Quản lý chặt nguồn tài nguyên khoáng sản

09:45 - Thứ Tư, 13/01/2021 Lượt xem: 5034 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh được tăng cường; các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này thực hiện đầy đủ các quy định. Qua đó, góp phần tạo nền nếp trong khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản; tạo việc làm tăng thu nhập cho người lao động, tăng nguồn thu ngân sách cho Nhà nước.

Công nhân Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Ngọc Linh khai thác đá tại mỏ đá Cò Chạy, xã Hua Thanh (huyện Ðiện Biên). Ảnh: Văn Tâm

Theo kết quả điều tra, đánh giá của Cục Ðịa chất khoáng sản Việt Nam, hiện toàn tỉnh ghi nhận có khoảng 20 nhóm khoáng sản như: Nhóm khoáng sản nhiên liệu (than đá); khoáng sản kim loại (sắt, đồng, chì, kẽm); khoáng sản vật liệu xây dựng (đá vôi trắng, sét, cát, cuội, sỏi); khoáng chất công nghiệp (alit, barit, nước nóng, nước khoáng)... Trong đó, khoáng sản vật liệu xây dựng phân bố hầu hết tại các địa phương trong tỉnh. Cụ thể, trữ lượng đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng gần 13 triệu mét khối; trữ lượng đá làm vật liệu xây dựng thông thường hơn 18,2 triệu mét khối; trữ lượng cát gần 355 nghìn mét khối; trữ lượng than hơn 351 nghìn tấn; chì, kẽm hơn 244 nghìn tấn. Ðây vừa là lợi thế, tiềm năng lớn để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vừa là khó khăn, thách thức cho các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác quản lý về khoáng sản và bảo vệ môi trường.

Nhằm đảm bảo khai thác, sử dụng khoáng sản hợp lý góp phần tăng thu ngân sách địa phương và bảo vệ môi trường, những năm qua các cấp, các ngành tỉnh đã tăng cường công tác quản lý, bảo vệ. Sở Tài nguyên và Môi trường với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về khoáng sản đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thẩm định báo cáo về đánh giá tác động môi trường, phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định. Từ năm 2017 - 2019, UBND tỉnh đã phê duyệt 6 báo cáo đánh giá tác động môi trường, 8 phương án cải tạo, phục hồi môi trường; thẩm định và xác nhận 2 kế hoạch bảo vệ môi trường. Ðối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản đã chấp hành các quy định trong bảo vệ môi trường như: Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (đối với dự án phải lập), lập phương án bảo vệ môi trường, tuân thủ các quy định về an toàn khai thác khoáng sản… Ðến nay, toàn tỉnh có 26 điểm mỏ được cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (trong đó có 20 giấy phép khai thác đá; 5 giấy phép khai thác cát và 1 giấy phép khai thác đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng). Việc cấp phép khai thác khoáng sản đảm bảo theo quy định nên việc khai thác khoáng sản không làm ảnh hưởng đến khu vực đất có di tích lịch sử, đất rừng, an ninh quốc phòng, hệ thống cấp thoát nước…

Theo thống kê, từ năm 2017 - 2019, sản lượng khai thác đá vôi xi măng đạt gần 400 nghìn mét khối; đá làm vật liệu xây dựng thông thường hơn 1,1 triệu mét khối; cát hơn 106 nghìn mét khối; than đạt gần 19 nghìn tấn … Những nỗ lực trong công tác quản lý hoạt động khoáng sản trong những năm qua đã đem lại hiệu quả về phát triển kinh tế - xã hội, tăng nguồn thu cho tỉnh. Cụ thể, về bảo vệ môi trường, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản đã thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường với tổng số tiền hơn 1,141 tỷ đồng. Ðồng thời, việc thực hiện trách nhiệm với cộng đồng nơi khai thác khoáng sản đã được các tổ chức, cá nhân chủ động phối hợp với địa phương, người dân liên quan thỏa thuận đền bù, giải phóng mặt bằng, hoặc thuê đất thực hiện dự án theo quy định; ưu tiên sử dụng lao động địa phương, hỗ trợ địa phương vật liệu xây dựng nông thôn mới… Ðối với nguồn thu cho ngân sách tỉnh, năm 2018 số tiền thu từ cấp quyền khai thác khoáng sản hơn 13,2 tỷ đồng, đạt 165,38% dự toán (tăng 89% so với cùng kỳ năm 2017); năm 2019 đạt 16,5 tỷ đồng, đạt 183,33% dự toán (tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2018); năm 2020 mặc dù ảnh hưởng dịch Covid-19, song số tiền thu từ cấp quyền khai thác khoáng sản đạt 12 tỷ đồng. Không chỉ vậy, việc quản lý tốt hoạt động khoáng sản đã giúp chỉ số sản xuất công nghiệp khai thác khoáng sản tăng 2,59% so với năm 2019, góp phần thúc đẩy chỉ số công nghiệp tỉnh phát triển.

Nhằm tiếp tục quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản hợp lý, tiết kiệm, gắn với bảo vệ môi trường và chống thất thu ngân sách từ hoạt động khoáng sản, thời gian tới các cấp, ngành cần tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản. Ðồng thời nâng cao chất lượng thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án cải tạo phục hồi môi trường. Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với công tác bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản; kiên quyết kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xét xem thu hồi giấy chứng nhận đầu tư và giấy phép khai thác khoáng sản đối với các dự án hoạt động không có hiệu quả, khai thác khoáng sản không đảm bảo an toàn hoặc không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính trong hoạt động khoáng sản theo quy định.

Văn Tâm
Bình luận
Back To Top