Nâng cao vị thế nông sản

09:13 - Thứ Năm, 14/01/2021 Lượt xem: 4235 In bài viết

ĐBP - Ðiện Biên có tiềm năng phát triển nông sản với nhiều đặc sản, sản vật địa phương độc đáo. Tuy nhiên, cho đến nay, phải nhìn nhận thẳng thắn rằng: Nông sản của tỉnh ta chưa phát huy được hết lợi thế, chưa xây dựng được nhiều thương hiệu nông sản mang tầm quốc gia, sản lượng, thị trường tiêu thụ còn nhỏ hẹp. Ðể nâng cao vị thế, phát huy được hiệu quả phát triển nền nông nghiệp, Ðiện Biên cần có những giải pháp và lộ trình cụ thể.

Nông sản, ẩm thực đặc trưng của địa phương được giới thiệu tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Tuần Giáo. Ảnh: Phạm Dương

Ông Vũ Hồng Sơn, Giám đốc Sở Công Thương

Tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp

Trong thời gian qua, mặc dù dịch bệnh Covid-19 tác động mạnh tới hoạt động xúc tiến thương mại; nguồn kinh phí của tỉnh dành cho hoạt động xúc tiến thương mại còn hạn chế so với nhu cầu của doanh nghiệp; trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, việc đầu tư thiết bị, công nghệ sản xuất và xây dựng thương hiệu sản phẩm còn hạn chế nhưng Sở Công Thương đã tích cực, chủ động triển khai hoạt động xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm nông sản nói chung và sản phẩm OCOP của tỉnh nói riêng. Ðặc biệt là hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xây dựng, quảng bá và giới thiệu sản phẩm OCOP. Qua đó góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

Khách hàng tham quan các sản phẩm OCOP trưng bày, giới thiệu tại Chương trình trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh Ðiện Biên và các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2020.

Năm 2020, Sở Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát, hướng dẫn 12 tổ chức, cá nhân xây dựng, quảng bá và giới thiệu sản phẩm OCOP tại các huyện Tủa Chùa, Mường Ảng và Ðiện Biên Ðông. Ðồng thời hướng dẫn các chủ thể đã có sản phẩm được công nhận đạt sao OCOP tiếp tục hoàn thiện nâng cấp sao. Ðối với các cơ sở có sản phẩm chuẩn bị hồ sơ tham gia, cơ quan chuyên môn tập trung hướng dẫn các chủ thể đăng ký tham gia chương trình OCOP nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Ngành Công Thương cũng tổ chức đoàn doanh nghiệp tỉnh trực tiếp tham gia 12 hội chợ, triển lãm thương mại; kết nối hỗ trợ, các doanh nghiệp tham gia 33 Hội chợ, triển lãm thương mại trong nước; tổ chức 6 phiên chợ hàng Việt, 1 phiên chợ thương mại biên giới; hỗ trợ 5 doanh nghiệp, HTX bộ giải pháp xúc tiến bán hàng online bằng phương thức tiếp thị đa kênh; hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh… Thông qua hoạt động xúc tiến thương mại đã góp phần vào việc kết nối cung cầu giữa tỉnh ta với các tỉnh, thành phố trong nước. Từ đó đẩy mạnh giao thương các sản phẩm nông sản nói chung, sản phẩm OCOP của tỉnh nói riêng.

Tỉnh ta có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp, với những nông sản đặc trưng. Thời gian tới, để hoạt động xúc tiến thương mại cho nông sản của tỉnh đạt hiệu quả cao, góp phần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, ngành Công Thương tiếp tục tăng cường các giải pháp cụ thể như: Cung cấp thông tin xúc tiến thương mại; hỗ trợ các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan trong việc kết nối, trao đổi, khai thác thông tin xúc tiến thương mại thông qua hoạt động tham gia các Hội chợ triển lãm thương mại, hội nghị để quảng bá hình ảnh nông sản của tỉnh ra thị trường trong và ngoài nước; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư thiết bị, công nghệ sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Ðồng thời tăng cường tổ chức, tham gia các khóa đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng thông tin xúc tiến thương mại cho cán bộ làm công tác xúc tiến thương mại và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Lan Phương (ghi)

Ông Ðiêu Văn Oai, Giám đốc HTX Lay Nưa, bản Ho Luông 2, xã Lay Nưa (thị xã Mường Lay)

Vướng mắc lớn nhất là tìm đầu ra và thương hiệu cho sản phẩm

Một trong những thách thức lớn nhất đối với nhiều sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh sau khi được chứng nhận về chất lượng, xuất xứ, để có thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường đó là đầu ra cho sản phẩm. Bởi hầu hết quy mô sản xuất của các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh rất nhỏ, chưa có mạng lưới, hệ thống bán hàng tại các thị trường lớn, thiếu kinh phí để đầu tư quảng bá, giới thiệu sản phẩm nên lượng khách hàng tiếp cận và sử dụng sản phẩm còn hạn chế. Ðơn cử như sản phẩm khẩu xén ở Mường Lay. Từ một loại bánh truyền thống làm từ gạo và sắn, có hương vị thơm ngon dùng trong gia đình, người dân thị xã Mường Lay đã phát triển thành sản phẩm hàng hóa đặc trưng. Tháng 12/2019, sản phẩm bánh khẩu xén Mường Lay được Hội đồng xét duyệt sản phẩm OCOP cấp tỉnh công nhận. Hiện nay, HTX Lay Nưa đang thực hiện liên kết sản xuất với 13 hộ dân bản Bắc 2, xã Lay Nưa để sản xuất, phân phối bánh khẩu xén theo chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn, góp phần giới thiệu, quảng bá sản phẩm truyền thống của địa phương tới các tỉnh thành trong cả nước. Trung bình mỗi tháng HTX tiêu thụ từ 5 - 6 tạ bánh với giá bán từ 50.000 - 60.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do quy mô của HTX nhỏ, kinh phí hoạt động hạn hẹp nên thị phần sản phẩm trên thị trường còn hạn chế. Ðể tìm đầu ra cho sản phẩm, hầu hết các thành viên HTX phải tự liên hệ, tìm thị trường tiêu thụ, do đó lượng khách hàng tiếp cận và sử dụng còn rất khiêm tốn. Hiện nay, sản phẩm bánh khẩu xén của HTX chủ yếu được xuất bán đi tỉnh Lai Châu, Hà Nội và huyện Mường Nhé.

Thời gian qua, HTX đã được tạo điều kiện tham gia 2 chương trình hội chợ, triển lãm ở trong và ngoài tỉnh để giới thiệu sản phẩm. Tôi nhận thấy đây là kênh để đưa sản phẩm nông sản đến với người tiêu dùng nhanh hơn, bởi số lượng khách hàng liên hệ và đặt hàng với HTX cũng tăng lên sau khi chúng tôi tham gia hội chợ. Thời gian tới, bên cạnh nỗ lực của HTX, chúng tôi rất mong các cấp, ngành có liên quan tạo điều kiện để HTX tham gia nhiều hơn nữa các sự kiện, hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh để giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng, tạo đầu ra ổn định.

Ðức Huy (ghi)

Ông Nguyễn Hữu Tân, thôn Thanh Ðông, xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên)

Tạo điều kiện cho nông dân tham gia chuỗi liên kết

Ðể phát triển nông sản chất lượng cao, một trong những giải pháp hiệu quả là tạo điều kiện cho nông dân tham gia vào chuỗi liên kết. Bởi việc liên kết không chỉ nâng cao chất lượng nông sản mà còn giúp người dân tiếp cận những phương pháp sản xuất tiên tiến, sản phẩm được tiêu thụ với giá cả ổn định, an toàn, ít rủi ro. Ðồng thời, doanh nghiệp cũng chủ động được nguồn cung sản phẩm, chất lượng được quản lý. Bản thân tôi trước đây khi chưa tham gia vào mô hình sản xuất theo hướng liên kết, thì hầu hết diện tích sản xuất rau, củ, quả của gia đình đều được trồng theo phương pháp truyền thống, quá trình chăm sóc chỉ dựa vào kinh nghiệm tích lũy được, sản phẩm làm ra cũng chủ yếu bán tại các chợ trên địa bàn. Năm 2015, sau khi cùng một số hộ nông dân khác thành lập Hợp tác xã rau, củ, quả an toàn Thanh Ðông, chúng tôi cùng áp dụng “bộ quy tắc ứng xử” khi trồng rau an toàn dưới sự hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật của Sở Khoa học và Công nghệ. Theo đó, để có những sản phẩm rau, củ, quả đạt tiêu chuẩn an toàn, các thành viên được hướng dẫn các bước trồng và chăm sóc rau an toàn và phải tuân thủ theo đúng quy trình sản xuất từ khâu làm đất, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, cách ủ phân sinh học đến khâu thu hoạch… Ví dụ như cây cà chua, giai đoạn 1,5 tháng tuổi rất dễ bị nấm đốt rụt ngọn và rệp trắng đốt xoăn lá. Trước đây chúng tôi sẽ mua thuốc hóa học trừ nấm, trừ rệp về để phun. Tuy nhiên, nếu trồng theo phương pháp rau an toàn, chúng tôi được hướng dẫn nên phun thuốc vi sinh và phun vào buổi chiều thì hiệu quả phòng trừ bệnh sẽ cao hơn, chất lượng cà chua cũng đảm bảo hơn.

Chất lượng nông sản được nâng lên, đạt tiêu chuẩn an toàn, từ năm 2016 chúng tôi đã thực hiện liên kết sản xuất rau, củ, quả an toàn cho Công ty TNHH Thực phẩm SafeGreen Ðiện Biên, với sản lượng tiêu thụ hơn 100 tấn/năm, mang lại doanh thu ổn định cho các thành viên. Dù diện tích canh tác rau an toàn còn nhỏ, thu nhập chưa thực sự cao nhưng tôi nhận thấy hình thức sản xuất theo hướng liên kết là bước đi đúng đắn, góp phần quan trọng trong việc giải bài toán về chất lượng nông sản. Nhất là sử dụng thực phẩm an toàn đang trở thành nhu cầu cấp thiết khi mà tình trạng sử dụng hóa chất tràn lan trong sản xuất, bảo quản, gây nên mối lo ngại cho sức khỏe người tiêu dùng như hiện nay.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn chưa có nhiều chuỗi liên kết sản xuất để thu hút người dân tham gia. Vì vậy, chúng tôi mong chính quyền, các cơ quan chức năng cần tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng mô hình liên kết sản xuất nông sản cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân được tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản.

Thu Hằng (ghi)

Bình luận
Back To Top