UBTVQH thông qua chuyển đổi phương thức đầu tư 2 dự án trên tuyến Bắc-Nam phía đông

10:30 - Thứ Ba, 12/01/2021 Lượt xem: 3536 In bài viết

Tại phiên họp thứ 52 diễn ra vào chiều 11/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe xem xét việc chuyển đổi phương thức đầu tư đối với một số dự án thành phần trên tuyến Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020.

Toàn cảnh phiên họp.

Theo Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 và Nghị quyết số 117/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội, Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020 (Dự án) gồm 11 dự án thành phần (6 dự án đầu tư công và 5 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP) với mức vốn nhà nước được Quốc hội thông qua chủ trương bố trí cho Dự án là trên 78.460 tỷ đồng.

Tình hình triển khai thực hiện Dự án đến nay đối với công tác giải phóng mặt bằng cụ thể là đã hoàn thành và bàn giao 612 km/652,77 km (đạt khoảng 94%); 6% còn lại chủ yếu thuộc phạm vi di dời công trình hạ tầng phức tạp dự kiến hoàn thành trong quý I và quý II năm 2021. Đã hoàn thành xây dựng 78/111 khu tái định cư; phấn đấu hoàn thành xây dựng toàn bộ các khu tái định cư trong quý I năm 2021.

Về công tác lựa chọn nhà thầu và triển khai thi công đối với các dự án thành phần đầu tư công: Đối với 3 dự án thành phần đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2 có 16/17 gói thầu đã triển khai thi công, 1 gói thầu (trụ tháp, dầm dây văng) thuộc cầu Mỹ Thuận 2 đang đấu thầu. Tổng số vốn đã giao trên 5.080 tỷ đồng (đạt 35,6%), đã giải ngân hơn 4.747 tỷ đồng (đạt 93,3%). Đối với 3 dự án thành phần đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây (chuyển đổi phương thức đầu tư theo Nghị quyết số 117/2020/QH14) đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu và triển khai thi công 13/13 gói thầu. Phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác cuối năm 2022.

Về công tác lựa chọn nhà đầu tư 5 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP. Cụ thể, kết quả đóng, mở thầu lựa chọn nhà đầu tư: Đến ngày 5/10/2020, Bên mời thầu đã thực hiện đóng/mở thầu toàn bộ 5 gói thầu lựa chọn nhà đầu tư. Kết quả, 3 dự án thành phần (gồm các đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo) đã có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu; 2 dự án thành phần (đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu) không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu.

Đối với 2 dự án không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, căn cứ quy định của pháp luật về đấu thầu, Bộ Giao thông vận tải đã quyết định gia hạn thời điểm đóng thầu đến ngày 12/10/2020. Kết quả, dự án đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn có 1 nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, dự án đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu vẫn không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu.

Kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật: Đối với 4 dự án có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, Bên mời thầu đã tổ chức đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật và trình phê duyệt danh sách nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật. Theo đó, 3/4 dự án thành phần có nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật (gồm các đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo); riêng đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư không đáp ứng yêu cầu.

Kết quả lựa chọn nhà đầu tư: Đối với 3 dự án có nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, Bên mời thầu đã tổ chức đánh giá về tài chính - thương mại và trình phê duyệt kết quả đấu thầu. Đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư toàn bộ 03 dự án.

Như vậy, kết quả đấu thầu có 2 dự án thành phần không lựa chọn được nhà đầu tư (đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn nhà đầu tư không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu).

Phát biểu kết thúc thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, qua nghe Tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính-Ngân sách, Ủy ban Pháp luật, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với việc chuyển đổi phương thức đầu tư đối với một số dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020.

Theo đó, với 2 dự án thành phần đoạn đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu không có nhà đầu tư nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí chuyển sang đầu tư công với số vốn của Nhà nước là 100%. Nếu không triển khai 2 dự án này thì sẽ không đảm bảo kết nối toàn tuyến giao thông Bắc-Nam phía Đông cho đến năm 2023. Ngoài ra, trong tình hình đại dịch COVID-19 thì cần có sự đầu tư, tạo điều kiện đầu tư của ngân sách Nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, việc chuyển đổi phương thức đầu tư đối với 2 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông không làm tăng tổng vốn ngân sách Nhà nước đã được Quốc hội thông qua chủ trương bố trí cho Dự án tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 và Nghị quyết số 117/2020/QH14 ngày 19/6/2020 và quy mô đầu tư đã được Quốc hội quyết định.

Việc chuyển đổi từ đầu tư PPP sang đầu tư công, Chính phủ sẽ có trách nhiệm là phải xây dựng phương án thu hồi vốn cho ngân sách Nhà nước và phải báo cáo tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc chuyển đổi phương thức đầu tư đối với một số dự án thành phần trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 với 100% Ủy viên có mặt tại Phiên họp biểu quyết thông qua Nghị quyết.

Theo đó, chuyển đổi từ đầu tư theo phương thức đối tác công tư sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước đối với 2 dự án thành phần đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu theo nguyên tắc không vượt quá nguồn ngân sách nhà nước đã được Quốc hội thông qua chủ trương bố trí cho Dự án tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22 tháng 11 năm 2017 và Nghị quyết số 117/2020/QH14 ngày 19/6/2020.

Nghị quyết yêu cầu Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện các dự án thành phần chuyển đổi sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước, đáp ứng tiến độ hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2023; xây dựng phương án phù hợp để thu hồi vốn hoàn trả vào ngân sách Trung ương. Các nội dung khác không quy định tại Nghị quyết này được thực hiện theo Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 và Nghị quyết số 117/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội.

Giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển giao cho Ủy ban Kinh tế hoàn thành dự thảo Nghị quyết và phối hợp với Ủy ban Pháp luật báo cáo lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sẽ trình Chủ tịch Quốc hội ký chứng thực./.

P.V (Theo baochinhphu.vn)
Bình luận
Back To Top