Cần siết chặt bảo vệ môi trường tại các điểm khai thác vật liệu xây dựng

08:59 - Thứ Sáu, 20/11/2020 Lượt xem: 6894 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, toàn tỉnh có 26 điểm mỏ được cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường còn hiệu lực (gồm 20 điểm mỏ khai thác đá; 5 điểm khai thác cát và 1 điểm khai thác đá làm nguyên liệu sản xuất xi măng). Những năm qua, công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản tại các điểm mỏ này đã được tăng cường. Tuy nhiên vẫn còn một số đơn vị khai thác, sản xuất khoáng sản chưa tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường.

Công nhân Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Ngọc Linh khai thác đá tại mỏ đá Cò Chạy, xã Mường Pồn (huyện Ðiện Biên).

Xác định ý nghĩa quan trọng của bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản, cấp có thẩm quyền, ngành chức năng tỉnh đã siết chặt quản lý ngay từ khâu phê duyệt các dự án, cấp phép hoạt động. Với những dự án thực hiện phương án cải tạo phục hồi môi trường chưa đảm bảo, sẽ yêu cầu chủ dự án thực hiện đầy đủ các biện pháp, kế hoạch cải tạo, phục hồi môi trường theo phương án được phê duyệt. Ðồng thời thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành pháp luật về khoáng sản, bảo vệ môi trường.

Ông Ngôn Ngọc Khuê, quyền Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Với vai trò là cơ quan thường trực, thời gian qua Sở đã phối hợp với các ngành, chính quyền địa phương và đơn vị liên quan tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định; chất lượng thẩm định ngày càng được nâng lên, sát với thực tế. Những dự án lập báo cáo chưa đạt yêu cầu được trả lại để điều chỉnh, bổ sung các giải pháp công trình, biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Ðặc biệt là kiên quyết không xem xét hồ sơ đề nghị cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản đối với các điểm mỏ thuộc khu vực cấm hoạt động khoáng sản theo quy định. Giai đoạn 2017 - 2019, Sở đã thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt 6 báo cáo đánh giá tác động môi trường, 8 phương án cải tạo, phục hồi môi trường và thẩm định, xác nhận 2 kế hoạch bảo vệ môi trường. Cùng với đó, quản lý chặt chẽ việc ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường. Trong 3 năm, các dự án khai thác khoáng sản đã nộp hơn 1,141 tỷ đồng tiền quỹ cải tạo, phục hồi môi trường.

Mặc dù công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai khoáng trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến song ý thức của một số đơn vị, doanh nghiệp khai thác khoáng sản về công tác này chưa cao. Biểu hiện rõ nhất là không thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường trước khi đóng cửa mỏ; chỉ tập trung khai thác mà chưa quan tâm bảo vệ môi trường. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra 25 lượt điểm mỏ về việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh. Kết quả vẫn còn nhiều tổ chức, cá nhân chưa thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính có liên quan như: Nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền ký quỹ môi trường hoặc tiền thuê đất; sản xuất chưa đảm bảo môi trường... Ðiển hình là đoàn kiểm tra liên ngành đã lập biên bản vi phạm, kiến nghị UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản đối với 2 đơn vị khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường vượt công suất khai thác, gây ảnh hưởng đến môi trường gồm: Công ty TNHH Lâm My tỉnh Ðiện Biên tại đội 19, xã Noong Hẹt (huyện Ðiện Biên); Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và Ðầu tư công nghệ Sơn Thủy. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mỗi đơn vị vi phạm 60 triệu đồng; yêu cầu 2 đơn vị khắc phục hậu quả và thực hiện theo đúng giấy phép khai thác và quy định về bảo vệ môi trường.

Bài, ảnh: Quốc Huy
Bình luận
Back To Top