Khắc phục hạn chế để tạo sức bật nội tại

09:32 - Thứ Sáu, 08/01/2021 Lượt xem: 4385 In bài viết

ĐBP - Năm 2020 đã qua với nhiều kết quả xứng đáng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc tỉnh ta khi thực hiện nhiệm vụ trước tác động tiêu cực của thiên tai, dịch bệnh. Ðánh giá kết quả, UBND tỉnh đã nhấn mạnh 9 điểm nổi bật trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh; song UBND tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận, chỉ ra 8 nội dung còn hạn chế. Sự cầu thị, trách nhiệm đó đáng trân trọng và cần thiết để tiếp tục có giải pháp chỉ đạo, điều hành các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trong năm 2021. Ðể hoàn thành các mục tiêu đề ra, tạo đà vững chắc cho giai đoạn phát triển mới thì trước hết phải khắc phục những hạn chế, nhất là những hạn chế nội tại cản trở sự phát huy nội lực.

Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6 thi công giải phóng mặt bằng Dự án Hạ tầng kỹ thuật khung. Ảnh: Văn Tâm

Triển khai một số dự án trọng điểm chậm tiến độ là một trong những hạn chế dễ thấy nhất trong thời gian qua. Nguyên nhân chậm tiến độ chủ yếu do công tác giải tỏa, đền bù chậm dẫn đến chậm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Ngoài ra, do vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách; một số dự án còn tình trạng người dân chưa đồng thuận, khiếu kiện về chính sách đền bù và giá bồi thường. Một số trường hợp chủ đầu tư, các sở, ngành, đơn vị liên quan chưa lường hết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai lập dự án nên phải điều chỉnh, bổ sung...

Thủ tục đầu tư là nút thắt cần tháo gỡ cho các chương trình, dự án nói chung, dự án trọng điểm nói riêng để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư; đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng. Các cơ quan chuyên môn cần rút ngắn thời gian xử lý, thẩm định hồ sơ, thủ tục; đẩy mạnh công tác đấu thầu qua mạng để lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực. Quá trình thực hiện, đảm bảo nguyên tắc “cái gì có lợi cho người dân thì làm” nhưng không trái quy định của pháp luật. Các đơn vị thi công phải đủ năng lực, sẵn sàng để có mặt bằng đến đâu tập trung thi công đến đó. Cấp thẩm quyền, ngành chức năng tăng cường điều hành, giám sát theo hướng giải quyết ngay tại công trường để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ.

Giải phóng mặt bằng luôn được xác định là việc phức tạp, nhạy cảm, làm không đúng, không trúng sẽ gây thất thoát ngân sách và mất lòng tin của người dân. Có lẽ vậy mà thời gian qua, có những trường hợp né tránh hoặc đùn đẩy việc “nhạy cảm” này để giữ an toàn cho bản thân. Trong khi đó hiện nay chưa có khung chế tài xử lý cán bộ để chậm giải phóng mặt bằng. Do đó, trong thời gian tới nên chăng đưa nhiệm vụ giải phóng mặt bằng vào chương trình công tác của cấp ủy để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thì mới có hiệu quả. Người đứng đầu chính quyền địa phương, thủ trưởng các đơn vị liên quan có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng kế hoạch, quy trình, phương pháp thực hiện của địa phương, đơn vị mình về công tác giải phóng mặt bằng; lấy tiến độ, đúng quy định làm phương châm chỉ đạo.

Một hạn chế cũng được UBND tỉnh thẳng thắn chỉ ra là lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản. Ðó là vấn đề hồ sơ khảo sát chưa đầy đủ, thiếu chính xác, chưa phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật; thiết kế kỹ thuật chưa tuân thủ thiết kế cơ sở hoặc chưa sát với thực tế dẫn đến phải điều chỉnh trong quá trình thi công; hồ sơ quản lý chất lượng công trình còn thiếu sót, không đầy đủ; công tác giám sát thi công tại một số dự án không chặt chẽ theo quy định... Những bất cập đó có nguyên nhân từ những hạn chế về cơ chế quản lý đầu tư; công tác quy hoạch; công tác chuẩn bị đầu tư; giải phóng mặt bằng và tái định cư; công tác lựa chọn nhà thầu; vốn đầu tư… Trao đổi về vấn đề này, một số chủ doanh nghiệp (xin giấu tên) có chung quan điểm: Cơ bản là ở khâu cán bộ làm công tác quản lý xây dựng. Nếu cán bộ nhiệt tình, trách nhiệm thì giải quyết việc rất nhanh. Còn thờ ơ, trịch thượng thì việc rất lâu, thậm chí rất khó. Chưa kể nảy sinh cơ chế “xin - cho” cũng từ cán bộ không trong sáng.

Ðể khắc phục những hạn chế đó, UBND tỉnh cần có biện pháp chỉ đạo quyết liệt hơn. Xem xét xây dựng, ban hành quy định trách nhiệm gắn với chế tài xử lý vi phạm cụ thể đối với các cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng, chủ đầu tư, ban quản lý dự án và nhà thầu trong thực hiện công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, thiết kế, tổ chức đấu thầu, thi công... Ðồng thời tăng cường rà soát, đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ trực tiếp làm công tác thẩm định. Các ban quản lý dự án bố trí cán bộ phù hợp chuyên môn được đào tạo và thực hiện kiểm tra, đánh giá thường xuyên. Có hình thức khen thưởng kịp thời thành tích, xử phạt nghiêm minh vi phạm trong quá trình thực hiện.

Một hạn chế cần sớm được khắc phục đó là công tác cải cách hành chính tại một số cơ quan đơn vị chưa rõ nét, công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ chưa cao, công tác tham mưu hạn chế mặc dù UBND tỉnh đã có chỉ đạo, nhắc nhở. Muốn vậy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương cần chỉ đạo cải tiến các quy trình công việc đảm bảo chặt chẽ, thống nhất, phân định rõ trách nhiệm chủ trì và phối hợp; đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu từng bộ phận chuyên môn đối với nhiệm vụ được giao; lấy hiệu quả thực hiện để đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm. Thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm chính đối với chất lượng các hồ sơ công việc, thủ tục hành chính, các dự thảo văn bản trình UBND tỉnh hoặc tham mưu UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền. Các cấp, ngành, cơ quan đơn vị triển khai hiệu quả việc cung cấp, khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến tỉnh; rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những quy định, chính sách, thủ tục, điều kiện kinh doanh không phù hợp, chồng chéo, gây khó khăn cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Sử dụng kết quả xếp hạng cải cách hành chính, kết quả giải quyết hồ sơ để đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của công chức, viên chức và người đứng đầu.

Hà Nguyễn
Bình luận
Back To Top