Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất tại địa bàn vùng cao

09:04 - Thứ Hai, 19/10/2020 Lượt xem: 5140 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến rõ rệt, năng suất cây trồng, vật nuôi được nâng lên, chất lượng nông sản được cải thiện. Ðể có được kết quả đó, ngành Nông nghiệp tỉnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung ứng dụng khoa học - kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất.

Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh kiểm tra định kỳ mô hình mắc ca tại xã Nà Tấu (TP. Ðiện Biên Phủ). Ảnh: Lan Phương

Nhằm chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHKT cho nông dân vùng cao, vùng sâu, thời gian qua ngành Nông nghiệp tỉnh ta triển khai nhiều hoạt động phổ biến KHKT, hội thảo, tập huấn; tổ chức các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng hiện đại hóa. Nhiều mô hình ứng dụng KHKT vào sản xuất đã mang lại hiệu quả cao; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị hàng hóa nông, lâm, thủy sản. Từ đó góp phần thúc đẩy hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế ngành Nông nghiệp; xây dựng nông thôn mới.

Mắc ca là loại cây trồng hạn chế xói mòn rửa trôi, phủ xanh đất trống đồi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái, hạt mắc ca có giá trị kinh tế cao. Ðây là loại cây có tiềm năng mang lại hiệu quả kinh tế ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng cao. Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) triển khai 2 mô hình “Trồng thâm canh cây mắc ca’’ tại xã Nà Tấu (TP. Ðiện Biên Phủ), quy mô 30ha (15ha/mô hình) với 30 hộ nông dân tham gia. Mục tiêu của dự án nhằm chuyển giao tiến bộ KHKT trong trồng thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng năng suất, thu nhập cho bà con nông dân trên địa bàn các xã vùng khó. Mô hình triển khai tại 3 bản: Tà Cáng 3, Hua Rốm 2, Cang 2; mô hình thứ hai triển khai tại 3 bản: Nà Tấu 1, Nà Tấu 2, Nà Tấu 3. Quá trình thực hiện mô hình, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc; chú trọng công tác bảo vệ, khuyến cáo các hộ không chăn thả gia súc tự do. Sau 3 năm triển khai, đến nay tỷ lệ cây sống đạt 96%, chiều cao cây trung bình đạt 4m; đường kính gốc trung bình đạt 4cm; đường kính tán 1,6m. Cây không bị sâu bệnh hại, sinh trưởng phát triển ổn định.

Còn đối với 25 hộ dân (gồm 14 hộ nghèo, 4 hộ cận nghèo và 7 hộ đã thoát nghèo) thôn Tà Huổi Tráng 1, xã Tủa Thàng (huyện Tủa Chùa) được tham gia mô hình chăn nuôi vịt nội do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tủa Chùa triển khai. Mô hình có quy mô 1.400 con vịt nội giống, hỗ trợ mỗi hộ 56 con vịt. Sau hơn 4 tháng nuôi, với sự hỗ trợ về kỹ thuật của cán bộ Trung tâm, tỷ lệ vịt sống đạt 96%, trọng lượng trung bình 3kg/con, hiệu quả kinh tế trung bình 1 hộ thu lãi gần 4 triệu đồng/1 chu kỳ sản xuất.

Ông Mào Văn Bổn, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tủa Chùa cho biết: Mô hình nhằm mục đích xây dựng một tập thể nhóm hộ cùng sở thích chăn nuôi vịt nội để tăng cường trao đổi, học tập, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau trong sản xuất. Ðồng thời tạo mối liên hệ giữa cán bộ kỹ thuật và người dân, giúp người dân từng bước nắm bắt các tiến bộ KHKT áp dụng vào sản xuất để tăng năng suất. Mô hình đã góp phần thay đổi tập quán chăn nuôi truyền thống sang áp dụng KHKT cho những hộ dân tham gia. Từ đó, từng bước nhân rộng hiệu quả của mô hình ra toàn địa bàn, góp phần tăng số lượng vật nuôi địa phương, ổn định cuộc sống, thực hiện giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Thay đổi tư duy, phương pháp tổ chức sản xuất; chuyển giao những tiến bộ KHKT mới góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng năng suất, tăng thu nhập cho người dân là những mục tiêu và hiệu quả mà các mô hình hỗ trợ sản xuất mang lại.

Ông Lê Ngọc Minh, Trưởng phòng Chuyển giao kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh cho biết: Các mô hình ứng dụng KHKT Trung tâm đã triển khai thời gian qua không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế, tập quán sản xuất của người dân... nên việc ứng dụng KHKT trong sản xuất nông nghiệp ở các huyện vùng cao còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Bên cạnh đó, thiếu cơ sở vật chất kỹ thuật, vốn hỗ trợ mô hình ít, trình độ của người dân không đều nên chưa thúc đẩy việc phổ biến, áp dụng phương thức canh tác tiến bộ trên diện rộng. Thời gian tới, để khuyến khích người dân tiếp tục thực hiện cơ giới hóa, ứng dụng các tiến bộ KHKT, đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước và doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân mạnh dạn thay đổi tư duy, cách làm phù hợp với yêu cầu của cơ chế thị trường, nâng khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

Lan Phương
Bình luận
Back To Top