.

Bà Vũ Thị Ngọc Ánh, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Phát triển nghề nuôi, đánh bắt thủy sản trên lòng hồ thủy điện cũng được xác định là một hướng chủ lực trong phát triển kinh tế của huyện. Do đó, huyện đã và đang khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân phát triển nghề nuôi thủy sản để tăng thu nhập.

Tương tự Tủa Chùa, một số huyện khác trong tỉnh cũng đang tập trung khai thác tiềm năng về thủy sản để phát triển thành một hướng sản xuất mang lại thu nhập ổn định cho nông dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng khích lệ thì hiệu quả phát triển ngành thủy sản chưa thực sự tương xứng với tiềm năng. Năng suất nuôi thủy sản tuy có tăng qua các năm song còn thấp; hoạt động sản xuất còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ, phân tán, chưa tạo ra sản lượng lớn mang tính hàng hóa; phương thức nuôi chủ yếu vẫn là quảng canh và quảng canh cải tiến (chiếm 70%), việc nuôi bán thâm canh và thâm canh ít, thị trường tiêu thụ hạn chế. Ðến nay, đại đa số các hộ nuôi thủy sản chủ yếu tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên và các phụ phẩm nông nghiệp. Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển thủy sản chưa được đầu tư đúng mức, đặc biệt là hệ thống thủy lợi cung cấp nước cho nuôi trồng thủy sản; một số diện tích nuôi trồng thủy sản lòng hồ chưa ổn định do phụ thuộc nhiệm vụ tích và xả nước.

Ðể khắc phục những hạn chế, thúc đẩy phát triển bền vững, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh tăng cường định hướng nuôi thủy sản theo hướng thâm canh, bền vững ở những nơi có điều kiện thuận lợi về hạ tầng, nguồn nước để tạo sản phẩm hàng hóa tập trung. Khuyến khích người dân mở rộng diện tích nuôi thủy sản chất lượng cao và bảo vệ môi trường. Xây dựng và áp dụng rộng rãi công nghệ nuôi thủy sản lồng bè, phù hợp với điều kiện môi trường tại các hồ chứa. Thực hiện đa dạng hóa đối tượng nuôi; mở rộng các liên kết trong nuôi trồng thủy sản nhằm nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top