Giải pháp khắc phục tình trạng quy hoạch treo

09:44 - Thứ Ba, 10/11/2020 Lượt xem: 4210 In bài viết

Chiều 9-11, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt (Gia Lai) về các nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng quy hoạch treo.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng.

Theo Phó Thủ tướng, các quy hoạch xây dựng nói chung, trong đó có quy hoạch đô thị, quy hoạch hạ tầng, các quy hoạch khu chức năng đặc thù,... đều có có giai đoạn quy hoạch khoảng 10 năm hoặc hơn 10 năm và tầm nhìn khoảng từ 10 năm, 20 năm hoặc xa hơn. Quy hoạch có vai trò đặc biệt quan trọng để định hướng và phân bổ không gian phát triển, đây cũng là một công cụ để quản lý quá trình phát triển bền vững. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng quy hoạch treo, dự án treo vẫn xảy ra ở nhiều nơi, làm ảnh hưởng đến lợi ích của người dân và của nhà nước và gây bức xúc trong xã hội.

“Quy hoạch theo phong trào mà không tính toán nguồn lực”

Theo Phó Thủ tướng, tình trạng quy hoạch treo tại nhiều nơi làm người dân không thể đầu tư xây dựng, phát triển kinh tế do vướng quy hoạch, muốn xây dựng lại nhà hay sửa nhà cũng không làm được, muốn phát triển một nhà hàng cũng không làm được, nhưng quy hoạch thì không được thực hiện do Nhà nước không có nguồn lực để đầu tư, trong khi đó không huy động được các nhà đầu tư thực hiện các khu vực đã có quy hoạch, vì những khu vực này quy hoạch chưa hấp dẫn, do đó dẫn đến tình trạng quy hoạch treo, dẫn đến đất không được khai thác, sử dụng có hiệu quả.

Về nguyên nhân, Phó Thủ tướng cho rằng trước hết là do chất lượng một số quy hoạch còn thấp, chưa phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng khu vực và không cân đối được nguồn lực để thực hiện quy hoạch.

“Chúng ta quy hoạch theo phong trào, quy hoạch rất rộng nhưng không tính toán nguồn lực, cho nên làm gì có nguồn lực để đầu tư”, Phó Thủ tướng nói.

Mặt khác, công tác lập quy hoạch chưa gắn với công tác xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, nhằm xác định rõ lộ trình, nguồn lực đầu tư phù hợp trong từng giai đoạn, để từ đó cho phép người dân được đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ trong thời gian chưa thực hiện quy hoạch.

“Quy hoạch có thể 10 năm thì 10 năm sau mới thực hiện, trong 10 năm đó trở lại thì phải cho người dân thực hiện đầu tư xây dựng những công trình trong 10 năm, để họ có thể phát triển sản xuất, nhưng đây cứ có quy hoạch mà động vào là chính quyền không cho làm, cho nên rất khó khăn”, Phó Thủ tướng cho biết.

Theo Phó Thủ tướng, vấn đề nữa là do Nhà nước chưa chủ động được nguồn vốn để bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, đồng thời thực hiện tái định cư để bảo đảm ổn định cuộc sống cho người dân.

Hiện nay, trong các pháp luật về đầu tư xây dựng, đặc biệt là Luật Đầu tư công chưa phân định rõ những dự án giải phóng mặt bằng, để thứ nhất là có thể tạo quỹ đất sạch để đấu giá đất và thứ hai là chủ động để đẩy nhanh tiến độ dự án, vì giải phóng mặt bằng mất rất nhiều công sức và thời gian.

“Như dự án sân bay Long Thành được Quốc hội thông qua, môt dự án làm rất tốt, nhanh. Do đó, chỉ khi có dự án thì mới thực hiện được công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng”, Phó Thủ tướng nói.

Các giải pháp khắc phục tình trạng quy hoạch treo

Để khắc phục tình trạng quy hoạch treo, Phó Thủ tướng cho biết, trước hết phải đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch gắn với nâng cao chất lượng quy hoạch và quy hoạch phải thực sự trở thành động lực cho phát triển bền vững. Phải rà soát lại các quy hoạch để điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện phát triển, cân đối được các nguồn lực thực hiện theo từng giai đoạn.

Thứ hai, sau khi có quy hoạch, các ngành, các địa phương phải xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch. Trong đó xác định rõ lộ trình, nguồn lực đầu tư, vốn ngân sách, vốn xã hội và các dự án ưu tiên để triển khai thực hiện mà trong Nghị định số 11 của Chính phủ quy định rất rõ.

Thứ ba, phải gắn việc xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch với việc phát triển thị trường bất động sản, thị trường nhà ở, thị trường bất động sản công nghiệp, thị trường bất động sản du lịch. Đặc biệt các chương trình nhà ở, mà trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở công nhân lao động, nhà ở cho người thu nhập thấp...

Thứ tư, cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để thực hiện quy hoạch, phát hiện những bất cập, những vi phạm để xử lý.

Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về đầu tư xây dựng, đặc biệt là Luật Đầu tư công. Trong đó, cần phải coi dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư là những dự án độc lập để các ngành, các địa phương chủ động quỹ đất sạch để đấu giá đất, hoặc  để huy động các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó có đủ điều kiện để chuyển người dân trong vùng quy hoạch sang các khu đô thị mới, với cuộc sống tốt hơn.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top