Nông nghiệp Việt Nam cần những “đại bàng”, nhưng phải biết hợp lực phát triển đàn “chim sẻ”

16:45 - Thứ Sáu, 29/01/2021 Lượt xem: 3101 In bài viết

Theo Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Lê Minh Hoan: "Chúng ta muốn có nhiều “đại bàng” để dẫn dắt nhưng cũng không được quên những con “chim sẻ”; đó là những hợp tác xã, đó là những doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đầu tư ở các địa phương, mặc dù giá trị có thể không cao nhưng chúng ta hợp lực của các “chim sẻ” lại thì sẽ tạo ra hiệu quả lan tỏa".

Bên hành lang Đại hội XIII của Đảng, sáng 29-1, đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ NN - PTNT đã có cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề phát triển nền nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

* Phóng viên: Đồng chí đánh giá như thế nào về mô hình hợp tác xã trong hoạt động sản xuất nông nghiệp hiện nay?

 * Đồng chí Lê Minh Hoan: Giai đoạn tới, chúng ta phải đưa kinh tế hợp tác tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) vào một vị trí tương xứng với tiến trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Tôi cho rằng, cần xem đây như một cứu cánh để chúng ta vượt qua “lời nguyền” sản xuất manh mún, nhỏ lẻ như trong thời gian vừa qua của nền nông nghiệp đất nước. Với những gì ở Sơn La, Đồng Tháp, Gia Lai, Kon Tum… đang làm được, nếu cấp ủy, chính quyền ở các địa phương thấy được sự bức xúc, bức thiết của HTX, của kinh tế hợp tác trong vấn đề liên kết, đầu tư hỗ trợ cho người nông dân; tôi nghĩ rằng phong trào HTX của chúng ta trong thời gian tới sẽ phát triển một cách mạnh mẽ, bền vững hơn, là đòn bẩy để chúng ta kết nối những hộ sản xuất nhỏ lại với nhau, kích hoạt chuỗi hợp tác của nông dân với nhau, tạo liên kết giữa người nông dân, HTX và doanh nghiệp.

Câu chuyện của chúng ta là hợp tác và liên kết. Muốn vậy phải xác định, định vị được thị trường, thị trường sẽ điều chỉnh lại sản xuất, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật… Đó là những nội dung mà văn kiện Đại hội XIII đã đề cập đến. Văn kiện đã xác định rõ là hướng tới nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp bền vững và tuần hoàn.

Đồng chí Lê Minh Hoan trao đổi với báo chí vào sáng 29-1, tại Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: VIẾT CHUNG

* Đồng chí đánh giá như thế nào về việc thời gian vừa qua, nhiều tập đoàn tư nhân lớn đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp?

* Đó là một tín hiệu rất vui. Rất nhiều tập đoàn lớn trước đây không tham gia vào nông nghiệp thì gần đây đã đầu tư vào lĩnh vực này. Họ vẫn xác định rằng, nông nghiệp không phải là lĩnh vực sinh lời ngay và cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Nhưng, nhiều doanh nghiệp tâm huyết với nông nghiệp và muốn đầu tư cho nông nghiệp không phải với mục đích chỉ làm giàu cho doanh nghiệp mình mà tạo ra một cú hích để thay đổi hình ảnh nông nghiệp Việt Nam.

Đó mới là giá trị cao nhất của việc doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam. Từ giá trị đó, các doanh nghiệp trong thời gian qua đã tạo ra được thế để đưa nông sản nước ta ra nước ngoài, cũng như chế biến nông sản ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.

Chúng ta trân trọng sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, bởi cơ cấu lại nông nghiệp thì phải có người dẫn dắt, đó chính là doanh nghiệp. Tuy nhiên, tôi cũng muốn chia sẻ rằng, trong tự nhiên cũng vậy thôi, sẽ có những con “đại bàng” và cũng sẽ có những con “chim sẻ”.

Chúng ta muốn có nhiều “đại bàng” để dẫn dắt nhưng cũng không được quên những con “chim sẻ”; đó là những HTX, đó là những doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đầu tư ở các địa phương, mặc dù giá trị có thể không cao nhưng chúng ta hợp lực các “chim sẻ” lại thì sẽ tạo ra hiệu quả lan tỏa. Nhất là các chương trình đổi mới sáng tạo hay khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cũng sẽ là ưu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian tới.

Những doanh nghiệp, những bạn trẻ trở về từ các đô thị lớn, hấp thụ được tri thức, công nghiệp hiện đại sẽ trở về khởi nghiệp trong các lĩnh vực cụ thể của nông nghiệp từ phân loại, bảo quản, phân phối sản phẩm, thương mại điện tử..., sẽ có tác động lan tỏa ở cộng đồng sẽ không kém gì các con “đại bàng”…

* Hướng tới mục tiêu năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, theo đồng chí, nông nghiệp sẽ đóng vị trí, vai trò như thế nào trong nền kinh tế đất nước? Chúng ta có học hỏi mô hình của quốc gia hiện đại nào trong việc phát triển lĩnh vực nông nghiệp hay không?

* Chúng ta đã có sự giao thoa, giao lưu với các nước để chắt lọc các kinh nghiệm, giá trị trong sự phát triển nông nghiệp của các quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Israel và Thái Lan...

Rõ ràng, khi chúng ta chắt lọc các giá trị đó thì phải tìm ra được “từ khóa” vì mỗi đất nước, mỗi quốc gia lại có lịch sử, nền văn hóa và xuất phát điểm khác nhau. Có một điểm chung là chúng ta phải tạo thành chuỗi giá trị và phải thay đổi nhận thức chỉ hỗ trợ đầu vào cho sản lượng cao lên, bây giờ phải kích hoạt đầu ra để tạo được đầu ra ổn định.

Khi đầu ra được kích hoạt thông suốt thì đầu vào tự động điều chỉnh theo, co giãn theo thị trường và lúc đó, chúng ta có thể trở thành không chỉ một quốc gia xuất khẩu nông sản tươi ở tốp đầu thế giới, mà còn xuất khẩu những sản phẩm công nghiệp thực phẩm từ nông sản của chúng ta.

Đó mới là hình ảnh nông nghiệp của chúng ta trong tương lai. Đó là cả một hệ sinh thái nông nghiệp với sự tham gia của các viện, trường, chuyên gia nông nghiệp, các nhà quản lý, rất nhiều bộ, ngành khác nhau.

Một vấn đề khác, là câu chuyện liên kết giữa các vùng nguyên liệu, thông tin thị trường cần được cập nhật thường xuyên đến người sản xuất. Thông thường, chúng ta hay nói nông dân làm theo đám đông, thấy người khác làm thì mình cũng làm.

Nói vậy cũng hơi oan cho người nông dân, vì họ biết thị trường ở đâu. Thấy ông chủ vườn kế bên trúng quá thì họ dễ chạy theo, đốn cây này để trồng cây kia. Như vậy có thể thấy, còn có lỗ hổng trong thông tin thị trường, trong sự khuyến cáo của cơ quan quản lý nhà nước.

* Sản xuất nông nghiệp đòi hỏi phải tích tụ ruộng đất, cần cơ chế như thế nào để doanh nghiệp có thể tích tụ được ruộng đất phục vụ sản xuất nông nghiệp, thưa đồng chí?

* Hiện nay, có hai mô hình doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Mô hình đầu tiên là doanh nghiệp muốn có quỹ đất lớn, lên đến hàng ngàn héc ta để tạo ra vùng nguyên liệu ổn định, đầu tư nhà máy chế biến. Nhưng mô hình ngược lại cũng không cần diện tích đất lớn mà tạo ra sự liên kết giữa các vùng nguyên liệu xung quanh. Mỗi mô hình có một hướng đi khác nhau.

Dù hướng đi nào thì chúng ta cũng phải nghĩ đến câu chuyện người nông dân đang canh tác trên mảnh đất đó. Có thể họ cho thuê, có thể họ bán, theo những chính sách sẽ được xác lập để tạo ra quy mô lớn hơn. Bài toán việc làm cho những người nông dân đó như thế nào?

Để doanh nghiệp ôm một quỹ đất lớn nhưng người nông dân phải đi ra ngoài, đâu phải ai cũng vào nhà máy làm được? Nếu doanh nghiệp chỉ tập trung đất để tạo ra quy mô sản xuất lớn thì không tạo ra được nhiều việc làm. Vì nhiều khi sản xuất quy mô lớn, bằng công nghệ hiện đại thì nông dân lại không có việc làm nữa.

Tôi hay trao đổi với địa phương, mỗi doanh nghiệp đến đầu tư, chúng ta phải khuyến cáo doanh nghiệp phải tạo ra được chuỗi ngành hàng hóa. Bởi, chuỗi ngành hàng hóa đó tạo ra rất nhiều việc làm, đồng thời thu hút được trí thức trẻ về, vừa đưa người nông dân canh tác trên mảnh đất đó vào làm việc trong chuỗi ngành hàng đó thông qua công tác đào tạo của doanh nghiệp, đào tạo chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn của nhà nước.

Như vậy, câu chuyện doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp mới bền vững. Sẽ xảy ra những vấn đề về mặt xã hội ở nông thôn nếu chúng ta không bình tĩnh, không ngồi để phân tích từng dự án một. Điều quan trọng trong tư duy phát triển không chỉ là tăng trưởng mà tăng trưởng đó tạo ra được bao nhiêu việc làm cho xã hội.

Con người là mục tiêu, là động lực. Nếu tăng trưởng GDP chỉ nằm ở một nhóm người thì khác, mà tăng trưởng đó tác động đến nhiều nhóm người lại là một vấn đề khác.

* Xin cảm ơn ông!

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top