Hỗ trợ hộ nghèo - bài toán khó giải

08:46 - Thứ Năm, 15/10/2020 Lượt xem: 5431 In bài viết

ĐBP - Hỗ trợ hộ nghèo sao cho hiệu quả là câu hỏi khó được nhắc đến nhiều năm nay. Câu chuyện “trao cần câu” và giảm “cho không” người nghèo cũng được quan tâm. Nhưng dù là chính sách gì thì quan trọng hơn cả vẫn là cách triển khai thế nào để người nghèo vừa thấy được sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước, vừa có trách nhiệm, động lực vươn lên.

Người dân bản Tâu, xã Hua Thanh, huyện Ðiện Biên trồng ngô vụ 3 theo mô hình do UBND xã triển khai.

Nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ người nghèo

Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Ðiện Biên giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 48,14% đầu năm 2016 xuống còn 33,5% đầu năm 2020. Bình quân toàn tỉnh giảm 3,77%/năm. Ước thực hiện đến cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 30,67%.

Hiện nay người nghèo đang được thụ hưởng rất nhiều chương trình, chính sách, như: Cứu đói giáp hạt; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; tín dụng ưu đãi; hỗ trợ bảo hiểm y tế 100%; hỗ trợ chi phí học tập cho con em; dạy nghề và kết nối việc làm; hỗ trợ xây dựng nhà ở; ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, nước sạch… Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm được vay vốn chiếm trên 60% hộ nghèo, đáp ứng được phần lớn nhu cầu phát triển sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ, làm nhà ở... Dư nợ cho vay hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2020 đạt 1.370 tỷ đồng với trên 34.000 hộ vay, chiếm 47% tổng dư nợ các chương trình tín dụng. Số hộ nghèo được vay vốn làm nhà ở là 2.367 hộ.

Trong 5 năm (2016 - 2020), các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a trên địa bàn tỉnh được phân bổ 949,335 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư phát triển. Từ đó đã đầu tư xây dựng 106 công trình: Giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế… Chương trình 30a hỗ trợ thông qua giao khoán, chăm sóc, bảo vệ rừng; hỗ trợ khai hoang phục hóa, tạo ruộng bậc thang; mua giống, phân bón chuyển đổi cây trồng, vật nuôi… tổng số vốn 247,083 tỷ đồng cho trên 23.000 lượt hộ thụ hưởng. Ðồng thời thực hiện hỗ trợ 139 lao động huyện nghèo đi xuất khẩu lao động. Cũng trong 5 năm, Chương trình 135 được triển khai với nguồn vốn 630,714 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, duy tu bảo dưỡng, hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở. Ngoài ra còn nhiều đề án, chương trình, dự án, hoạt động hỗ trợ người nghèo khác được triển khai khắp trong tỉnh.

Tuy đã đạt được những mặt tích cực nhưng kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao. Chênh lệch thu nhập giữa các hộ, nhóm hộ, các vùng, các dân tộc còn cao, tiềm ẩn nhiều yếu tố gia tăng khoảng cách giàu - nghèo. Người nghèo, hộ nghèo còn lúng túng lựa chọn phương thức thoát nghèo.

Lý do đưa ra là các xã nghèo, hộ nghèo ở xa trung tâm, giao thông đi lại khó khăn; xuất phát điểm thấp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, các dịch vụ, điều kiện sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu, mặt khác thiên tai, lũ lụt liên tiếp xảy ra. Hơn nữa, khả năng tiếp nhận chính sách hỗ trợ của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, nhất là khó khăn về ngôn ngữ, trình độ giao tiếp; việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của đồng bào còn hạn chế, dẫn đến hiệu quả sản xuất chưa cao. Một số cấp ủy, chính quyền xã chưa xác định được công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm để triển khai vận động, tuyên truyền. Và một lý do quan trọng thường xuyên được nhắc đến là một bộ phận không nhỏ người nghèo còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa quyết tâm vươn lên thoát nghèo.

Hỗ trợ sao cho hiệu quả

Có lần, tìm hiểu về mô hình hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo tại một xã vùng cao, chúng tôi được chính quyền xã giới thiệu đến một số hộ, trong đó có hộ neo đơn đã khá cao tuổi. Khi liên hệ, sau một hồi quanh co, bác gái được hỗ trợ bò chia sẻ: “Tôi nhiều tuổi rồi, sức khỏe yếu nên không đi chăn, chăm bò được. Vì vậy mới đây tôi đã bán bò rồi”. Trường hợp này chắc chắn không phải hiếm, đặt ra vấn đề đầu tiên là cần hỗ trợ đúng đối tượng. Nhiều năm làm công tác xóa đói giảm nghèo, ông Trần Văn Bốn, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ðiện Biên nhận định: “Khi triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ hộ nghèo cần rà soát kỹ từng hộ, đúng thực trạng, thực chất, phân tích nguyên nhân nghèo, đánh giá sức lao động, triển vọng vươn lên thì mới có thể hỗ trợ đúng đối tượng. Ví dụ hộ nghèo neo đơn, già yếu hay người tàn tật, ốm đau thì khó thoát nghèo, nếu hỗ trợ cây, con giống thì chưa chắc họ đủ sức khỏe để trồng trọt, chăn nuôi được. Với hộ nghèo là người trẻ có sức lao động, thì việc đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề lại hợp lý, có thể phát huy hiệu quả chương trình. Nhưng gia đình trẻ, khỏe vừa tách hộ đã được hỗ trợ làm nhà thì có thể làm họ dựa dẫm, ỷ lại”.

Hay qua vụ “lùm xùm” hỗ trợ bò giống tại huyện Tuần Giáo mới đây, thấy cách triển khai hỗ trợ vẫn còn việc đáng bàn. Không chỉ cần công khai, minh bạch mà còn phải rành mạch thông tin, hướng dẫn chi tiết từ cơ chế hỗ trợ đến những vấn đề liên quan như vay vốn đối ứng để người thụ hưởng hiểu rõ và đồng thuận. Nhiều mô hình hỗ trợ con giống trên địa bàn tỉnh đã được triển khai theo hình thức hỗ trợ cho nhóm hộ hoặc hộ gia đình nghèo có đối ứng và để người dân tự đi mua dưới sự giám sát của địa phương, dự án. Cách làm này giúp người dân lựa chọn con giống đúng ý và trách nhiệm hơn với tài sản của mình. Ðối ứng, cho vay, mượn ưu đãi đang là những cách làm “trao cần câu” không phải “trao con cá” được triển khai hỗ trợ người nghèo. Còn theo ý kiến nhiều người, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, như: Trường học, giao thông, y tế, nước sạch… sẽ có giá trị lâu dài và phát huy hiệu quả hơn hỗ trợ trực tiếp.

Làm sao để hỗ trợ người nghèo cho hiệu quả vẫn là bài toán khó, mỗi địa phương có thể có cách giải riêng. Nhưng trên hết cần phải thay đổi tư tưởng trông chờ, ỷ lại của một bộ phận người nghèo; các chính sách hỗ trợ cần nghiên cứu, rà soát sao cho đúng đối tượng, phù hợp với tình hình và nhu cầu thực sự của người nghèo.

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top