Ðể nông sản Ðiện Biên “cất cánh”

09:08 - Thứ Năm, 14/01/2021 Lượt xem: 5305 In bài viết

ĐBP - Mặc dù có tiềm năng về sản xuất nông nghiệp, trong đó có nhiều sản phẩm nông sản được đánh giá cao và có ưu thế vượt trội hơn so với các tỉnh khác, nhưng thực tế những năm qua phát triển nông sản ở tỉnh ta chưa tương xứng với tiềm năng. Làm thế nào để các mặt hàng nông sản vươn xa, chinh phục người tiêu dùng vẫn là trăn trở của các cấp, ngành, doanh nghiệp và những nông dân đang nỗ lực phấn đấu xây dựng thương hiệu cho nông sản Ðiện Biên.

Nhiều sản phẩm nông sản hiện nay đang gặp khó khăn trong đầu ra, trong đó có bí của người dân bản Chua Ta, xã Tìa Dình (huyện Ðiện Biên Ðông).

Xác định nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển. Nhờ đó, ngành Nông nghiệp đã từng bước có sự chuyển biến và đạt tốc độ tăng trưởng liên tục. Ðến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và chứng nhận 26 sản phẩm nông sản OCOP đạt từ 3 sao trở lên, với nhiều sản phẩm có giá trị cao như: Gạo, chè, cà phê, bí đao, khoai sọ. Cùng với đó, đã xây dựng và phát triển được 19 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn như: Chuỗi cung ứng rau, củ, quả an toàn; chuỗi cung ứng thịt trâu, bò khô; chuỗi cung ứng cá tầm, cá hồi; chuỗi cung ứng dứa… Ngành Nông nghiệp tỉnh tích cực tư vấn, hướng dẫn sản xuất theo chất lượng VietGAP, xây dựng mã truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý gạo; chứng nhận HACCP (phân tích mối nguy cơ và điểm kiểm soát tới hạn) cho một số mặt hàng nông sản của các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất nông nghiệp như: Cấp quyền khai thác chỉ dẫn địa lý gạo Bắc thơm số 7 cho Công ty TNHH thực phẩm Safe Green; cấp chứng nhận HACCP cho Công ty TNHH Cà phê Ðại Bách Mường Ảng…

Song nhìn nhận thẳng thắn thì lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tỉnh ta còn những khó khăn, vướng mắc, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, nhất là đưa các sản phẩm nông nghiệp đặc sản vươn xa trong khu vực và cả nước. Thực tế hiện nay các sản phẩm nông sản mới chỉ dừng lại ở khâu bán thô là chính nên giá trị chưa cao; thị trường tiêu thụ bị bó hẹp, chủ yếu trong tỉnh. Trong số 19 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, hầu hết các sản phẩm đều chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh, hoặc qua hình thức trung gian, thương lái đi các tỉnh khác. Ðơn cử, đối với 6 chuỗi sản phẩm rau, củ, quả an toàn, hiện nay sản lượng trung bình trên 500 tấn rau, củ, quả/năm. Tuy nhiên việc tiêu thụ chủ yếu là các bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh và các cửa hàng thuộc công ty Safe Green, Siêu thị Tâm Ðỏ, Siêu thị Hoa Ba cùng đối tượng người tiêu dùng hộ cá thể. Số ít được cung cấp ra thị trường ngoài tỉnh chủ yếu thông qua các thương lái nên giá trị chưa cao.

Huyện Mường Chà có 2 hợp tác xã được chứng nhận sản xuất dứa theo tiêu chuẩn VietGAP, gồm: Hợp tác xã dứa Na Sang với 63ha và Hợp tác xã dứa Sa Lông với diện tích 24ha. Trong đó, Hợp tác xã dứa Na Sang được cấp giấy chứng nhận chuỗi cung ứng sản phẩm dứa an toàn với 38 hộ trồng dứa tham gia vào quá trình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Trước đây, dứa của hợp tác xã được các thương lái thu mua tập trung với số lượng lớn để chuyển đi các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội tiêu thụ. Thế nhưng vài năm gần đây, đặc biệt từ năm 2019 trở lại đây, lượng dứa tiêu thụ rất ít và gần như chỉ tiêu thụ nội tỉnh bởi nguồn cung nhiều, trong khi sức tiêu thụ thấp.

Hiện nay, ngay cả khi các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết với người dân thì việc tiêu thụ sản phẩm cũng gặp khó khăn. Minh chứng cho hạn chế này là sản phẩm lúa gạo IR64, Bắc thơm số 7, Séng cù của Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green liên kết với người dân xã Thanh An (huyện Ðiện Biên). Công ty tham gia liên kết từ khâu trồng, sơ chế đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm; có hợp đồng cam kết bao tiêu sản phẩm cho người nông dân. Tuy nhiên, bản thân doanh nghiệp cũng đang bí đầu ra cho các sản phẩm gạo thành phẩm. Hiện nay, sản phẩm gạo Ðiện Biên đang được 2 đơn vị giới thiệu và tiêu thụ chủ yếu tại thị trường các tỉnh phía Bắc với sản lượng tiêu thụ gạo Bắc thơm số 7 đạt khoảng 500 tấn/năm; gạo Séng cù 200 tấn/năm.

Không phải các doanh nghiệp không có năng lực trong lĩnh vực chế biến nông sản, mà điều khiến không ít doanh nghiệp “lăn tăn” là sự ổn định của nguồn nguyên liệu. Ðiển hình là 2 chuỗi cung ứng sản phẩm bí xanh (xã Tìa Dình), khoai sọ (xã Phì Nhừ) trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông của Công ty Cổ phần Chuỗi thực phẩm an toàn Hoa Ban đã ngừng hoạt động. Theo đó, 2 chuỗi cung ứng này được cấp giấy chứng nhận chuỗi liên kết năm 2018 giữa các hộ dân với Công ty Cổ phần Chuỗi thực phẩm an toàn Hoa Ban; sản lượng cung ứng ra thị trường trung bình khoảng 100 tấn/chuỗi/năm. Ðại diện Công ty Cổ phần Chuỗi thực phẩm an toàn Hoa Ban đưa ra lý do ngừng hoạt động do việc thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn giữa công ty và các hộ dân gặp một số khó khăn trong việc vận chuyển, bảo quản sản phẩm, gây hao hụt. Là sản phẩm củ, quả nếu khi thu hoạch không đúng thời điểm, thời tiết sẽ bị ảnh hưởng đến chất lượng. Trong khi việc bảo quản của người dân sau khi thu hoạch chưa được tốt, bảo quản thủ công, thô sơ. Bên cạnh đó, người nông dân tham gia các chuỗi liên kết trên chưa đầu tư để nâng cao chất lượng và sản lượng, dẫn đến không ổn định, năm được mùa, năm mất mùa.

Một trong những nguyên nhân khác khiến mặt hàng nông sản tỉnh thiếu sức cạnh tranh do tỷ lệ sản lượng sản phẩm rủi ro cao, bức xúc về an toàn thực phẩm được kiểm soát theo chuỗi thấp do trên thực tế sản xuất nông nghiệp trên địa bàn chủ yếu theo hình thức hộ gia đình nhỏ lẻ, các hộ kinh doanh nông sản chủ yếu tại các chợ tạm, hệ thống các cơ sở kinh doanh không cố định, việc đầu tư vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp ít, thiếu sự liên kết. Cụ thể, tỷ lệ khoảng 2% tổng sản lượng sản phẩm nông lâm thủy sản chủ lực có mức độ rủi ro cao; riêng đối với sản lượng chè cây cao được kiểm soát theo chuỗi khoảng 50% tổng sản lượng, cá hồi, cá tầm khoảng 50% tổng sản lượng.

Ðể nông sản vươn xa cần có sự liên kết “4 nhà” (nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nông). Mối liên kết này phải thực sự chặt chẽ và bền vững. Bởi trong thời kỳ hội nhập, yêu cầu cơ bản để nông sản có sức cạnh tranh là sản phẩm phải sạch, ngon, số lượng đáp ứng yêu cầu, giá bán hợp lý và có chiến lược thị trường tốt. Trong đó, phía Nhà nước cần có cơ chế chính sách thúc đẩy sản xuất; cần có chế tài phù hợp để hỗ trợ giải quyết tranh chấp hợp đồng thu mua giữa doanh nghiệp với người sản xuất. Ðối với những trường hợp bị thiệt hại do nguyên nhân bất khả kháng cần có chính sách hỗ trợ cho các bên tham gia liên kết. Về phía nhà khoa học cần nghiên cứu, đưa ra các giải pháp tăng sản lượng, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm; nghiên cứu chuyển giao quy trình kỹ thuật canh tác công nghệ cao và hiệu quả cho nông dân; đưa máy móc, nông cụ phù hợp với từng loại cây trồng, điều kiện vào sản xuất và tăng cường chuyển giao công nghệ chế biến, bảo quản nông sản sau khi thu hoạch. Ðối với các doanh nghiệp cần có chiến lược và kế hoạch hoạt động phù hợp với thị trường địa phương, ngoài tỉnh và nước ngoài; đặt hàng ký hợp đồng với nông dân bao tiêu sản phẩm, bảo hiểm sản xuất; chú trọng hợp tác với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu cho doanh nghiệp. Người nông dân cần phải hợp tác sản xuất để tạo vùng nguyên liệu có định hướng; đảm bảo thực hiện theo cam kết cả về số lượng và chất lượng, cũng như thời gian cung ứng. Ðặc biệt cần phải thay đổi tư duy trong sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào canh tác.

Văn Tâm
Bình luận
Back To Top