Phát triển chăn nuôi theo hướng đảm bảo an toàn sinh học

09:03 - Thứ Tư, 07/10/2020 Lượt xem: 5685 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, toàn tỉnh có 39 trang trại chăn nuôi, gồm 15 trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô từ 1.500 - 4.000 con; 4 trang trại chăn nuôi lợn quy mô từ 100 - 3.000 con; 20 trang trại chăn nuôi trâu, bò, dê với quy mô 50 - 140 con. Chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang từng bước chuyển từ phương thức truyền thống (thả rông) sang chăn nuôi bán chăn thả, nuôi nhốt. Nhất là việc các địa phương đã quan tâm phát triển chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, có quản lý cách ly mầm bệnh với vật nuôi, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Người dân xã Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa chăm sóc đàn dê.

Là chủ trang trại chăn nuôi lợn chất lượng cao theo quy trình và công nghệ Thái Lan, ông Nguyễn Văn Quang (xã Núa Ngam, huyện Ðiện Biên) đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại kiên cố, lắp đặt hệ thống thông gió, lót đệm sinh học, máng ăn tự động và tuân thủ quy trình vệ sinh tiêu độc khử trùng. Hiện tại, trang trại của gia đình bà Lành đang có quy mô 4 chuồng nuôi với 4.000 con lợn thịt. ông Nguyễn Văn Quang cho biết: Thời gian tới, gia đình sẽ tiếp tục mở rộng quy mô nuôi lợn chất lượng cao lên 5.000 con mỗi năm và đầu tư nuôi bò sinh sản theo tiêu chuẩn nông nghiệp sạch.

Chăn nuôi an toàn sinh học phải áp dụng tổng hợp, đồng bộ các biện pháp kỹ thuật nên chủ các trang trại muốn áp dụng theo hướng đi này cần đầu tư hệ thống chuồng trại khép kín theo quy trình hiện đại; sử dụng kết hợp các biện pháp phòng dịch bệnh như: Rắc vôi bột, phun thuốc sát trùng khử khuẩn thường xuyên, bổ sung thức ăn dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi. Trong khi đó, thực tế phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phần lớn có quy mô nhỏ lẻ, dẫn tới khó kiểm soát dịch bệnh; việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế.

Bà Nguyễn Thị Hằng, Phó phòng Chăn nuôi - Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Thực hiện chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tăng cường quản lý chất lượng con giống, kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; xử lý tốt vấn đề môi trường. Cán bộ chuyên môn các huyện, thị xã, thành phố cũng tích cực khuyến cáo người dân chọn con giống đảm bảo chất lượng, năng suất cao; đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt quy định về bảo vệ môi trường thông qua việc ứng dụng quy trình, kỹ thuật công nghệ mới: Xây hầm biogas, men sinh học, ủ phân hữu cơ... để xử lý môi trường trong chăn nuôi. Mặt khác, tiếp tục rà soát, đánh giá lại thực trạng chăn nuôi để làm cơ sở tái cơ cấu ngành, gắn với quy hoạch trong những giai đoạn tới. Trong giai đoạn từ năm 2017 - 2020, tình hình dịch bệnh trên động vật cơ bản được kiểm soát tốt, không xảy ra các dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lợn tai xanh. Tuy nhiên, dịch tả lợn châu Phi xảy ra từ đầu năm 2019 đến đầu năm 2020 đã gây thiệt hại 5,8% tổng đàn lợn (23.569 con) so với trước dịch. Ðến tháng 2/2020 cơ bản dịch được khống chế. Một số bệnh trên động vật xảy ra ở một số hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh như: Lở mồm long móng, tụ huyết trùng, tiêu chảy, lep tô, dại... đều được phát hiện, xử lý, dập tắt kịp thời không gây thiệt hại lớn. Năm nay đã triển khai tiêm phòng 7,6 triệu liều vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi; triển khai tháng vệ sinh tiêu độc, phun phòng 4 đợt với hơn 112.900 lít hóa chất trên địa bàn 10 huyện, thị, thành phố.

Nhờ triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn, các trang trại chăn nuôi đã và đang phát huy hiệu quả. Nhất là việc áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học với các giống lợn cao sản, giống bò lai, gà lai theo hướng hàng hóa đã nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế. Trong đó, một số ứng dụng khoa học trong chăn nuôi có hiệu quả bền vững đã được triển khai rộng rãi như: Sử dụng men vi sinh để xử lý chất thải gia súc, gia cầm; nuôi lợn, gia cầm trên đệm lót sinh học; ủ chua thức ăn thô xanh, ủ rơm với urê... Ðến nay, toàn tỉnh có tổng đàn gia súc khoảng 524.200 con; trong đó, đàn trâu 135.546 con, đàn bò 78.250 con, đàn lợn 310.400 con, đàn dê 68.800 con và trên 4,48 triệu con gia cầm. Các trang trại chăn nuôi lợn, gia cầm tập trung ở huyện Ðiện Biên, TP. Ðiện Biên Phủ; còn các trang trại chăn nuôi trâu, bò tập trung tại các huyện có quỹ đất, bãi chăn thả rộng lớn như: Nậm Pồ, Mường Nhé, Mường Chà, Ðiện Biên Ðông.

Mai Phương
Bình luận
Back To Top