Chủ động sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu

08:47 - Thứ Tư, 28/10/2020 Lượt xem: 5918 In bài viết

ĐBP - Các hiện tượng thời tiết cực đoan như: Rét đậm, rét hại, mưa đá kèm giông lốc, hạn hán, sạt lở đất... thời gian qua đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp làm giảm năng suất, sản lượng nông sản trên địa bàn tỉnh. Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương và nông hộ đã chủ động phương án sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cán bộ khuyến nông xã Trung Thu (huyện Tủa Chùa) hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng cây măng tây trên đất lúa 1 vụ. Ảnh: C.T.V

Ông Trần Sỹ Quân, Phó phòng phụ trách Phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Hiện nay, tỉnh ta chưa có đề án hoặc dự án riêng về sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, khoảng 10 năm nay, ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã triển khai nhiều mô hình, giải pháp kỹ thuật trên các loại cây trồng để giúp người dân chủ động trong sản xuất nhằm thích ứng biến đổi khí hậu. Ðiển hình như: Ðưa vào gieo trồng các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao và có khả năng chống chịu tốt với các biến đổi của thời tiết, sâu bệnh; ứng dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI; cấy lúa theo phương pháp hiệu ứng hàng biên; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp... Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn luôn thực hiện tốt công tác dự thính, dự báo về thời tiết trong ngày, tuần, tháng và cả thời vụ.

Cánh đồng Mường Thanh là vựa lúa lớn nhất tỉnh cũng chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Những năm gần đây, đến giai đoạn cây lúa trổ bông, chín sữa trên địa bàn huyện Ðiện Biên thường xảy ra mưa đá kèm giông lốc khiến nhiều diện tích lúa bị đổ gãy, ảnh hưởng đến năng suất. Nhằm thích ứng với những thay đổi, ảnh hưởng của thời tiết, từ năm 2016 huyện Ðiện Biên triển khai mô hình cấy lúa theo phương pháp hiệu ứng hàng biên trên địa bàn các xã vùng lòng chảo với 3 công thức khoảng cách, mật độ khác nhau để tìm ra mật độ, khoảng cách hợp lý nhất. Mô hình sản xuất lúa hàng biên đạt những ưu điểm vượt trội giúp cây lúa có khoảng cách phù hợp, tiếp nhận ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp toàn bộ phần gốc, thân, lá kích thích phát triển nên cây lúa khỏe, bộ rễ chắc. Do đó khắc phục tốt tình trạng lúa bị đổ gãy do giông lốc. Bên cạnh đó, cấy lúa theo phương pháp này tiết kiệm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe con người và tăng độ sạch của sản phẩm. Phương pháp hiệu ứng hàng biên giảm được 2/3 lượng giống, 1/3 lượng phân bón, giảm số lần phun thuốc BVTV, công lao động tỉa giặm và cho năng suất tăng 10 - 15% so với sản xuất truyền thống. Hiện nay, phương pháp này đã được nhân rộng tại các xã trên địa bàn huyện Ðiện Biên.

Vụ đông xuân năm 2020, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, toàn tỉnh có hơn 1.000ha lúa bị hạn hán, tập trung chủ yếu tại các huyện: Ðiện Biên, Mường Ảng, Ðiện Biên Ðông và TP. Ðiện Biên Phủ... Thời điểm đó, lúa đông xuân đang ở giai đoạn đứng cái làm đòng, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, sản lượng và mục tiêu kế hoạch của ngành Nông nghiệp. Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Công ty TNHH Quản lý Thủy nông Ðiện Biên triển khai nhiều trạm bơm dã chiến với trên 20 máy bơm công suất lớn, hoạt động 24/24 giờ suốt 2 tháng. Do đó, đã hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán.

Ông Lê Văn Thi, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý Thủy nông Ðiện Biên cho biết: Những năm gần đây, lượng mưa hàng năm ít hơn trước nên mức độ tích nước của các hồ chứa thủy lợi cũng hạn chế hơn do đó lượng nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp không thể đảm bảo 100%. Năm 2020, căn cứ lượng mưa, Công ty đã chủ động chỉ đạo các cụm thủy nông đóng đập tích nước từ sớm và chủ động xây dựng kế hoạch cấp nước mới, khác hoàn toàn với những mùa trước và phù hợp với tình hình dự báo thời tiết vụ đông xuân của địa phương.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là phương pháp phổ biến được người dân áp dụng nhằm hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh, trong khoảng hơn 10 năm qua, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi gần 5.100ha đất trồng lúa (cả lúa nương và lúa nước) kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, rau màu và cây công nghiệp; chuyển hơn 1.300ha sang trồng rừng và 95ha sang mục đích nuôi trồng thủy sản... để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cánh đồng của người dân đội 8, đội 9 (trước đây thuộc xã Mường Báng nay đã sáp nhập về thị trấn Tủa Chùa, huyện Tủa Chùa) nhiều năm liền chỉ sản xuất được 1 vụ mùa do thiếu nước. Từ năm 2015 đến nay, để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, vừa tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích, 19 hộ dân bản Tân Phong đã chuyển đổi 5.000m2 đất lúa 1 vụ sang trồng rau màu và 700m2 ao cá. Ðến năm 2019, các hộ dân đã thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mường Báng chuyên sản xuất, cung cấp rau, củ quả, cá an toàn cho các đơn vị nhà trường, bếp ăn tập thể trên địa bàn huyện. Bà Phạm Thị Út Mai, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mường Báng cho biết: Hiện nay, bình quân mỗi ngày đơn vị cung cấp 50 - 70kg rau cho các bếp ăn tập thể, trường học trên địa bàn; lợi nhuận cao gấp 4 - 5 lần sản xuất lúa 1 vụ như trước đây. Từ năm 2019 đến nay, Hợp tác xã đã liên kết sản xuất với các hộ dân ở xã Mường Ðun, Tủa Thàng để tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa 1 vụ, mở rộng quy mô sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top