Loay hoay đầu ra sản phẩm làng nghề

08:26 - Thứ Năm, 07/01/2021 Lượt xem: 4388 In bài viết

ĐBP - Hiện nay Ðiện Biên có hệ thống làng nghề, sản phẩm thủ công truyền thống khá đa dạng song lại thiếu mô hình hoạt động thật sự hiệu quả, bền vững. Các mô hình làng nghề, sản xuất sản phẩm truyền thống chủ yếu là tự phát. Một số mô hình được hỗ trợ phát triển theo chương trình, dự án nhưng cũng hoạt động lay lắt hoặc hết hỗ trợ là ngừng hoạt động. Ðiều đó đang đặt ra bài toán khó trong việc bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị các làng nghề truyền thống để phát triển kinh tế, thu hút du lịch.

Hội viên phụ nữ bản Bắc 2, xã Lay Nưa (TX. Mường Lay) tham gia mô hình tổ nhóm liên kết làm khẩu xén để tăng thu nhập. Ảnh: Huyền Lâm

Toàn tỉnh có 31 nghề và làng nghề, nhưng đến nay chưa có nghề hoặc làng nghề truyền thống nào đủ điều kiện và được công nhận theo quy định của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn. Các làng nghề hiện nay chủ yếu vẫn ở dạng tiềm năng, hoạt động với quy mô nhỏ và chưa phát huy hiệu quả.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc các làng nghề hoạt động cầm chừng, lay lắt và khó phát huy hiệu quả chính là thị trường đầu ra cho sản phẩm. Ðơn cử như nghề làm khẩu xén, chí chọp ở bản Bắc, xã Lay Nưa, TX. Mường Lay. Ðây là 2 sản phẩm đã được công nhận 3 sao theo tiêu chuẩn OCOP và được thị trường khá ưa chuộng. Thế nhưng hoạt động sản xuất chủ yếu diễn ra vào dịp tết, dịp lễ hội trong một nhóm liên kết có 13 thành viên chứ không diễn ra quanh năm. Một số gia đình sản xuất phục vụ nhu cầu của chính mình, không theo hướng kinh doanh hàng hóa. Trong dịp Lễ hội Ðua thuyền đuôi én TX. Mường Lay vừa qua, các sản phẩm khẩu xén, chí chọp của Hợp tác xã Lay Nưa đã được đóng gói bao bì. Thế nhưng, để sản phẩm có mẫu mã đẹp, bắt mắt đáp ứng nhu cầu làm quà tặng thì đồng nghĩa với việc tăng chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm. Từ đó dẫn đến việc sản phẩm có thương hiệu lại phải cạnh tranh về giá đối với các sản phẩm của người dân tự sản xuất.

Hay mô hình làng nghề dệt thổ cẩm của Hợp tác xã dệt thổ cẩm Na Sang 2, xã Núa Ngam (huyện Ðiện Biên) cũng trong tình trạng tương tự. Hiện nay tại bản Na Sang 2 có hơn 10 gia đình đủ điều kiện dệt các sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa, nhưng chỉ có 2-3 gia đình thường xuyên hoạt động vì sản phẩm không tiêu thụ được. Mặc dù trước đó Hợp tác xã dệt thổ cẩm Na Sang 2 đã được tổ chức JICA (Nhật Bản) hỗ trợ về cơ sở vật chất và quảng bá sản phẩm. Phần lớn mặt hàng thổ cẩm của Hợp tác xã cung cấp cho các đại lý phục vụ khách du lịch ở các thành phố lớn, rất ít sản phẩm được bán trực tiếp cho khách du lịch đến tham quan. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên trong năm 2020 vừa qua Hợp tác xã không nhận được một đơn hàng nào, trong khi đó sản phẩm tồn từ năm 2019 đến nay vẫn chưa tiêu thụ hết...

Ðây là 2 mô hình được đánh giá là hoạt động hiệu quả, nhưng vẫn trong tình trạng không mấy khả quan. Thực tế này cho thấy, việc phát triển và duy trì các mô hình nghề truyền thống khác khó khăn như thế nào. Yêu cầu đặt ra để duy trì nghề, làng nghề là trước hết người lao động phải sống được từ các sản phẩm do mình làm ra, sau đó đến việc phục vụ du lịch, quảng bá hình ảnh, văn hóa địa phương. Từ việc không tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm dẫn đến việc làng nghề không hoạt động hoặc hoạt động lay lắt, cầm chừng. Ðiển hình như làng nghề dệt thổ cẩm ở bản Mường Luân 1 (xã Mường Luân, huyện Ðiện Biên Ðông) do không tìm được thị trường tiêu thụ, thu nhập của người lao động không ổn định khiến họ không còn mặn mà với nghề. Hay làng nghề thêu ren ở bản Tà Là Cáo (xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa) cũng đã tạm dừng hoạt động do không có đơn đặt hàng.

Có thể thấy trong mấy năm gần đây, tỉnh Ðiện Biên đã có nhiều hoạt động thiết thực để khuyến khích phát triển đa dạng các sản phẩm, làng nghề truyền thống như hoạt động quảng bá tại các sự kiện, hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh. Hay tập trung triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm phát triển phong phú các sản phẩm theo hướng hàng hóa chuyên nghiệp và phát huy thế mạnh của địa phương. Tuy nhiên, để phát triển bền vững các làng nghề, tạo dựng được thương hiệu thu hút du lịch, bên cạnh việc nâng tầm giá trị sản phẩm thì quan trọng nhất vẫn là phải có thị trường ổn định.

Ðược biết vừa qua, Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã triển khai 2 đợt điều tra, rà soát các cơ sở sản xuất tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố để có cơ sở lập hồ sơ công nhận nghề, làng nghề truyền thống theo quy định. Ðồng thời xây dựng kế hoạch, dự án hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, các làng nghề cần bảo tồn lâu dài, giai đoạn 2021 - 2025 đến năm 2030. Ðây cũng là một trong những động thái quan trọng nhằm duy trì và phát huy các giá trị các làng nghề, sản phẩm truyền thống, góp phần thu hút và phát triển du lịch của địa phương.

Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top