Kinh tế Việt Nam có sức chống chịu tốt nhưng chưa tiến triển vững chắc

15:58 - Thứ Tư, 31/03/2021 Lượt xem: 2055 In bài viết

Việt Nam đã chống chịu rất tốt trong khủng hoảng do Covid-19, nhưng tiến triển chưa vững chắc. Đây là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng năm 2021: Ứng phó và vượt qua đại dịch Covid-19, hướng tới phục hồi và phát triển” do Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức ngày 31-3.

Ảnh minh họa.

Đại dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện từ tháng 1-2020, đã ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế năm 2020 chỉ đạt 2,91% - mức thấp nhất trong gần 2 thập niên qua. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trên thế giới.

Song, theo nhóm các chuyên gia của Trường Đại học Kinh tế quốc dân, việc đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% năm 2021 theo kế hoạch của Chính phủ là rất khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Dịch Covid-19 vẫn chưa được khống chế hoàn toàn tại Việt Nam, các hoạt động kinh tế - xã hội chưa thể trở về trạng thái bình thường.

Theo Tiến sĩ Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý khoa học, trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, động lực tăng trưởng kinh tế năm 2021 vẫn tiếp tục đến từ khu vực kinh tế đối ngoại. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng khu vực kinh tế này còn phụ thuộc nhiều từ bên ngoài.

“Đầu tư công cũng sẽ đóng góp đáng kể vào tăng trưởng 2021, bù đắp cho đầu tư khu vực ngoài nhà nước gặp khó khăn do đại dịch. Tuy vậy, dư địa tài khóa không còn nhiều, nên khả năng mở rộng đầu tư công một cách mạnh mẽ để tăng trưởng sẽ khó có thể kéo dài”, Tiến sĩ Tô Trung Thành nhận định.

Theo Tiến sĩ Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, lạm phát năm 2021 được dự báo sẽ đạt mục tiêu dưới 4% do thu nhập và nhu cầu của người tiêu dùng còn khó khăn, sức tiêu thụ xã hội hạn chế. Tuy nhiên, mức lạm phát có thể cao hơn nếu có sự tăng giá của bất động sản, chứng khoán và sự tăng giá của các mặt hàng do Nhà nước quản lý...

Từ đó, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần có sự điều hành linh hoạt, theo dõi những diễn biến trên thị trường quốc tế, khơi thông nguồn lực nội địa và dư địa, từ đó có phản ứng phù hợp để “gạn đục khơi trong”; thúc đẩy kinh tế tăng trưởng tối đa.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top