Mánh Ðanh chưa “lạc nghiệp”

12:51 - Thứ Bảy, 07/11/2020 Lượt xem: 4970 In bài viết

ĐBP - Hồ chứa nước Ẳng Cang nằm trên địa bàn xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng, là công trình lớn, khởi công xây dựng từ năm 2009 với tổng mức đầu tư trên 355 tỷ đồng. Ðã hơn 10 năm trôi qua, công trình vẫn chưa hoàn thành. Ðiều đó cũng đồng nghĩa với quãng thời gian mà cuộc sống của người dân bản Mánh Ðanh gặp không ít khó khăn…

Mặc dù người dân bản Mánh Ðanh đã “an cư” nhưng việc phát triển kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn do thiếu quỹ đất sản xuất. Trong ảnh: Một góc khu tái định cư bản Mánh Ðanh, xã Ẳng Cang.

“An cư” nhưng chưa… “lạc nghiệp”

Năm 2009, UBND tỉnh Ðiện Biên ban hành Quyết định số 1852 phê duyệt dự án công trình Hồ chứa nước Ẳng Cang tại xã Ẳng Cang (huyện Mường Ảng). Theo thiết kế, hồ chứa nước Ẳng Cang có dung tích hơn 4,4 triệu mét khối, trong đó dung tích hữu ích 3,8 triệu mét khối. Có thể nói, đây là công trình thủy lợi lớn nhất trên địa bàn huyện Mường Ảng; đồng thời được kỳ vọng sẽ góp phần đem lại ấm no cho người dân. Khởi công dự án, huyện phải di dời 62 hộ dân về khu tái định cư mới; hơn 100 hộ ở bản Mánh Ðanh và một số bản lân cận của xã Ẳng Cang cũng bị ảnh hưởng đến đất sản xuất. Do địa hình khu tái định cư mới đa phần là núi cao, đất nương ít, lại cằn cỗi, thiếu nước, nên việc bố trí đất sản xuất cho nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Khi thực hiện di dân, cơ quan chức năng đã triển khai các phương án bồi thường, hỗ trợ cho nhân dân rất đầy đủ, đúng theo quy định của pháp luật và được người dân đồng tình ủng hộ, bàn giao mặt bằng. Tại nơi ở mới, cuộc sống của một bộ phận người dân đã ổn định, giao thông, nhà ở tại khu tái định tốt hơn so với nơi ở cũ, đó là nhận xét chung của chính quyền nơi đây. Cùng với đó, việc đảm bảo an ninh lương thực, sinh kế lâu dài cho người dân cũng được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm ngay từ những ngày đầu tiên. Song qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi lại thấy rằng, cuộc sống của bà con nơi đây vẫn còn nhiều gian nan, trắc trở.

Ðược đền bù giải phóng mặt bằng 3,2 tỷ đồng, gia đình ông Cà Văn Ánh là hộ đầu tiên chuyển lên khu tái định cư với số tiền trên, không ai có thể tin hiện nay gia đình ông Ánh vẫn là một trong những hộ thuộc diện nghèo. Nguyên nhân được ông Ánh đưa ra đó là: Số tiền đền bù này được chia làm nhiều đợt, gia đình đã mua đất nông nghiệp ở các khu vực khác để sản xuất và sử dụng trong chi tiêu hàng ngày. Ðến nay số tiền 3,2 tỷ đồng đã hết. Hiện gia đình ông chỉ còn trên 3.500m2 đất bao gồm cả đất ở và đất nông nghiệp.

Còn anh Lường Văn Uôn thì khác, vì là “suất ăn theo” nên tất cả tiền đền bù gia đình anh chỉ được hơn 100 triệu đồng, số tiền này đủ để dựng một ngôi nhà và mua sắm một số vật dụng sinh hoạt. Ruộng, nương hết, giờ cả gia đình 5 khẩu chỉ trông chờ vào số tiền đi làm thuê của anh. “Chúng tôi buồn lắm, với khó khăn chồng lên khó khăn, không biết sau này cuộc sống gia đình tôi sẽ ra sao” - anh Uôn buồn rầu chia sẻ.

Cũng gặp khó khăn khi Dự án Hồ chứa nước Ẳng Cang được xây dựng, ông Lường Văn Sương trăn trở nói: “Ðược nhận trên 800 triệu đồng, nhưng đổi lại là toàn bộ diện tích đất sản xuất của gia đình tôi phải bàn giao cho dự án, với số tiền trên vì đông con nên mỗi khẩu cũng chẳng được bao nhiêu, giờ đây khi con cái đã xây dựng gia đình và chuyển đi nơi khác sinh sống, vợ chồng tôi phải tự lo cho bản thân, sinh kế trông vào việc chăn nuôi gia cầm vì không còn đất sản xuất”. Qua những chia sẻ tâm can của ông Sương, chúng tôi cũng hiểu được phần nào khó khăn mà cuộc sống gia đình ông phải gồng gánh. Ông Sương còn cho biết, năm nay, vợ chồng ông đã ngoài 70 tuổi, tuổi cũng đã cao, sức yếu nếu có đất sản xuất thì ông bà cũng không còn đủ sức khỏe để làm.

Dẫn chúng tôi đi xem khu đất sản xuất của bà con trong bản đã nhận tiền đền bù của dự án, ông Lường Văn Bánh, Bí thư chi bộ bản Mánh Ðanh không giấu được nỗi buồn, bởi tiền đền bù tái định cư dân cứ nhận về đến đâu thì tiêu hết đến đó. Giờ đây ruộng không có, nương đồi khô cằn, người dân cũng không biết phải vực dậy kinh tế bằng cách nào. Ông Bánh cũng cho biết, là cán bộ, đảng viên ở bản nhưng cũng chưa nghĩ ra cách nào để giúp cuộc sống bà con khấm khá hơn.

Chưa dừng lại ở vấn đề đất sản xuất, nước sinh hoạt cũng là một vấn đề đáng quan tâm ở khu tái định cư này. Mặc dù trước đây, khu tái định cư đã được Nhà nước đầu tư xây dựng công trình cấp nước, nhưng cứ vào mùa khô, nước không đủ dùng, vào mùa mưa thì nước lại lẫn bùn đất, các hộ dân phải tự đầu tư đường ống nước dẫn từ các khe về dùng khiến cuộc sống thêm phần khó khăn.

Cần những định hướng cụ thể

Trao đổi với ông Lò Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Ẳng Cang, chúng tôi được biết, những năm qua, Ðảng ủy, chính quyền xã cũng luôn cố gắng tạo mọi điều kiện để người dân ổn định đời sống và sản xuất, nâng cao thu nhập; nhưng vì không có quỹ đất để bố trí sản xuất nên cuộc sống của bà con vẫn gặp không ít khó khăn. Hiện nay, do hồ Ẳng Cang chưa hoàn thiện, chưa ngăn dòng nên chính quyền vẫn tạo điều kiện để bà con canh tác, sản xuất dưới lòng hồ. “Sau khi một số diện tích đất sản xuất của người dân bị thu hồi, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã bàn bạc, thống nhất bố trí, di chuyển về khu tái định cư cho bà con. Thế nhưng khi không còn đất sản xuất nữa, trong khi người dân chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp nên việc định hướng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo vẫn đang là bài toán khó”, - Chủ tịch UBND xã Ẳng Cang Lò Văn Quân bộc bạch.

Chủ tịch UBND xã Ẳng Cang cũng cho biết, trước mắt, cấp ủy, chính quyền xã tăng cường vận động bà con cố gắng sử dụng hiệu quả diện tích đất nương hiện có, duy trì, đầu tư để nâng cao thu nhập từ diện tích cà phê của gia đình. Cùng với đó, tiếp tục tăng gia, sản xuất, chăn nuôi thêm các con giống có giá trị kinh tế. Ðợi khi dự án hoàn thiện, nước hồ dâng lên, xã sẽ cùng với cơ quan chức năng lên phương án hướng dẫn bà con sử dụng mặt nước lòng hồ và triển khai một số loại hình sản xuất, kinh doanh dịch vụ như: Nuôi thủy sản, xây dựng khu văn hóa, ẩm thực…

Theo kế hoạch, trong tháng 11/2020, Dự án Hồ chứa nước Ẳng Cang sẽ hoàn thành, như vậy đồng nghĩa với việc, các hộ dân vẫn còn đang sản xuất nhờ vào một số diện tích ở lòng hồ sẽ không còn đất. Những tưởng triển khai Dự án Hồ chứa nước Ẳng Cang sẽ mang lại niềm vui, hi vọng về cuộc sống mới cho người dân. Song, thực tế những gì đã diễn ra lại không hẳn thế. Thiếu nước sinh hoạt, thiếu đất sản xuất, thiếu một số cơ sở hạ tầng phục vụ cho đời sống hàng ngày… còn rất nhiều lý do khiến người dân tại khu tái định cư này chưa thể ổn định cuộc sống. Do đó, bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, chính quyền địa phương cũng cần có giải pháp, định hướng cụ thể để hỗ trợ, giúp đỡ người dân vươn lên thoát nghèo.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top