Cần phát huy chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

08:55 - Thứ Sáu, 09/10/2020 Lượt xem: 5644 In bài viết

ĐBP - Thực hiện Quyết định 45/2018/QÐ-UBND ngày 24/12/2018 của UBND tỉnh về hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, các cấp, ngành đã tăng cường tuyên truyền, triển khai chính sách đến người dân. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, đến nay việc hỗ trợ chưa đạt hiệu quả cao.

Hiện nay, nhiều người dân, tổ chức, cá nhân vẫn khó tiếp cận với chính sách hỗ trợ theo Quyết định 45 của UBND tỉnh. Trong ảnh: Thành viên HTX Dịch vụ Tổng hợp Thanh Yên (huyện Ðiện Biên) đóng gói sản phẩm gạo.

Theo Quyết định 45, hộ gia đình, cá nhân, tổ chức (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, đơn vị sự nghiệp) tham gia sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản được hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển chăn nuôi trâu, bò; thú y; sản xuất, phát triển lâm nghiệp; phát triển thủy sản và hỗ trợ phát triển cây hoa anh đào (mỗi nội dung hỗ trợ có điều kiện hỗ trợ khác nhau). Tuy nhiên đến nay kết quả triển khai hỗ trợ còn hạn chế.

Năm 2019, huyện Tuần Giáo được phân bổ 2 tỷ đồng thực hiện các nội dung hỗ trợ. Tuy nhiên, huyện chỉ thực hiện được 2 nội dung: Hỗ trợ chuỗi liên kết và phát triển lâm nghiệp. Ðó là hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chanh leo của Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc, quy mô 13,4ha; liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm xoài Ðài Loan với diện tích 6,4ha... Nguyên nhân do quy định về một số nội dung của Quyết định 45 khó triển khai thực hiện như: Ðể được hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, điều kiện bắt buộc các hộ dân, tổ chức, cá nhân phải có giấy chứng nhận hoặc cam kết đảm bảo các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Liên kết đảm bảo ổn định, đối với sản phẩm nông nghiệp có chu kỳ nuôi, trồng, khai thác từ 1 năm trở lên, thời gian liên kết tối thiểu 5 năm; đối với sản phẩm nông nghiệp có chu kỳ nuôi, trồng, khai thác dưới 1 năm, thời gian liên kết tối thiểu 3 năm...

Trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông, năm 2020 cũng chỉ thực hiện được 2 nội dung gồm: Hỗ trợ dự án liên kết chuỗi và hỗ trợ tiền công, vật tư, bảo hộ, dụng cụ tiêm phòng, công phun hóa chất sát trùng với tổng kinh phí 1,45 tỷ đồng. Trong đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp với xã Na Son thực hiện liên kết chuỗi trồng và tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu và hương nhu, với quy mô 8,5ha; kinh phí 225 triệu đồng; phối hợp với các xã tổ chức tiêm phòng định kỳ cho gia súc 87.210 liều vắc xin và phun phòng, tiêu độc khử trùng 4.428 lít hóa chất, kinh phí 1,225 tỷ đồng.

Theo ông Trần Văn Phương, cán bộ Phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh) thì năm 2019 ngân sách Nhà nước dành cho thực hiện các nội dung hỗ trợ tại Quyết định số 45 của UBND tỉnh là 20 tỷ đồng (năm 2020 chưa thống kê); kinh phí từ năm 2018 chuyển sang là hơn 3,1 tỷ đồng. Ðến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 18 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; hình thành một số dự án liên kết chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị, chất lượng các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: Gạo Séng cù, Bắc thơm số 7, chè... Bên cạnh đó, kết quả hỗ trợ còn nhiều hạn chế. Ðơn cử, toàn tỉnh mới thực hiện hỗ trợ cải tạo đàn bò địa phương bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho 435 con bò trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ và huyện Ðiện Biên; hỗ trợ nuôi cá nheo Mỹ trong ao tại huyện Ðiện Biên và TX. Mường Lay, quy mô 5.000m2 với 6 hộ tham gia. Trong hỗ trợ phát triển sản xuất lâm nghiệp, cũng chỉ mới thực hiện được 3 dự án trồng cây hoa ban và lập hồ sơ giao khoán, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng. Ðược biết, nguyên nhân do chính sách mới nên một số nội dung về định mức, hướng dẫn thực hiện chưa đồng bộ; người dân chưa hiểu hết về các mục tiêu của chính sách, trong khi đó một số cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở chưa quan tâm đúng mức. Phần lớn các dự án được thực hiện là đối tượng cây trồng dài ngày (cây ăn quả có múi, cây sa nhân) đang thời kỳ chăm sóc, chuẩn bị thu hoạch hoặc chưa đến thời kỳ cho sản phẩm nên chưa đánh giá được cụ thể về hiệu quả kinh tế. Cùng với đó, ngân sách hàng năm còn hạn chế (20 tỷ đồng/năm), trong khi nhu cầu vốn hàng năm khoảng trên 30 tỷ đồng. Kinh phí hạn hẹp nên một số huyện có tiềm năng phát triển các nông sản thành hàng hóa như: Ðiện Biên, Tuần Giáo, Mường Ảng... chưa thực hiện được các chỉ tiêu theo kế hoạch.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top