Mường Nhé tập trung phát triển thương mại, dịch vụ

08:54 - Thứ Sáu, 27/11/2020 Lượt xem: 4591 In bài viết

ĐBP - Xác định thương mại, dịch vụ (TMDV) có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua huyện Mường Nhé đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, đặc biệt từng bước điều chỉnh cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; mời gọi thu hút đầu tư... Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước nâng cao thu nhập cũng như đời sống nhân dân.

Cửa hàng kinh doanh tạp hóa tại xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé) có đủ các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân.

Ðể thúc đẩy phát triển TMDV, cấp ủy, chính quyền huyện Mường Nhé đã và đang tập trung huy động các nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án (30a, 135/CP, nông thôn mới...) để nâng cấp, phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, nâng cao chất lượng các ngành TMDV; tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia. Trong đó, đặc biệt ưu tiên các doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư, tiểu thương tham gia các hoạt động kinh doanh trên địa bàn; khuyến khích các hộ có nhà mặt đường, gần chợ, khu buôn bán đầu tư mở rộng ngành nghề kinh doanh. Hiện nay dọc quốc lộ 4H về trung tâm huyện, các loại hình TMDV ngày càng phát triển. Nhiều quán ăn uống, cửa hàng quần áo, kinh doanh điện tử, điện thoại... gia tăng về số lượng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, mua sắm hàng hóa của người dân. Ðến nay, trên địa bàn huyện có 28 doanh nghiệp và 1.109 hộ kinh doanh, tập trung vào các lĩnh vực như: Nhà hàng, cửa hàng quần áo, kinh doanh tạp hóa, sửa chữa xe máy, cửa hàng điện tử…

Xác định việc đẩy mạnh phát triển TMDV góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng TMDV, giảm tỷ trọng nông nghiệp, huyện Mường Nhé đã phát huy các tiềm năng, lợi thế sẵn có, tập trung khai thác các điều kiện thuận lợi để nhanh chóng tạo bước đột phá. Giai đoạn 2015 - 2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 34,57% xuống 32,45% (năm 2020), dịch vụ tăng từ 32,32% lên 33,38% (năm 2020) tăng 7,8%, tỷ lệ chuyển dịch cơ cấu kinh tế vượt mục tiêu Nghị quyết Ðại hội. Nhờ vậy, nhiều năm trở lại đây TMDV trên địa bàn huyện phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, hàng hóa đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu mua sắm, sinh hoạt, sản xuất của nhân dân. Chị Pờ Sơn Mé, xã Sín Thầu chia sẻ: “Là xã vùng cao, biên giới, được Ðảng và Nhà nước quan tâm, đầu tư xây dựng đường nên việc lưu thông hàng hóa của người dân trở nên thuận tiện. Hầu hết các loại mặt hàng thiết yếu (quần áo, muối, mì chính...) đều được phân phối về tận trung tâm các xã, bản. TMDV phát triển, các cửa hàng, đại lý lớn xuất hiện, bày bán đầy đủ các mặt hàng đã giúp người dân không còn phải di chuyển quãng đường xa gần 60km về trung tâm huyện lỵ Mường Nhé để chọn mua hàng hóa như trước đây”.

UBND huyện Mường Nhé đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý, cấp phép, kiểm tra các hoạt động kinh doanh có điều kiện, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát bình ổn thị trường, ngăn chặn kịp thời các hành vi tăng giá bất hợp lý, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại; tăng cường các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Từ đó, nâng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn huyện Mường Nhé giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 1.601 tỷ đồng, tăng trưởng đạt 9,57%; riêng năm 2020 ước đạt 400,54 tỷ đồng, tăng 1,4 lần so với năm 2015. Kinh doanh dịch vụ phát triển góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, thu nhập bình quân đầu người tăng; tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm từ 74,02% đầu nhiệm kỳ ước xuống còn 62,43%.

Với tiềm năng, lợi thế và sự quan tâm của huyện Mường Nhé trong việc phát triển TMDV trên địa bàn đã và đang góp phần phát triển kinh tế, phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân. Bước vào giai đoạn 2020 - 2025, huyện phấn đấu nâng tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ (giá hiện hành) đạt 570 tỷ đồng. Ðể làm được điều đó, cấp ủy, chính quyền huyện tiếp tục triển khai có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ sản xuất, kinh doanh; chỉ đạo các ngành chức năng của huyện tăng cường quản lý thị trường, chống buôn bán hàng cấm, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Khuyến khích người dân đa dạng hóa các loại hình thương mại, mở rộng và từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ trên địa bàn. Ðồng thời, nâng cấp, chỉnh trang các cửa hàng chưa đủ tiêu chí, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top