Nhân rộng diện tích cây ăn quả theo chuỗi liên kết

08:45 - Thứ Sáu, 13/11/2020 Lượt xem: 6068 In bài viết

ĐBP - 3 năm trở lại đây, các huyện, thị xã, thành phố đã vận dụng linh hoạt những chính sách, nguồn vốn hỗ trợ người dân phát triển, mở rộng diện tích cây ăn quả. Nhờ đó diện tích cây ăn quả toàn tỉnh liên tục tăng và điểm mới trong giai đoạn này là 100% dự án đều thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất.

Người dân tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm cây ăn quả tại Ngày hội Văn hóa - Ẩm thực các dân tộc huyện Mường Ảng. Ảnh: Phạm Trung

Năm 2018, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2982/KH-UBND, trong đó định hướng tập trung phát triển một số cây ăn quả có diện tích lớn, có thể trở thành hàng hóa theo hướng liên kết tiêu thụ gắn với chuỗi thực phẩm an toàn. Ðến hết năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu phát triển diện tích nhãn ghép tại huyện Ðiện Biên và TP. Ðiện Biên Phủ đạt 500ha; diện tích dứa tại huyện Mường Chà và Tuần Giáo khoảng 300 - 400ha gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ; mở rộng diện tích cây ăn quả có múi (bưởi da xanh, cam) ở huyện Ðiện Biên, Mường Ảng, Tuần Giáo và tạo vùng sản xuất tập trung, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Trên cơ sở đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã sử dụng linh hoạt các nguồn vốn như: Vốn sự nghiệp Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, vốn hỗ trợ phát triển nông nghiệp theo Quyết định 45/QÐ-UBND của UBND tỉnh để triển khai các dự án hỗ trợ phát triển cây ăn quả tại địa bàn. 100% dự án đã triển khai theo các dự án liên kết chuỗi sản xuất bao gồm 4 thành phần: Nhà cung ứng cây giống -  người dân - đơn vị chủ đầu tư - đơn vị bao tiêu sản phẩm. Nhờ đó, diện tích cây ăn quả liên tục tăng, hiện nay toàn tỉnh có trên 2.671ha cây ăn quả; trong đó khoảng 1.979ha đã cho thu hoạch, tập trung tại các huyện: Ðiện Biên, Tuần Giáo, Mường Chà, Ðiện Biên Ðông, Mường Ảng, Mường Nhé và TP. Ðiện Biên Phủ, với các loại cây chủ yếu: Cam, bưởi, xoài, nhãn, chuối, dứa, vải. Những diện tích cây ăn quả trồng năm 2018 đến nay đã cho quả bói, đến năm 2021 sẽ cho thu hoạch rộ.

Mường Ảng là huyện thực hiện khá bài bản, hiệu quả các dự án liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất trong phát triển cây ăn quả. Ðến nay toàn huyện có 323ha cây ăn quả, trong đó có 50ha người dân trồng tự phát; 70ha của doanh nghiệp và 203ha do Nhà nước hỗ trợ theo các dự án chuỗi liên kết. Theo kế hoạch đến năm 2021, huyện Mường Ảng sẽ có gần 30ha cây ăn quả dự án liên kết cho thu hoạch.

Ông Kiều Xuân Hoàng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng cho biết: Hiện nay, tất cả diện tích cây ăn quả trồng theo dự án liên kết chuỗi sản xuất trên địa bàn đều sinh trưởng phát triển tốt, người dân chăm sóc bảo vệ hiệu quả nên cây phát triển theo đúng quy trình sinh trưởng. Những diện tích xoài, bưởi da xanh trồng năm 2018 đã cho quả bói, bước đầu cho thấy năng suất cao hơn dự kiến. Những diện tích thuộc dự án, người dân yên tâm về đầu ra sản phẩm bởi đã có doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Về giá bán, doanh nghiệp cam kết: Nếu thời điểm thu mua giá thị trường cao hơn giá sàn theo hợp đồng thì doanh nghiệp sẽ mua theo giá thị trường, nếu giá thấp hơn thì doanh nghiệp vẫn mua bằng giá sàn, đảm bảo người dân không bị lỗ.

Vừa qua, huyện Mường Ảng tổ chức Ngày hội Văn hóa - Ẩm thực các dân tộc và khánh thành chợ thị trấn Mường Ảng. Tham quan và khảo sát tại ngày hội, chúng tôi nhận thấy rất nhiều ki ốt trưng bày, giới thiệu các sản vật địa phương, nhiều nhất vẫn là các loại trái cây như: Bưởi da xanh, cam, xoài. Trái cây đều to, căng mọng, thơm, ngọt. Bà Lò Thị Thơi, xã Ẳng Nưa cho biết: “Năm 2017, gia đình tôi trồng khoảng 70 gốc bưởi da xanh. Ðến nay vườn bưởi bắt đầu cho thu hoạch. Quả to, ngọt, múi bưởi mọng nước, lái buôn vào tận vườn thu mua, tôi không phải bán ở chợ”.

Từ năm 2017, xã Ẳng Tở (huyện Mường Ảng) đã triển khai các dự án liên kết theo chuỗi sản xuất cây ăn quả. Ðến nay, toàn xã đã trồng mới được gần 20ha, gồm 2 loại cây chính: Xoài Ðài Loan và bưởi da xanh.

Ông Lò Văn Thoạn, Chủ tịch UBND xã Ẳng Tở cho biết: “Diện tích cây ăn quả được hỗ trợ đều trồng tập trung. UBND xã chỉ đạo cán bộ khuyến nông thường xuyên kiểm tra và báo cáo định kỳ về tình hình sinh trưởng, phát triển của các diện tích cây ăn quả dự án. Ðến nay, một số diện tích đã cho quả bói, dự kiến sang năm 2021 sẽ cho thu hoạch; số diện tích còn lại vẫn đang phát triển theo đúng quy trình sinh trưởng”.

Sau nhiều năm trồng cà phê nhưng hiệu quả kinh tế thấp, năm 2018 gia đình bà Lò Thị Úm, bản Cha Nọ, xã Ẳng Tở quyết định chặt bỏ 1,5ha cây cà phê để tham gia dự án trồng cây ăn quả do UBND xã Ẳng Tở triển khai bằng nguồn vốn sự nghiệp nông thôn mới. Sau gần 3 năm trồng, chăm sóc, đến nay vườn xoài Ðài Loan của gia đình bà Úm đã bắt đầu cho quả bói; dự kiến năm 2021 sẽ cho thu hoạch đại trà. Bà Lò Thị Úm cho biết: “Hiện nay, cây xoài cho quả bói, trọng lượng từ 1,7 - 2kg/quả và rất ngọt. Chúng tôi mong muốn các đơn vị thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng để người dân yên tâm đầu ra sản phẩm”.

Tương tự Mường Ảng, là huyện có điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp, những năm qua cấp ủy, chính quyền huyện Tuần Giáo đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong đó chú trọng phát triển diện tích cây ăn quả chất lượng cao. Từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn huyện đã triển khai nhiều dự án liên kết chuỗi sản xuất cây ăn quả. Hiện nay, toàn huyện có khoảng 250ha cây ăn quả trồng theo dự án, gồm: 45ha nhãn; 100ha xoài, 60ha bưởi và 45ha dứa. Ðược biết, theo Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện đề ra đến năm 2025, toàn huyện sẽ trồng 1.000ha cây ăn quả; 100% dự án đều theo hình thức liên kết chuỗi sản xuất.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top