Giải bài toán năng suất bằng trí tuệ nhân tạo

10:39 - Thứ Năm, 21/01/2021 Lượt xem: 3267 In bài viết

Trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) hiện nay, vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI) cả trong sản xuất và cuộc sống càng được khẳng định. Việc phát triển AI đã góp phần cắt giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động và giải quyết nhiều vấn đề khó khăn của doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, việc đưa AI vào các hoạt động sản xuất của DN còn nhiều khó khăn cần khắc phục.

AI có nhiều tiềm năng ứng dụng

Nói về tiềm năng ứng dụng AI, theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng: Trong số những công nghệ của cuộc CMCN 4.0, AI có nhiều tiềm năng ứng dụng để nâng cao hiệu quả sản xuất. Bởi AI hoạt động trên nguyên tắc phân tích lượng dữ liệu khổng lồ, có khả năng giải quyết những vấn đề của các ngành. Vì vậy, AI được dự báo sẽ trở thành một trong những công nghệ hàng đầu trong cuộc CMCN 4.0.

Ngân hàng TMCP Tiên phong (TP Bank) ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giao dịch bằng nhận diện khuôn mặt. 

Những năm gần đây, nhiều DN Việt Nam đã mạnh dạn ứng dụng AI vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD), đem lại hiệu quả cao. Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết: "VietinBank đã ứng dụng AI trong đào tạo và giải quyết vướng mắc nội bộ. Với mạng lưới lớn ở khắp 63 tỉnh, thành phố, VietinBank có hàng trăm nghìn nhân viên. Mỗi nhân viên có những thắc mắc về hoạt động hay việc xử lý giao dịch với khách hàng. Từ những tình huống hay gặp phải của nhân viên, các dữ liệu sẽ được cung cấp cho chatbot và từ đó tự động trả lời nhân viên để giải đáp các thắc mắc trong nghiệp vụ nội bộ của ngân hàng. Thay vì việc phải chờ sự giúp đỡ từ các bộ phận, nhân viên hoàn toàn có thể chat với chatbot để nhận được câu trả lời nhanh gọn. Đây là bài toán cụ thể giúp cho chất lượng dịch vụ được cải tiến, nhân viên được đào tạo, hướng dẫn, giải đáp những vướng mắc một cách nhanh gọn hơn".

Theo ông Nguyễn Xuân Phong, chuyên gia nghiên cứu AI, Viện nghiên cứu AI Mila (Canada): Ngoài những ứng dụng trong KYC (định danh điện tử), AI còn mang lại nhiều thành tựu trong lĩnh vực khác, như: Dịch vụ dịch thuật, thành phố thông minh, quản lý đô thị, giao thông...  “AI có thể len lỏi vào mọi ngành, điều quan trọng là cần có chiến lược mũi nhọn của quốc gia, chọn ra thế mạnh trong nông nghiệp, y tế... để phát huy”, ông Nguyễn Xuân Phong nhấn mạnh.

Doanh nghiệp cần chọn mô hình AI phù hợp

Việc ứng dụng AI trong SXKD giúp các DN cắt giảm chi phí, tăng năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng còn nhiều khó khăn cần giải quyết. Ông Nguyễn Thành Lâm, Giám đốc khối sản phẩm ứng dụng, Viện nghiên cứu AI VinAI Research (Tập đoàn Vingroup) cho biết: "Ứng dụng AI vào SXKD vẫn ở giai đoạn sớm, tổng doanh số của ngành phần mềm AI trên toàn cầu chỉ đạt khoảng 20 tỷ USD, trong khi phần mềm truyền thống đạt hơn 500 tỷ USD khiến nhiều DN chưa dám mạnh dạn đầu tư". Đề cập tới khó khăn khác, ông Nguyễn Hoàng Tùng, Tổng giám đốc Công ty VVN nhận định: Nhiều DN hiện nay còn thiếu nguồn dữ liệu cho máy học, thiếu thị trường tiêu thụ. Nếu không có dữ liệu tốt thì AI cũng không chạy tốt. Bên cạnh đó, khi phát triển một sản phẩm AI để phù hợp với thị trường còn nhiều khó khăn. Không chỉ vậy, việc ứng dụng AI vào SXKD đòi hỏi mỗi DN phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, vừa có hiểu biết về AI, vừa nắm được kiến thức chuyên sâu của mỗi DN.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, nguồn nhân lực Việt Nam hoàn toàn đủ sức để giải quyết những bài toán lớn về AI. Chính phủ đang thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số, nhờ đó trình độ kỹ sư công nghệ thông tin của Việt Nam tăng lên rất nhanh, tạo tiền đề giúp các DN Việt Nam tự tin ứng dụng AI vào các hoạt động SXKD. Ông Trần Công Quỳnh Lân chia sẻ: "VietinBank luôn chú trọng việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua việc phối hợp với các viện nghiên cứu, các trường đại học để đưa những kiến thức của ngành tài chính-ngân hàng kết hợp với kiến thức chuyên môn sâu về AI của các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu".

Đề xuất những giải pháp gỡ khó cho DN trong ứng dụng AI, ông Nguyễn Hoàng Tùng kiến nghị: Việc ứng dụng AI nên bắt đầu từ những vấn đề, khó khăn của DN. Một trong những hướng tiếp cận ứng dụng AI hiện nay là DN phải hiểu khách hàng, xem ứng dụng AI cần dữ liệu nào, lấy các cơ sở dữ liệu kết hợp, xử lý và cho ra mô hình AI, rồi chạy qua các dịch vụ điện toán đám mây có sẵn để đạt kết quả. Các DN có nhu cầu ứng dụng AI nên chọn ứng dụng, mô hình có sẵn, chỉ cần nhập dữ liệu của mình vào là sẽ có kết quả mong muốn. Do đó, chỉ mất khoảng một tuần là có được mô hình AI phù hợp để đưa vào vận hành.

Bên cạnh đó, việc bổ sung chính sách hỗ trợ và hoàn thiện khung pháp lý sẽ thúc đẩy AI tại Việt Nam phát triển hơn nữa, đưa Việt Nam trở thành một quốc gia hùng cường thông qua ứng dụng công nghệ số. Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam nên kiến tạo môi trường chính sách và pháp lý nhằm khuyến khích đầu tư và tăng trưởng công nghệ số, mở cơ hội cho các DN Việt Nam đi ra biển lớn. Khuyến khích DN trong nước hợp tác với các đối tác quốc tế và trao đổi các thông lệ thực tiễn tốt nhất về việc sử dụng các ứng dụng công nghệ điện toán đám mây. Cho phép chia sẻ dữ liệu được bảo mật xuyên biên giới, tạo điều kiện cho việc chia sẻ kiến thức, chuyên môn và các công cụ góp phần thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam. Các cơ quan nhà nước cần phối hợp với DN, các nhà khoa học và học hỏi từ các nước phát triển để hoàn thiện hơn hành lang pháp lý của Việt Nam cho vấn đề này.

P.V (Theo QĐND)
Bình luận
Back To Top