Hiệu quả từ các chương trình hỗ trợ sinh kế

10:53 - Chủ Nhật, 15/11/2020 Lượt xem: 4825 In bài viết

ĐBP - Ðể hỗ trợ hộ nghèo kịp thời, hiệu quả, điều quan trọng là tìm ra nguyên nhân nghèo từ đó triển khai các chương trình hỗ trợ phù hợp với từng hoàn cảnh gắn với tiềm năng phát triển của địa phương, giúp giảm nghèo nhanh và bền vững. Trong đó, các giải pháp: Hỗ trợ hộ nghèo tiếp cận vốn vay ưu đãi phát triển sản xuất; hỗ trợ nhà ở; tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, học nghề... đã tạo động lực để hộ nghèo vươn lên.

Hiện nay, nhiều hộ dân xã Pú Nhung (huyện Tuần Giáo) đã học tập anh Vừ A Trống phát triển mô hình trồng mía mang lại thu nhập ổn định. Ảnh: LAN PHƯƠNG

Gia đình ông Vừ A Mang, thôn Từ Ngài 1, xã Mường Báng (huyện Tủa Chùa) có đất, vườn rộng song thiếu vốn đầu tư nên khó phát triển sản xuất. Chính quyền, đoàn thể địa phương đã vận động ông Mang tham gia Tổ hội Chăn nuôi trâu, bò sinh sản thôn Từ Ngài 1. Ðây là tiền đề để gia đình ông Mang có điều kiện tiếp cận vốn vay ưu đãi vươn lên thoát nghèo.

Ông Vừ A Mang cho biết: Năm 2016 nhờ tham gia nhóm hộ nuôi trâu tập thể, gia đình tôi được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư sản xuất. Ban đầu, với phương châm “lấy ngắn nuôi dài” tôi nuôi lợn, gia cầm. Khi có vốn tích lũy, tôi đầu tư nuôi trâu, bò sinh sản kết hợp trồng 1,7ha rừng. Tham gia nhóm, tôi được cán bộ chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật cùng với chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi của các hội viên khác nên làm tốt việc chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi. Ðến nay, gia đình tôi đã phát triển đàn trâu bò hơn 20 con.

Gia đình anh Vừ A Trống, bản Khó Bua, xã Pú Nhung (huyện Tuần Giáo) trước đây cứ loay hoay mãi không thoát được nghèo vì trồng trọt, chăn nuôi đều thất bại. Kể từ khi anh được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do UBND xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn huyện tổ chức thì mọi việc đã thay đổi. Anh đã nắm bắt được kỹ thuật phòng chống sâu bệnh, thực hiện tiêm phòng theo định kỳ cho đàn vật nuôi. Sau đó anh Trống mạnh dạn trồng các loại cây mới so với truyền thống canh tác như: Mía, dứa, cà phê, sa nhân. Ðến nay với 5.000m2 cây mía, 15.000m2 cây dứa, mỗi năm gia đình anh thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng. Anh Trống còn vay vốn ngân hàng đầu tư nuôi trâu, bò; hiện tại đàn trâu, bò của anh duy trì 15 con. Hiện nay, theo định hướng của xã, gia đình anh đã đăng ký trồng 1ha các loại cây ăn quả: xoài, nhãn chín muộn và bưởi da xanh.

Anh Trống chia sẻ: “Sản xuất, chăn nuôi phải nắm vững kỹ thuật, quy trình mới mang lại hiệu quả cao. Bản thân hộ nghèo đã thiếu vốn lại không có kỹ thuật chăn nuôi, trồng cấy thì khó mà thoát nghèo, do vậy phải chăm học hỏi để ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật vào sản xuất”.

Ông Mang và anh Trống là hai trong số nhiều tấm gương điển hình đã tận dụng, phát huy hiệu quả các mô hình hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế. Thực hiện các chính sách hỗ trợ huyện nghèo, xã nghèo, hộ nghèo, giai đoạn 2016 - 2020, chính quyền các cấp, cơ quan chuyên môn và các tổ chức đoàn thể đã phối hợp triển khai hiệu quả các mô hình hỗ trợ sản xuất. Tiêu biểu như Hội Nông dân với mô hình “Hướng dẫn người nghèo cách làm ăn”, “Xóa đói giảm nghèo vùng đặc thù” ở 7 huyện, 19 xã trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được trên 30 dự án với hơn 100 mô hình liên kết nhóm hộ; vận động, thành lập 47 chi hội nghề nghiệp với 850 thành viên. Triển khai đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” của Hội Liên hiệp phụ nữ đã giúp hội viên phụ nữ khởi nghiệp, tăng khả năng tiếp cận các chương trình, chính sách hỗ trợ… Nhờ đó, hàng trăm hộ nông dân, phụ nữ nghèo đã thoát nghèo, nhiều hộ đã vươn lên khá giả.

Lan Phương
Bình luận
Back To Top