Cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định

09:29 - Thứ Hai, 23/11/2020 Lượt xem: 3968 In bài viết

Ngày 15-11, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức được ký. Khi được cả 15 thành viên thực thi, Hiệp định sẽ tạo nên một thị trường có quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, GDP 26,2 nghìn tỷ USD, trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) Việt Nam tham gia và phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực, đồng thời thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài.

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty cổ phần Xuất khẩu Thủy sản 2 Quảng Ninh (AQUAPEXCO). Ảnh: Quốc Tuấn

Ðem lại nhiều lợi ích

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát gây gián đoạn chuỗi cung ứng trên thế giới và khu vực, ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, cùng xu hướng bảo hộ mậu dịch đang nổi lên, việc ký RCEP đã đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam, mang lại nhiều lợi ích cả trong ngắn hạn cũng như dài hạn. Thứ nhất, RCEP khi được 15 thành viên (10 nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân) thực thi sẽ tạo thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới. Với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, đặc biệt là tính chất hài hòa hóa quy tắc xuất xứ (thay vì áp dụng năm bộ quy tắc xuất xứ khác nhau của các Hiệp định Thương mại tự do - FTA giữa ASEAN và năm quốc gia còn lại như hiện nay) cũng như tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, RCEP sẽ thúc đẩy phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực và DN Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia. Thứ hai, trước tình hình thế giới đầy biến động, gây ra những xáo trộn về chuỗi cung ứng trong những năm gần đây, RCEP còn tạo ra một thị trường xuất khẩu ổn định dài hạn cho Việt Nam. Thứ ba, việc thực hiện RCEP sẽ tạo nên khuôn khổ ràng buộc pháp lý về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, giải quyết tranh chấp,... góp phần tạo nên môi trường thương mại công bằng trong khu vực. Theo một số nghiên cứu, thí dụ của Ngân hàng Thế giới (WB), việc chủ động cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng sẽ đem lại giá trị cho nền kinh tế cao hơn so với lợi ích mở cửa thị trường trực tiếp của các nước, tạo điều kiện giúp Việt Nam có cơ hội trở thành điểm đến đáng tin cậy của các nhà đầu tư quốc tế về lâu dài. Cuối cùng, việc kết thúc đàm phán và ký RCEP còn góp phần nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như trên thế giới. Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế Nguyễn Sơn cho biết, RCEP là FTA thứ hai mà ASEAN ký với từng đối tác còn lại, do đó sẽ không thể hiện rõ nét những đột phá về cơ hội cũng như thách thức cho nền kinh tế. Tuy nhiên, về tổng thể, đây là thành quả có ý nghĩa chiến lược. RCEP mang lại cho chúng ta một khu vực thương mại ổn định trong châu Á - Thái Bình Dương. Cộng thêm các hiệp định như CPTPP và EVFTA, Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia có hệ thống FTA với cả ba trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới. Ðiều này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh suy giảm của hệ thống thương mại đa phương, giúp chúng ta bảo đảm được thị trường cũng như quan hệ thương mại với các bạn hàng chiến lược.

Sức ép cạnh tranh lớn

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, khi RCEP đi vào hiệu lực sẽ làm gia tăng sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa Việt Nam do đặc điểm các nền kinh tế trong khối có nhiều điểm tương đồng, thậm chí có năng lực cạnh tranh mạnh hơn Việt Nam, trong khi chất lượng và hàm lượng giá trị gia tăng hầu hết sản phẩm của ta còn thấp, nhất là Trung Quốc với lợi thế hàng hóa phong phú, giá rẻ càng đặt ra những thách thức lớn, kể cả với những mặt hàng vốn là thế mạnh của Việt Nam như nông sản, thủy sản. Theo Vụ trưởng Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) Lương Hoàng Thái, thực tế ASEAN đã có FTA riêng với từng đối tác trong RCEP. Do đó, Hiệp định mới cơ bản là một khuôn khổ mang tính kết nối các cam kết hiện hành theo hướng tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư hơn. RCEP sẽ không tạo ra cam kết mở cửa thị trường cao hơn đối với Việt Nam hay áp lực cạnh tranh mới, mà chủ yếu hướng đến tạo thuận lợi cho DN, nhất là DN vừa và nhỏ. Tuy nhiên, tham gia vào bất kỳ FTA nào với những thành viên có trình độ kỹ thuật cao hơn đều là thách thức lớn với DN Việt Nam. Về phía Bộ Công thương sẽ liên tục theo dõi sát sao tình hình xuất, nhập khẩu sau khi RCEP có hiệu lực để triển khai biện pháp phòng vệ phù hợp trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu cạnh tranh không công bằng, gây thiệt hại đến sản xuất trong nước. Nhưng việc cần làm để tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt cũng như cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị khu vực là tăng cường nội lực cho DN. Theo đó, bên cạnh các giải pháp đồng bộ từ Chính phủ, bộ, ngành và các địa phương, các DN, hiệp hội cần chủ động và tích cực tìm hiểu thông tin về các FTA để nắm vững cam kết của Việt Nam hay các thị trường đối tác quan tâm. Cũng như với các hiệp định FTA khác, để khai thác triệt để lợi ích do RCEP mang lại, việc đầu tiên DN Việt Nam cần làm là nghiên cứu kỹ cam kết của Hiệp định, nhất là các cam kết liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của mình, chẳng hạn như lộ trình cắt giảm và xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa của Việt Nam và của các nước tham gia Hiệp định, quy tắc xuất xứ của Hiệp định, cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư, các quy định về thủ tục hải quan hoặc thuận lợi hóa thương mại,... Ngoài các lợi ích, DN trong nước cũng cần chủ động nắm bắt và chuẩn bị trước về tác động bất lợi mà RCEP có khả năng gây ra, trong đó có việc gia tăng cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa. DN trong nước cần chủ động thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, chuyển sức ép về cạnh tranh thành động lực để tự đổi mới và phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm tạo lợi thế cạnh tranh không chỉ ở trong nước mà còn ở thị trường quốc tế.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top