Khai thác lợi thế bên sông

16:55 - Thứ Tư, 03/02/2021 Lượt xem: 4184 In bài viết

ĐBP - Những tháng cuối năm là thời điểm đẹp nhất trên lòng hồ sông Ðà. Mực nước dâng cao, trong vắt, soi bóng những dãy núi đá vôi trùng điệp. Ðây cũng là khoảng thời gian người dân thôn Huổi Trẳng, xã Tủa Thàng (huyện Tủa Chùa) có thu nhập cao nhất trong năm nhờ mưu sinh từ sông nước. Từ ngày di vén, tái định cư đến nơi ở cao hơn để phục vụ công trình thủy điện quốc gia, thay vì quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” trên các mảnh nương dốc đứng, thì nay gần như mọi hoạt động sản xuất tạo thu nhập của người dân Huổi Trẳng đều thực hiện trên lòng hồ sông Ðà.

Gia đình chị Lò Thị Dơn, thôn Huổi Trẳng, xã Tủa Thàng (huyện Tủa Chùa) kiểm tra đàn cá lồng trên lòng hồ sông Ðà.

Gần 10 giờ sáng, anh Lò Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Tủa Thàng đưa tôi lên thuyền tham quan lòng hồ. Anh Lâm lý giải: Mùa này, buổi sáng ở đây sương mù dày đặc, hạn chế tầm nhìn nên để chụp được ảnh đẹp phải đợi sương tan mới “ra khơi” được.

Ðiểm chúng tôi ghé thuyền đầu tiên là đảo ông Vận. Ngày trước, đây là một ngọn đồi trọc. Từ ngày Thủy điện Sơn La đóng đập, tích nước ngọn đồi biến thành một hòn đảo giữa hồ nước mênh mông. Khi nước dâng đỉnh điểm, hòn đảo rộng khoảng 2ha, trên đảo chỉ toàn cỏ tranh và gỗ tạp. Sở dĩ có tên gọi đảo ông Vận là do từ năm 2009, gia đình ông Lò Văn Vận đã xin phép chính quyền địa phương cho mượn ngọn đồi để phát triển kinh tế.

Khi chúng tôi đến, vợ chồng chị Lò Thị Dơn, con gái ông Vận đang cặm cụi chế biến thức ăn cho cá nuôi trong lồng trên mặt hồ. Căn nhà nổi đơn sơ chỉ có 1 chiếc giường, 1 chỗ nhỏ quây thành bếp. Chị Lò Thị Dơn kể: Vợ chồng tôi theo bố xuống đây phát triển kinh tế gần 10 năm rồi. Những năm đầu tiên, chúng tôi chỉ tập trung phát triển chăn nuôi dê và gà đồi. Có thời điểm, tổng đàn dê lên đến 200 con, đàn gà 300 con. Mỗi năm thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Ðến năm 2015, gia đình tôi chuyển dần từ nuôi dê sang nuôi trâu bò. Ðến nay, đàn dê còn khoảng 50 con, đàn trâu bò 30 con, đàn gà vẫn duy trì như thế. Nhìn chung, thu nhập từ chăn nuôi rất ổn định, gia đình từ khó khăn đến nay cũng có của ăn của để.

“Thế còn mấy lồng cá kia?”- Tôi hỏi. “Cái đấy mới mấy năm gần đây thôi!”- chị Dơn giải thích “Trước đây, chúng tôi chỉ biết chăn nuôi, làm nương thôi chứ mấy ai biết chèo thuyền, nuôi cá đâu. Từ ngày ra đảo, gắn bó với sông nước, gia đình mới học đấy. Mới đầu cũng chỉ đánh bắt bằng vó bè truyền thống. Ðược ít lâu, đàn cá khôn hơn, không vào vó nữa. Ðến năm 2016, sau chuyến đi theo thuyền hàng xuôi về Sơn La, bố tôi thấy người ta nuôi cá trong lồng sắt trên lòng hồ, cho năng suất, lợi nhuận cao nên đã tìm tòi làm theo. Hiện nay gia đình tôi có 6 lồng cá, chủ yếu nuôi cá lăng, nheo và trắm đen. Thu nhập thì cũng ổn nhưng bận rộn, vất vả lắm. Buổi sáng, tôi lên đảo cho trâu, bò, dê, gà ăn; gần trưa nếu có khách đặt cơm lại phải loay hoay vào bếp; chiều lại cho cá ăn; tối đến cùng chồng đi thả câu và rọ tôm để sáng sớm hôm sau đi thu”.

“Làm cơm khách?”- Tôi ngạc nhiên. “À, 2 năm gần đây khách du lịch tham quan lòng hồ khá nhiều. Ðảo ông Vận là điểm dừng chân lý tưởng nên các đoàn thường liên hệ đặt cơm gia đình tôi. Từ đấy, nhà tôi kiêm luôn dịch vụ này. Thời gian tới, gia đình tôi đang tính đầu tư trang trí một số tiểu cảnh trên đảo để phục vụ du khách lúc nghỉ ngơi” - chị Dơn nói.

Anh Lò Tùng Lâm cho biết thêm: Thời gian qua, một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã nhiều lần đặt vấn đề với UBND xã về việc đầu tư xây dựng điểm tham quan, dịch vụ du lịch trên đảo ông Vận. Thôn Huổi Trẳng thuộc tuyến du lịch đường thủy trên sông Ðà đi qua 4 tỉnh: Lai Châu, Ðiện Biên, Sơn La, Hòa Bình. Hiện nay, UBND xã Tủa Thàng đang trình xin ý kiến của UBND huyện.

Rời đảo ông Vận, thuyền chúng tôi tiến về khu vực tập trung các hộ nuôi cá lồng ở thôn Huổi Trẳng. Ðược biết, hiện nay toàn xã có 34 hộ nuôi cá lồng trên lòng hồ, trong đó chủ yếu là các hộ tại thôn Huổi Trẳng và vài hộ tại thôn Phi Giàng 1, 2 và Tà Huổi Tráng. Toàn bộ các lồng cá được người dân nuôi tập trung tại một vùng lõm, 3 mặt giáp rừng. Ông Lò Văn Yến, thôn Huổi Trẳng cho biết: Mùa nước rút thì bắt buộc phải cho lồng cá theo dòng. Còn mùa nước nổi, người dân chọn những hẻm núi làm điểm đặt lồng cá vì có nhiều thức ăn tự nhiên. Nghề nuôi cá lồng là nghề mới ở Huổi Trẳng nhưng hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với canh tác trên nương. Từ năm 2018 đến nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thường xuyên triển khai các dự án hỗ trợ lồng bè, con giống, tập huấn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm, khuyến khích người dân gắn bó với nghề này. Nhờ đó, số lồng cá xuất hiện ngày càng nhiều; nhiều hộ dân đã tự vay vốn đầu tư nuôi cá lồng.

Thuyền gần cập bến Huổi Trẳng, chỉ tay đàn trâu trên bờ, ông Lò Văn Yến nói với tôi: “Ðàn trâu đang chờ thuyền đi Sơn La đấy. Bây giờ trâu bò, hàng hóa, nông sản đều vận chuyển bằng đường thủy. Người dân các xã giáp ranh thuộc tỉnh Lai Châu, Sơn La thường xuyên đi thuyền sang đây để khám bệnh hoặc đi chợ. Do đó, nghề lái thuyền phát triển và thu nhập ổn định. Ở Huổi Trẳng, gần như 100% hộ đều có thuyền. Ngoài ra, vào các ngày 4, 14 và 24 hàng tháng, tại bến sông này người dân tổ chức họp chợ, thương lái các tỉnh Hòa Bình, Sơn La đều về đây mua bán, trao đổi hàng hóa sôi động lắm. Nói chung, cuộc sống ở Huổi Trẳng đã đổi mới hơn trước nhiều rồi”.

Hồ thủy điện tích nước, sông Ðà trở nên hiền hòa, yên ả tạo điều kiện phát triển cho những địa bàn dân cư dọc đôi bờ. Người dân Huổi Trẳng và các thôn lân cận cũng vậy. Lợi thế ven sông đang được “đánh thức” thành sinh kế để phục vụ cuộc sống, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo!

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top