Cẩn trọng đầu tư điện mặt trời áp mái

08:44 - Thứ Sáu, 06/11/2020 Lượt xem: 5543 In bài viết

ĐBP - Giảm chi phí tiền điện hàng tháng, điện dư có thể bán lại cho ngành Ðiện, góp phần bảo vệ môi trường… là những lợi ích mà điện mặt trời áp mái mang lại cho nhiều doanh nghiệp và người dân. Nắm bắt được tiềm năng và lợi ích đó, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã đầu tư, phát triển nguồn năng lượng này. Tuy nhiên, việc phát triển điện mặt trời áp mái cũng có những rủi ro, người dân cần cẩn trọng và tìm hiểu kỹ các quy định trước khi đầu tư.

Lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái tại huyện Ðiện Biên.

Gần 5 năm trước, thời điểm điện mặt trời mái nhà chưa được nhiều người quan tâm, ít người dám đầu tư lớn vì sợ lãng phí thì anh Nguyễn Văn Thắng (phường Thanh Bình, TP. Ðiện Biên Phủ) mạnh dạn đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái với công suất 46kwh, tổng chi phí hơn 600 triệu đồng. Sau khi lắp đặt hệ thống điện áp mái không những giúp gia đình anh tiết kiệm tiền điện hàng tháng mà phần điện năng dư thừa còn bán cho ngành Ðiện thông qua công tơ điện đo đếm 2 chiều giao và nhận.

Nắm bắt chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển điện mặt trời của Chính phủ, từ năm 2019 đến nay, nhiều tổ chức, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư điện mặt trời. Trong đó, chủ yếu lắp điện mặt trời áp mái có công suất nhỏ hơn 1MW. Ðây là loại hình đầu tư được miễn giấy phép hoạt động điện lực nên các tổ chức, cá nhân tận dụng mái nhà của trụ sở, gia đình để lắp đặt. Ðến hết tháng 9/2020, toàn tỉnh có 160 khách hàng lắp đặt hòa lưới điện năng lượng mặt trời áp mái với công suất đạt 4.451,52kwp, sản lượng đạt 302.831kwh/tháng. Trong đó, riêng Công ty Ðiện lực Ðiện Biên có 107 khách hàng lắp đặt điện mặt trời áp mái, đạt công suất 3.469,13 kwp (đạt 125% so với kế hoạch giao năm 2020). Hiện nay, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam đang mua điện mặt trời từ các tổ chức, cá nhân với giá 1.943 đồng/1kwh với điện mặt trời áp mái; 1.644 đồng/1kwh đối với điện mặt trời mặt đất và 1.783 đồng/1kwh đối với điện mặt trời nổi. Như vậy, đối với những dự án điện mặt trời mà các tổ chức, cá nhân lắp đặt trên các mái nhà, nhà xưởng, sân thượng... sẽ được ưu tiên và mua với giá cao hơn so với dự án điện lắp trên mặt đất và mặt nước. Ðây cũng là cơ chế để khuyến khích người dân tận dụng các công trình để lắp đặt và tiết kiệm tối đa diện tích mặt đất, mặt nước.

Ông Lê Mạnh Hùng, Trưởng phòng Kinh doanh điện năng (Công ty Ðiện lực Ðiện Biên) cho biết: Phát triển điện năng mặt trời dù đang được Chính phủ cũng như ngành Ðiện khuyến khích đầu tư song thực tế cũng phát sinh nhiều rủi ro, vướng mắc. Cụ thể là trên thị trường trong và ngoài tỉnh hiện nay ồ ạt ra mắt nhiều doanh nghiệp kinh doanh tấm pin điện mặt trời nên việc thiếu thông tin chất lượng sản phẩm, đơn vị thi công, bảo hành, chưa hiểu rõ về nguồn và lưới điện… cũng là rủi ro đối với người lắp đặt. Mặc dù Ðiện Biên được đánh giá thuộc nhóm tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển điện áp mái do thời gian bức xạ nhiệt trong ngày lớn thứ 4 trên cả nước song hàng năm cũng gặp nhiều thiên tai (mưa đá, sấm sét), thiết bị kém chất lượng dễ bị hỏng hoặc cháy nổ. Trong khi đó, Bộ Công Thương chưa ban hành hướng dẫn nghiệm thu, thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy đối với các công trình điện năng lượng mặt trời, dẫn đến khó khăn trong việc quản lý về phòng cháy chữa cháy đối với các công trình này. Bên cạnh đó, giá lắp đặt còn tương đối cao như với hệ thống 9 tấm pin cho công suất hơn 3kwp có giá khoảng 70 triệu đồng, thời gian thu hồi vốn từ 5 - 7 năm. Vì vậy, các gia đình có ý định lắp đặt hệ thống này nên nghiên cứu, tham khảo và tính toán cân đối giữa chi phí đầu tư ban đầu với lượng điện tiết kiệm được và giá bán điện để có phương án đầu tư hợp lý. Trước khi quyết định lắp hệ thống điện mặt trời áp mái, chủ đầu tư cũng cần lựa chọn vật tư phù hợp, có chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; lựa chọn đơn vị lắp đặt uy tín, có kinh nghiệm về điện mặt trời để hạn chế thấp những rủi ro gặp phải.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top