Phát huy vai trò nòng cốt trong quản lý, bảo vệ rừng

09:33 - Thứ Tư, 06/01/2021 Lượt xem: 4671 In bài viết

ĐBP - Dù gặp nhiều khó khăn, vất vả, thậm chí nguy hiểm khi lao vào biển lửa để cứu rừng hay đối mặt với lâm tặc để bảo vệ tài nguyên rừng nhưng những cán bộ Ðội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ðội Kiểm lâm cơ động và PCCCR kiểm tra tang vật thu giữ từ một vụ vận chuyển lâm sản trái pháp luật.

Nhớ lại giai đoạn 2016 - 2018, tỉnh ta xảy ra hàng loạt vụ cháy rừng nghiêm trọng tại địa bàn các huyện: Mường Chà, Mường Ảng, Tuần Giáo, anh Lò Văn Cương, Ðội phó Ðội Kiểm lâm cơ động và PCCCR chia sẻ: Thời điểm đấy, các vụ cháy rừng xảy ra nối tiếp nhau. Nhận được tin báo cháy ở địa bàn nào, cả đội tức tốc di chuyển đến tham gia chữa cháy. Có điểm cháy xảy ra tại các vùng lõi, cách bìa rừng cả chục cây số, chúng tôi lưng đeo dụng cụ chữa cháy, vượt suối, cắt rừng để tiếp cận. Rừng nguyên sinh có thảm thực bì dày, dễ bắt lửa, thêm vào đó mùa khô hanh gió Lào thổi mạnh khiến đám cháy càng bùng lên dữ dội, công tác tiếp cận, ứng cứu rừng rất khó khăn. Có lúc, rừng ở địa phương này vừa hết cháy thì địa phương khác lại báo cháy. Không phút nghỉ ngơi, Ðội Kiểm lâm cơ động và PCCCR lại khẩn trương di chuyển thực hiện nhiệm vụ. Cứ thế, nhiều năm qua, khi có cháy rừng, bất cứ thời điểm, hoàn cảnh nào thì Ðội kiểm lâm cơ động và PCCCR luôn là lực lượng xung kích, phối hợp cùng các lực lượng tại chỗ chữa cháy, cứu rừng.

Nếu như công tác chữa cháy rừng vất vả, hiểm nguy một thì nhiệm vụ tuần tra rừng, ngăn chặn hành vi phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật gặp nhiều khó khăn hơn. Anh Lù Văn Thành, Ðội trưởng Ðội Kiểm lâm cơ động và PCCCR cho biết:  Vì “siêu lợi nhuận” do buôn bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật, đặc biệt là động vật hoang dã mang lại, nên các đối tượng vi phạm ngày càng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, thậm chí rất liều lĩnh và manh động, sẵn sàng chống trả quyết liệt lực lượng chức năng khi bị phát hiện. Ðối với động vật hoang dã, các đối tượng buôn bán tìm mọi cách “hóa trang” thành các thùng hàng hóa rồi lén lút vận chuyển bằng xe máy hoặc gửi xe khách đi tiêu thụ vào thời điểm sáng sớm, đêm khuya hoặc các ngày nghỉ.

Ðể phát hiện và kịp thời ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật, Ðội Kiểm lâm cơ động và PCCCR đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, nhất là tại các khu vực, địa bàn được xác định là “điểm nóng”. Trong năm 2020, đội đã phối hợp tổ chức 29 lượt tuần tra, kiểm tra rừng với 180 lượt người tham gia tổng thời gian 382 giờ. Ðồng thời siết chặt công tác quản lý hoạt động của các cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh lâm sản (gỗ); cơ sở gây nuôi các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; động vật hoang dã nguy cấp thuộc phụ lục Cites và động vật rừng thông thường trên địa bàn tỉnh. Năm 2020, Ðội Kiểm lâm cơ động và PCCCR đã phát hiện và xử lý 20 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, gồm: 4 vụ vận chuyển lâm sản trái pháp luật; 8 vụ tàng trữ, mua bán, chế biến lâm sản trái pháp luật và 8 vụ vi phạm quy định về quản lý hồ sơ lâm sản trong vận chuyển, mua bán, cất giữ, chế biến lâm sản. Tổng số tiền xử phạt đã thực hiện là 159.500.000 đồng và tịch thu nhiều tang vật liên quan. Ðiển hình như đầu tháng 1/2020, nhận được tin báo của nhân dân, Ðội Kiểm lâm cơ động và PCCCR đã tuần tra, kiểm soát trên quốc lộ 279, đoạn Ðiện Biên - Tây Trang phát hiện và bắt giữ đối tượng Lê Ðình Dũng (SN 1983, trú tại đội 22, xã Noong Hẹt, huyện Ðiện Biên) có hành vi vận chuyển lâm sản trái phép, tang vật gồm: 1 cá thể tê tê sống trọng lượng 4,5kg; 8 cá thể rùa đầu to trọng lượng 4,5 kg và 35kg sản phẩm động vật rừng (loài sơn dương). Vụ việc đã có Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm ban hành quyết định khởi tố vụ án về tội “vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” quy định tại Ðiều 244, Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017, chuyển cơ quan cảnh sát điều tra theo quy định.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top