Hiệu quả các chính sách dân tộc

09:12 - Thứ Tư, 06/01/2021 Lượt xem: 4304 In bài viết

ĐBP - Thực hiện chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, thời gian qua tỉnh ta đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc như: Chương trình 135, chương trình 30a, Chương trình Mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường… Qua đó nâng cao đời sống người dân tộc thiểu số, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Từ nguồn vốn Chương trình 135, gia đình anh Lò Văn Thăm, bản Na Sản, xã Mường Luân (huyện Ðiện Biên Ðông) được hỗ trợ bò giống sinh sản. Trong ảnh: Anh Thăm (bên phải) đo, kiểm tra tốc độ sinh trưởng của bò.

Huyện Ðiện Biên Ðông là một trong những địa phương thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc. Toàn huyện có hơn 12.000 hộ dân tộc thiểu số. Những năm qua, việc thực hiện chính sách dân tộc luôn được các cấp ủy, chính quyền địa phương xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Từ đó ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất; tập trung đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu: Ðường giao thông, kênh mương thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế… Trong 2 năm 2019 - 2020, từ nguồn vốn chương trình 135, chương trình 30a, huyện Ðiện Biên Ðông đã phê duyệt 14 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ mua trên 300 con bò và 42 con trâu cho gần 400 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ðến nay, cơ bản các xã có đường ô tô đến trung tâm, nhiều tuyến đường liên xã, liên bản được nâng cấp; 100% xã có điện lưới quốc gia; trên 85% dân số được sử dụng nguồn nước sinh hoạt; 100% số xã có sóng điện thoại di động. Hệ thống trường lớp học được đầu tư xây dựng, trên 85% phòng học ở các điểm bản được kiên cố. Số trạm y tế đạt chuẩn cơ bản đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn… Nhờ thực hiện đồng bộ, có hiệu quả chính sách dân tộc, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Ðiện Biên Ðông ngày càng nâng lên, cơ sở hạ tầng dần được đầu tư đồng bộ.

Không chỉ Ðiện Biên Ðông, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số được người dân các địa phương khác đánh giá là chương trình hợp lòng dân. Từng nội dung đầu tư, hỗ trợ đều có tác động trực tiếp thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở vùng dân tộc và miền núi; góp phần thay đổi diện mạo nông thôn miền núi. Theo thống kê, trong giai đoạn 2016 - 2020 (tính riêng lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn), từ chương trình 135 toàn tỉnh đã hỗ trợ nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả, tiên tiến cho gần 1.400 hộ dân thụ hưởng; hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho gần 13.000 lượt hộ tham gia; hỗ trợ hơn 2.300 bộ máy nông cụ sản xuất nông nghiệp cho các hộ dân và nhóm hộ. Cũng từ Chương trình 30a, trong giai đoạn trên toàn tỉnh đã hỗ trợ khai hoang phục hóa cho gần 2.800 lượt hộ với tổng kinh phí hơn 9,2 tỷ đồng; hỗ trợ 499 hộ dân làm chuồng trại chăn nuôi; xây dựng 72 mô hình chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật với gần 2.000 hộ tham gia… Ngoài ra, các chương trình nông thôn mới; nước sạch và vệ sinh môi trường; Ðề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé; chính sách khoán, chăm sóc, bảo vệ rừng… được triển khai kịp thời, có hiệu quả.

Có thể thấy, nhờ thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách dân tộc đã tạo điều kiện cho hàng chục nghìn lượt hộ dân vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh phát triển kinh tế, tạo sinh kế lâu dài, vươn lên thoát nghèo. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số giảm từ 60,8% đầu năm 2016 xuống còn 42,8% năm 2019 và ước giảm xuống còn 38,8% năm 2020 (bình quân giảm 4,4%/năm). Qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh từ 48,14% năm 2016 xuống còn 29,93% dự ước năm 2020. Quan trọng hơn, các chương trình, chính sách này góp phần không nhỏ củng cố khối đoàn kết dân tộc, nhân lên niềm tin của nhân dân với Ðảng, Nhà nước và chính quyền địa phương; góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Thực hiện các chính sách dân tộc thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung hỗ trợ phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hoá, giữ gìn bản sắc dân tộc; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường. Huy động tối đa nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng dân tộc thiểu số.

Bài, ảnh: Quốc Huy
Bình luận
Back To Top