Thiếu vốn trồng rừng

08:49 - Thứ Sáu, 13/11/2020 Lượt xem: 5155 In bài viết

ĐBP - Năm 2020 công tác trồng rừng trên địa bàn tỉnh lại không đạt chỉ tiêu, kế hoạch giao. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân lớn nhất vẫn là thiếu vốn, chậm phân bổ vốn.

Người dân xã Mường Pồn (huyện Ðiện Biên) trồng rừng phòng hộ.

Theo Quyết định 1263/QÐ-UBND ngày 9/12/2019 của UBND tỉnh về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2020, toàn tỉnh được giao chỉ tiêu trồng 130ha rừng, gồm 50ha rừng phòng hộ và 80ha rừng sản xuất. Cụ thể, 50ha rừng phòng hộ được giao cho 2 huyện: Mường Chà (20ha) và Ðiện Biên (30ha); 80ha rừng sản xuất giao cho các huyện: Ðiện Biên (20ha), Tuần Giáo (30ha) và Mường Ảng (30ha). Trong quá trình thực hiện, các địa phương, đơn vị trồng rừng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là thiếu vốn dẫn đến kết quả trồng rừng không đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.

Ðể đảm bảo trồng rừng phòng hộ theo đúng kế hoạch giao (30ha), ngay từ đầu năm, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Ðiện Biên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân đăng ký trồng rừng. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên nhiều khâu trong quá trình thực hiện gặp khó khăn dẫn đến kết quả trồng rừng phòng hộ trên địa bàn chỉ đạt 21,3ha, tập trung chủ yếu trên địa bàn xã Mường Pồn.

Ðối với huyện Mường Chà, kế hoạch giao trồng 20ha rừng phòng hộ cũng không thực hiện được. Ông Nguyễn Quốc Thắng, Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Mường Chà cho biết: Một trong những nguyên nhân chính không thực hiện được kế hoạch là do vốn giao muộn. Thường khi mùa trồng rừng đã bắt đầu, thậm chí có năm sắp kết thúc thì nguồn vốn mới được cấp (năm 2016, đến tháng 5 mới giao vốn; năm 2017, đến tháng 7 mới được giao vốn). Năm 2020, đến nay đã kết thúc mùa trồng rừng nhưng chưa được giao vốn. Trong khi đó người dân tham gia trồng rừng yêu cầu phải được ứng tiền mới thực hiện.

Bà Mai Hương, Chi cục phó Chi cục Lâm nghiệp cho biết: Khó khăn về vốn đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện chỉ tiêu, kế hoạch trồng rừng phòng hộ trong những năm qua. Ðến nay các địa phương được giao trồng rừng phòng hộ mới thực hiện được 21,3/50ha (đạt 42,6%). Nguyên nhân là năm 2020, chương trình phát triển lâm nghiệp tỉnh không được Trung ương giao vốn đầu tư (do hết năm 2019, tỉnh đã được Trung ương bố trí đủ kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020). Ðể tháo gỡ khó khăn trên, tỉnh đã có văn bản kiến nghị Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cho phép được kéo dài nguồn vốn ngân sách Trung ương đã phân bổ cho các dự án bảo vệ và phát triển rừng thuộc Chương trình phát triển lâm nghiệp năm 2019 của tỉnh còn dư để tiếp tục thực hiện. Song đến nay không được thực hiện.

Không chỉ năm 2020, công tác trồng rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh những năm trước đều không đạt chỉ tiêu đề ra do thiếu vốn. Ðơn cử năm 2019, toàn tỉnh được giao trồng mới 120ha rừng phòng hộ song các huyện đều không thực hiện được. Nguyên nhân là theo Quyết định số 2118/QÐ-BKHÐT, ngày 31/12/2018 của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư về giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư, vốn ngân sách Nhà nước năm 2019, thì các dự án bảo vệ và phát triển rừng cấp huyện thuộc Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh năm 2019 không được bố trí vốn. Cùng nguyên nhân về vốn, năm 2018 chỉ thực hiện được 67% kế hoạch trồng rừng; năm 2016 thực hiện 15,21% kế hoạch…

Ðối với diện tích trồng rừng thay thế không đạt kế hoạch do cuối năm 2019, UBND tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ 23 dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Tuy nhiên đến tháng 8/2020, Thủ tướng Chính phủ mới chấp thuận cho tỉnh chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để thực hiện 6 dự án, với tổng diện tích 50,49ha rừng tự nhiên và khi đó các chủ đầu tư dự án mới đủ điều kiện nộp tiền trồng rừng thay thế. Song hiện nay đã hết thời vụ trồng rừng nên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không tham mưu phân bổ vốn để thực hiện mà chuyển sang thực hiện vào năm 2021.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top