Chuyển đổi cây trồng, phát huy ưu thế địa phương

08:37 - Thứ Hai, 16/11/2020 Lượt xem: 5090 In bài viết

ĐBP - Ðiện Biên có lợi thế về điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây trồng cho năng suất, chất lượng cao. Trong khi đó, tỉnh ta cũng hướng đến phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tập trung, phù hợp với tiềm năng, điều kiện tự nhiên. Kết quả, đã tạo ra các vùng sản xuất cây trồng mũi nhọn, phù hợp điều kiện tự nhiên, đem lại những chuyển biến tích cực trong nông nghiệp, sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Người dân phường Sông Ðà, TX. Mường Lay chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Ảnh: Phạm Quang

Ðược sự giới thiệu của lãnh đạo UBND xã Noong Luống, chúng tôi đến thăm mô hình trồng bưởi của gia đình ông Nguyễn Mạnh Cường, thôn A2, xã Noong Luống (huyện Ðiện Biên) - một trong những hộ gia đình mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn xã. Thời điểm này, những cây bưởi của gia đình ông Cường đã chín vàng và bắt đầu cho thu hoạch. Vừa dẫn chúng tôi tham quan khu vườn rộng 4.000m2 trồng các loại bưởi: Diễn, da xanh, Tân Lạc… ông Cường vừa chia sẻ: “Tôi quyết định trồng bưởi sau một lần xuống cơ sở, thấy một hộ gia đình trong xã trồng bưởi khá hiệu quả nên đã nảy sinh ý định cải tạo khu vườn của gia đình và chuyển sang trồng bưởi. Sau thời gian nghiên cứu, học hỏi kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh, năm 2013, tôi đã chuyển đổi toàn bộ diện tích đất của gia đình sang trồng bưởi. Những năm đầu hiệu quả chưa cao, nhưng đến năm thứ tư, vườn bưởi đã cho thu hoạch, năng suất khá ổn định, trừ chi phí cho thu nhập 70 triệu đồng/năm. So với trồng các loại cây rau màu thì cây bưởi mang lại giá trị kinh tế cao hơn…”.

Tương tự như ông Nguyễn Mạnh Cường, gia đình anh Trần Văn Khường, xã Núa Ngam (huyện Ðiện Biên) cũng tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa 1 vụ sang 3 vụ trồng rau màu, cây ăn quả cho thu nhập ổn định. Anh Khường cho biết: Sau khi tham quan thực tế một số mô hình trồng rau màu ở các xã: Pom Lót, Noong Luống, tôi đã bàn với gia đình, tận dụng 1,3ha đất ruộng một vụ sang trồng luân canh các loại cây rau màu, như: Ngô, bí đỏ, bí xanh... Ðiều kiện thổ nhưỡng, khí hậu trên địa bàn phù hợp với các loại cây rau màu nên ngay từ vụ đầu đã cho năng suất, chất lượng cao. Gia đình còn đầu tư xây 2 giếng khoan công nghiệp để chủ động nguồn nước tưới cho toàn bộ diện tích cây trồng của gia đình. Chủ động nắm bắt khoa học kỹ thuật, nguồn nước tưới đầy đủ nên diện tích đất của gia đình liên tục luân canh các loại rau màu và kết hợp với trồng cây ăn quả, chăn nuôi cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.

Thời gian qua, để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp gây khó khăn về nguồn nước tưới, một số xã trên địa bàn huyện Ðiện Biên đã khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những diện tích lúa 1 vụ kém hiệu quả nhằm mang lại giá trị kinh tế cao hơn trên cùng diện tích canh tác. Ðiển hình như xã Noong Luống có diện tích khô hạn khá lớn. Cùng với việc triển khai các biện pháp chống hạn cho lúa, UBND xã cũng xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các thôn bản, đăng ký chuyển đổi các giống cây trồng… Ðến nay, toàn xã đã chuyển đổi gần 20ha đất lúa 1 vụ sang trồng ngô và 5ha sang trồng cà, đậu, đỗ… Tại huyện Mường Chà, chính quyền địa phương cũng hỗ trợ, hướng dẫn người dân chuyển đổi những vùng trồng ngô, sắn không hiệu quả sang trồng cây dứa theo hướng hàng hóa, để mang lại hiệu quả cao hơn. Từ những diện tích canh tác manh mún ban đầu, đến nay, Mường Chà có gần 360ha dứa và trở thành cây ăn quả chủ lực để phát triển kinh tế ở vùng đất dốc, thay thế cho những cây trồng kém hiệu quả, nhằm giúp người dân giảm nghèo nhanh và bền vững. Ðể có đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập, người dân Mường Chà được hướng dẫn sản xuất dứa theo hướng VietGAP, liên kết và nhận được sự trợ lực hiệu quả từ các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn.

Việc khuyến khích và hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng như ở huyện: Ðiện Biên, Mường Chà… đã đem lại thu nhập cao hơn cho người dân, đồng thời chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Giai đoạn 2015 - 2020, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích gần 1.830ha; qua đó góp phần quan trọng vào việc thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các địa phương thời gian qua đã nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo đột phá về năng suất và hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có giá trị cao, như: Vùng sản xuất cà phê, cây ăn quả tại huyện Mường Ảng (150ha), vùng sản xuất dứa tại huyện Mường Chà (gần 360ha)… Qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã  hội, ổn định và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Từ những kết quả đó, nhằm thực hiện hiệu quả Ðề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung nhân rộng các mô hình và đưa các giống cây trồng mới vào sản xuất sẽ tạo ra sự đa dạng về chủng loại sản phẩm hàng hóa, tăng sức cạnh tranh. Ðồng thời lựa chọn nhóm cây trồng có thể áp dụng công nghệ cao hay áp dụng các tiêu chuẩn hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP… vào sản xuất để tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Tiếp tục thúc đẩy phát triển mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân; mô hình sản xuất liên kết vùng theo hướng sản xuất cung cấp nguyên liệu chế biến với quy mô lớn… Từ đó nâng cao giá trị, hiệu quả sử dụng đất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống người dân trên địa bàn tỉnh.

Phạm Quang
Bình luận
Back To Top