Chuyển đổi giống thích nghi với đồng bằng sông Cửu Long

09:16 - Thứ Ba, 10/11/2020 Lượt xem: 3696 In bài viết

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện nay đang chịu thách thức của tác động biến đổi khí hậu, yếu tố thượng nguồn và cả những hoạt động sản xuất chưa đảm bảo bền vững. Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp đã có những ứng phó kịp thời để đảm bảo khai thác tiếp tiềm năng, lợi thế về sản xuất nông nghiệp của vùng này.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường - Ảnh: VGP/Đoàn Bắc

Trong phiên chất vấn tại Quốc hội ngày 9/11, trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Thị Vĩnh Nghi của thành phố Cần Thơ nói về chiến lược công tác giống để thích ứng với đồng bằng sông Cửu Long. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết hiện ngành nông nghiệp đang có những ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay tại ĐBSCL.

Thứ nhất, khai thác tốt tính thích ứng, những sản phẩm gì thích ứng thì chúng ta sẽ mở rộng.

Thứ hai là dựa vào quy luật thị trường. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngành nông nghiệp có chủ trương sẽ thúc đẩy thủy sản, thúc đẩy trái cây, cơ cấu lại ngành hàng lúa gạo.

“Trong các nhóm giải pháp có nhóm giải pháp giống, chúng tôi đã đề xuất và Thủ tướng Chính phủ đã quyết định các chương trình giống quốc gia. Một là về thủy sản thì có 2 giống thủy sản lớn, đó là giống cá tra và giống tôm, 2 ngành hàng chính. Hiện đã có chương trình quốc gia về 2 giống này, cụ thể là đối với giống cá tra thì xác định khoảng 6.000 hecta với công suất 4,4 tỷ con cá giống. Chúng ta đã xây dựng được một chương trình phát triển giống cá tra 3 cấp, hiện nay đang tập trung cùng các doanh nghiệp và các tỉnh trọng điểm tiến hành. Như vậy, phấn đấu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, chúng ta hoàn toàn chủ động được con giống tốt, vào khoảng 4,4 tỷ, 135.000 cặp bố mẹ”, Bộ trưởng cho hay.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm: Hiện nay, các doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ mới nhất, tức là đã cấy chip điện tử vào những cặp bố mẹ như chúng ta xem trên truyền hình, để đảm bảo sau này phân bổ tránh cận huyết, có được những dòng lựa chọn cho năng suất cao để không chỉ đảm bảo năng suất cạnh tranh mặt hàng này.

Đối với con tôm cũng vậy, hiện nay một năm Việt Nam cần khoảng 120 tỷ con giống, gồm 2 loại tôm sú và tôm thẻ. Ngành nông nghiệp đã có chương trình giống này, tuy niên đến nay, chúng ta mới làm chủ được khoảng 40% lượng bố mẹ của tôm thẻ, còn giống tôm sú thì đã hoàn toàn chủ động.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: “Đối với tập đoàn giống bố mẹ, mặc dù nhập khẩu 1 năm chỉ hơn 300.000 cặp bố mẹ con tôm nhưng đây là an ninh nguồn hàng. Do đó, có một chương trình để chúng ta cố gắng chủ động hoàn toàn con giống này. Con tôm sú chúng ta thuần hóa để làm sao chọn được dòng tốt nhất. Đó là nhánh thủy sản.

Nhánh trái cây, ở ĐBSCL, lựa chọn 10 trái cây điển hình thì có một chương trình để cố gắng năm 2030, bộ giống 10 trái cây này của chúng ta sẽ thuộc tốp tiên tiến để đảm bảo phục vụ sản xuất cạnh tranh”.

Riêng về nhánh lúa gạo, Bộ trưởng cho biết hiện đang rà soát để cơ cấu lại theo 2 hướng: Một là, tăng cường các giống chất lượng đường cao, thích ứng với thị trường thế giới.

Hai là, chọn nhóm giống tăng cường thích ứng bằng cách chịu hạn, chịu mặn để 7 tỉnh ven biển của đồng bằng sông Cửu Long có thể đưa vào cơ cấu này. Cho đến nay, chúng ta có bước tiến tốt, đó là 9 giống vừa qua, giống thơm Việt Nam đã chính thức được EU cho phép nhập. Điều đó chứng tỏ chúng ta cơ cấu giống đang đi rất đúng hướng. Chúng ta tập trung thêm các nhóm giống chịu hạn và chịu mặn. Cùng với đó, hiện nay giống tốt, giống xác nhận ở đồng bằng sông Cửu Long 1 năm cần khoảng 250.000 tấn, chúng ta mới chỉ đáp ứng được 65% có chất lượng theo tiêu chuẩn giống xác nhận. Như vậy, phải tăng tỉ nệ này lên để đảm bảo không chỉ có bộ giống phù hợp mà còn có chất lượng phù hợp.

“Ba chương trình này, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, chúng tôi đã có những chương trình cụ thể, đang phối hợp với các tỉnh, các doanh nghiệp, đặc biệt với bà con nông dân. Rất nhiều bà con nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long cũng trở thành nhà chọn giống rất tốt để chúng ta cố gắng có được bộ giống cho ba nhóm nông sản chủ lực, thủy sản, trái cây và lúa gạo thích ứng trước tác động biến đổi khí hậu và yếu tố thượng nguồn, cũng như yếu tố nội tại của chúng ta”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.

P.V (Theo baochinhphu.vn)
Bình luận
Back To Top