Sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn nhiều khó khăn

09:03 - Thứ Tư, 21/10/2020 Lượt xem: 5148 In bài viết

ĐBP - Sản xuất hữu cơ là xu hướng tất yếu của ngành Nông nghiệp. Những năm gần đây, tỉnh ta đã và đang định hướng, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông hộ từng bước chuyển từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên thực tế còn rất nhiều khó khăn, thách thức. 

Cán bộ và nông dân xã Na Ư (huyện Ðiện Biên) kiểm tra, định sản lúa mùa năm 2020.

Hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch và định hướng cho các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông hộ sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hữu cơ. Song việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ vẫn đang dừng ở mức tiềm năng, hiệu quả các mô hình còn thấp. Ðể sản xuất nông nghiệp hữu cơ, cần phải tuân thủ các quy định, như: Không xen lẫn với sản xuất thông thường và vùng đang chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ; không sử dụng các loại giống cây chuyển đổi gen; không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học, các loại phân bón tổng hợp... Nên hiện nay, các doanh nghiệp, hợp tác xã mới tập trung sản xuất theo hướng an toàn, chưa đủ điều kiện để chuyển sang sản xuất hữu cơ. Quy trình sản xuất an toàn vẫn được sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc: Ðúng, đủ thời gian cách ly còn sản xuất hữu cơ thì tuyệt đối không. Ðối với sản xuất nông hộ lại càng khó hơn bởi tình trạng lạm dụng phân bón hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật đang diễn ra khá phổ biến. Do đó, đến nay toàn tỉnh mới có duy nhất vùng chè Tủa Chùa của Công ty TNHH Hương Linh Ðiện Biên được tổ chức chứng nhận quốc tế CERES chứng nhận sản phẩm chè hữu cơ năm 2019 với tổng diện tích 70ha, sản lượng 24 tấn chè khô/năm.

Tìm hiểu mô hình liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao an toàn của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Yên với diện tích trên 150ha, được biết: Tham gia liên kết, người dân tổ chức sản xuất theo một quy trình thống nhất của hợp tác xã, từ khâu chọn giống, ngày xuống giống, bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh... đến khâu thu hoạch. Năng suất lúa cao hơn từ 10 - 15% so với sản xuất truyền thống; sản phẩm đảm bảo an toàn. Ðại diện Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Yên cho biết: Với điều kiện hiện nay, sản xuất lúa gạo hữu cơ rất khó. Bởi vì các điều kiện đầu vào của HTX về đất đai, nguồn nước, không khí, giống... chưa thể đáp ứng các quy trình chặt chẽ của sản xuất hữu cơ. Từ lâu nay, quy trình sản xuất lúa gạo của người dân không thể thiếu 2 loại vật tư: Phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Nếu sản xuất hữu cơ thì phải loại bỏ 2 loại vật tư này, như vậy năng suất lúa sẽ giảm, kéo theo liên kết sẽ bị đổ vỡ, đứt gãy. Ngoài khâu tổ chức sản xuất, còn rất nhiều khó khăn, thách thức khác đến từ các khâu chế biến, bảo quản, bao bì sản phẩm, thị trường sản phẩm và cơ chế chính sách đi kèm… Do đó, HTX xác định hiện nay chưa phải là thời điểm phù hợp để chuyển đổi từ sản xuất an toàn sang sản xuất hữu cơ.

Thành lập từ năm 2016, nông trại của Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Ðiện Biên được đánh giá là một trong những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn của tỉnh. Hiện nay, nông trại có 4ha trồng rau, củ quả với hệ thống nhà kính hiện đại; 2ha trồng cây ăn quả chất lượng cao và khu chăn nuôi sinh học với quy mô 100 con lợn thịt. Mỗi luống rau, cây ăn quả đều được theo dõi quá trình sinh trưởng như: Ngày xuống giống, ngày bón phân, ngày dự kiến thu hoạch...

Ông Nguyễn Phú Ðỏ, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Ðiện Biên cho biết: Ðịnh hướng lâu dài của Công ty vẫn là sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuy nhiên thời điểm này Công ty vẫn chưa thể đáp ứng quy trình sản xuất hữu cơ “6 không” (không bón phân hóa học, không thuốc trừ sâu hóa học, không thuốc kích thích sinh trưởng, không thuốc diệt cỏ, không giống biến đổi gen, không chất bảo quản). Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp hữu cơ cần có vùng cách ly với nông nghiệp truyền thống, nhằm ngăn tác động trực tiếp của hóa chất với sản phẩm. Nhưng hiện nay, xung quanh trang trại đều sản xuất lúa theo phương pháp truyền thống nếu đơn vị triển khai sản xuất hữu cơ sẽ không đảm bảo yêu cầu. Mặt khác, khi chuyển sang sản xuất hữu cơ, những năm đầu năng suất giảm và gặp khó khăn trong phòng chống sâu bệnh. Do đó, sản xuất nông nghiệp hữu cơ vẫn là đích đến cao nhất của Công ty nhưng thời điểm hiện nay thì chưa phù hợp để chuyển đổi mô hình sản xuất.

Ông Trần Sỹ Quân, Phó phòng phụ trách phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Bên cạnh những khó khăn về điều kiện tổ chức sản xuất, đến nay tỉnh ta chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể để thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn. Do đó, doanh nghiệp, HTX nông nghiệp đang chủ yếu tập trung ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất, sản phẩm đảm bảo an toàn chứ chưa sẵn sàng chuyển đổi sang mô hình sản xuất hữu cơ. Hiện nay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng Ðề án Phát triển cây ăn quả giai đoạn 2021 - 2025 tầm nhìn đến năm 2030, trong đó định hướng ưu tiên phát triển cây ăn quả bản địa có chất lượng và giá trị cao theo hướng hữu cơ. Sở cũng tham mưu UBND tỉnh phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng đề án, dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ đáp ứng yêu cầu và phù hợp với tiêu chuẩn; xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương về: Ðất đai, hạ tầng, giống, công nghệ... phục vụ cho phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top