Phát triển kinh tế thương mại, du lịch và dịch vụ

08:42 - Thứ Tư, 25/11/2020 Lượt xem: 4588 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền các cấp phát huy tiềm năng, thế mạnh, triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế thương mại, du lịch và dịch vụ. Nhờ đó, hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh ngày càng được mở rộng, phát triển với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế.

Ðiểm du lịch sinh thái Nậm Khẩu Hu, xã Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên) thu hút khách tham quan vào những ngày nghỉ cuối tuần.

Theo báo cáo từ Sở Công Thương, tình hình phát triển kinh tế thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh những năm gần đây liên tục tăng tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế địa phương. Qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ, du lịch chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn như: Vận tải kho bãi, hành khách; du lịch, dịch vụ; ngân hàng... Giai đoạn 2016 - 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước đạt 55.892,6 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 12,79%/năm; toàn tỉnh đón trên 3 triệu lượt khách đến tham quan và làm việc (tăng gấp 1,5 lần so với giai đoạn 2011 - 2015), doanh thu ước đạt 4.800 tỷ đồng (tăng gấp 2,3 lần). Trong đó, tính riêng năm 2020 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 14.600 tỷ đồng (gấp 1,82 lần so với năm 2015); thu hút trên 910 nghìn lượt khách, doanh thu đạt 1.500 tỷ đồng (tăng gấp 2,28 lần).

Kết quả tích cực trong hoạt động kinh tế thương mại, du lịch và dịch vụ trên địa bàn tỉnh khẳng định việc triển khai các giải pháp thúc đẩy loại hình kinh tế này của tỉnh ta đã và đang phát huy hiệu quả. Trong đó, quan tâm hiện đại hoá cơ sở hạ tầng thương mại, du lịch, dịch vụ; không ngừng nâng cao chất lượng hàng hoá địa phương và chất lượng hoạt động các loại hình dịch vụ được xem là những giải pháp quan trọng hàng đầu. Những năm gần đây, hệ thống chợ từ trung tâm tỉnh, huyện đến các trung tâm cụm xã từng bước được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp cải tạo. Hiện nay, toàn tỉnh có 38 chợ đang hoạt động; 2 trung tâm thương mại (1 tại TX. Mường Lay và 1 tại TP. Ðiện Biên Phủ), 3 siêu thị, 16 cửa hàng hoạt động theo mô hình siêu thị. Riêng TP. Ðiện Biên Phủ có 10 chợ chính được phân bổ hợp lý tại các địa bàn đông dân cư, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bán và trao đổi hàng hóa. Toàn tỉnh hiện có 215 cơ sở lưu trú du lịch với trên 1.700 buồng (trong đó có 1 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao, 2 khách sạn 3 sao; 4 khách sạn 2 sao và 11 khách sạn 1 sao). Có trên 400 cơ sở kinh doanh các dịch vụ phục vụ khách du lịch thuộc mọi thành phần kinh tế như: Bưu chính viễn thông, ngân hàng, vận tải, ăn uống, giải khát, in ấn, chụp ảnh, bán hàng lưu niệm... Từ các nguồn vốn Trung ương, địa phương, hàng năm tỉnh ta đầu tư hàng nghìn tỷ đồng phát triển kết cấu hạ tầng cơ sở; đầu tư cải tạo, nâng cấp các di tích lịch sử, điểm văn hoá tâm linh; khu du lịch sinh thái… đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng hoạt động kinh tế thương mại, du lịch và dịch vụ trên địa bàn.

Cùng với đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, thời gian qua tỉnh ta còn triển khai các giải pháp thu hút tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư hoạt động trong lĩnh vực thương mại, du lịch và dịch vụ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 60% doanh nghiệp, nhà đầu tư (trong tổng số 1.268 doanh nghiệp) hoạt động trong lĩnh vực thương mại, du lịch và dịch vụ cùng với 18.173 hộ kinh doanh.

Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế trên lĩnh vực thương mại, du lịch và dịch vụ trong thời gian tới, tỉnh ta tập trung bổ sung quy hoạch và phát triển TP. Ðiện Biên Phủ theo hướng khoa học, hiện đại; xây dựng khu vực cửa khẩu Huổi Puốc, lối mở A Pa Chải thành các trung tâm trung chuyển để phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch... Phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu từ dịch vụ giai đoạn 2021-2025 đạt 114.000 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 11,09%. Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh ta đón 5,4 triệu lượt khách du lịch, tốc độ tăng trưởng trung bình trên 10%/năm, tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 8.500 tỷ đồng. Cụ thể hóa theo phân kỳ, trước hết tỉnh tập trung đầu tư phát triển thương mại du lịch theo hướng lồng ghép với các hoạt động đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đô thị theo quy hoạch. Ưu tiên đầu tư thương mại và du lịch tại các khu, điểm giàu tài nguyên du lịch; nơi có cơ sở vật chất kỹ thuật như: Khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, cửa hàng, kho bãi, phương tiện, thiết bị...

Bài, ảnh: Mạnh Thắng
Bình luận
Back To Top