Huyện Ðiện Biên cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp

08:59 - Thứ Sáu, 20/11/2020 Lượt xem: 5259 In bài viết

ĐBP - Ðể giải bài toán về giảm sức lao động thủ công, các khoản chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng hệ số sử dụng đất, những năm qua huyện Ðiện Biên đã đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; đặc biệt khuyến khích, hỗ trợ người dân đầu tư mua sắm các loại máy móc thiết bị thông qua các chương trình, dự án. Ðây cũng là một trong những giải pháp quan trọng góp phần tạo ra sự chuyển dịch về cơ cấu cây trồng, cơ cấu lao động để địa phương thực hiện thắng lợi đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Xã Núa Ngam, huyện Ðiện Biên có trên 220ha đất trồng lúa, trên 1.130ha đất trồng ngô, sắn. Những năm gần đây, các chương trình triển khai cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã được xã Núa Ngam quan tâm và tích cực tuyên truyền vận động nhân dân áp nhằm nâng cao năng suất lao động, giá trị nông sản và thu nhập. Hiện nay, toàn xã có hơn 100 máy làm đất đa năng, 6 máy gặt bằng tay và nhiều loại máy làm cỏ, vun gốc, phun bón lá, thuốc bảo vệ thực vật… Với sự trợ giúp của các loại máy móc, việc làm đất, phun phòng thuốc bảo vệ thực vật đến khâu thu hoạch đối với người dân trong xã nhanh hơn rất nhiều so với phương pháp thủ công.

 Gia đình anh Lường Văn Sọn, bản Na Sang 2, xã Núa Ngam có gần 3.000m2 đất trồng lúa. Nếu như trước kia dùng sức trâu bò cày, bừa gia đình anh phải mất nhiều ngày làm đất liên tục mới kịp thời vụ. Nhưng 2 năm trở lại đây gia đình anh đã vay vốn mua máy làm đất đa năng để phục vụ sản xuất, mỗi khi mùa vụ đến gia đình anh không mất nhiều thời gian, công lao động như trước kia.

Là địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn; trong đó tổng diện tích gieo trồng cây lương thực gần 14.215ha, những năm qua nhiều giải pháp đã được huyện Ðiện Biên triển khai như: Khuyến khích các HTX, hộ dân mạnh dạn đầu tư mua các loại máy phù hợp với điều kiện sản xuất, hỗ trợ vốn thông qua các kênh vay lãi suất thấp hay các dự án đầu tư; tích cực thực hiện việc tích tụ đất đai, hình thành các vùng sản xuất tập trung để từng bước cơ giới hóa một cách đồng bộ… Từ năm 2019, huyện Ðiện Biên triển khai hỗ trợ nông dân, tổ chức mua 31 máy cấy lúa kéo tay áp dụng trên 95ha; năm 2020 hỗ trợ thêm 14 gia đình mua 14 máy, nâng tổng diện tích lúa sử dụng cấy bằng máy lên 230ha. Kết quả sử dụng máy cấy bằng tay đã giảm 90% tỷ lệ lúa lẫn; giảm 30% lượng giống gieo; giảm 25-30% chi phí sản xuất; đặc biệt giảm sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc trừ ốc bươu vàng, công lao động so với phương thức gieo vãi.

Ðể nâng cao hơn nữa việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, thời gian tới huyện Ðiện Biên tiếp tục triển khai hỗ trợ kinh phí trang bị máy cấy lúa cho nông dân các xã vùng lòng chảo, như: Thanh Xương, Thanh An, Thanh Hưng, Noong Hẹt, Pom Lót… mở rộng diện tích lúa cấy bằng máy lên trên 300ha. Mục tiêu đến năm 2022 toàn huyện có 500ha/vụ cấy lúa bằng máy và đến năm 2025 có 1.500ha/vụ. Ðối với hộ gia đình, tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất liên kết trên mô hình cánh đồng lớn được hỗ trợ 50% giá trị mua máy cấy lúa (không quá 10 triệu đồng/máy); các hộ dân, tổ chức có tham gia sản xuất lúa nhưng không theo mô hình cánh đồng lớn, không thực hiện dồn điền đổi thửa thì được hỗ trợ tối đa 30% giá trị mua máy cấy lúa nhưng không quá 5 triệu đồng/máy.

Qua thống kê sơ bộ, đến nay tỷ lệ nông dân áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất tại các xã vùng lòng chảo Ðiện Biên đạt trên 90% trong khâu làm đất; trên 50% trong khâu thu hoạch. Việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất từ khâu làm đất, gieo trồng đến thu hoạch đã góp phần giải phóng sức lao động của người nông dân, tăng hệ số sử dụng đất, mở rộng được diện tích canh tác, đáp ứng yêu cầu sản xuất quy mô lớn, tập trung theo hướng hàng hóa. Ngoài giảm chi phí phân bón, nước, làm đất, bảo vệ môi trường thì việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, giá trị nông sản. Những năm gần đây, diện tích gieo trồng hàng năm của huyện đều vượt so với kế hoạch. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển theo hướng nâng cao năng suất, năm 2020 tổng diện tích gieo trồng cây lương thực ước đạt gần 14.215ha, sản lượng lương thực ước đạt gần 78.320 tấn.

Thu Phương
Bình luận
Back To Top