Ðể nông nghiệp phát triển bền vững

08:22 - Thứ Năm, 01/04/2021 Lượt xem: 4695 In bài viết

ĐBP - Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIV xác định 8 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2020 - 2025; trong đó nhiệm vụ đầu tiên là phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, phát triển bền vững. Ðiều đó cho thấy Ðảng bộ tỉnh đã xác định rõ vai trò của sản xuất nông nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cũng là khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng lòng chảo Mường Thanh - vựa lúa gạo vùng Tây Bắc. Ðưa nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững là chủ trương và hướng đi đúng nhưng làm thế nào để nông nghiệp tỉnh ta phát triển bền vững thì cần chương trình hành động, giải pháp cụ thể; đặc biệt cần sự quan tâm trong công tác quy hoạch, quản lý, điều hành, chính sách đối với nông nghiệp…

Những năm qua, thực hiện các nghị quyết của Ðảng, Chính phủ trọng tâm là Nghị quyết số 26 “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, sản xuất nông nghiệp, đời sống nông dân khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh có sự đổi thay đáng kể. Nông dân tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ chọn giống, gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch; bước đầu hình thành các vùng sản xuất cây trồng chuyên canh như lúa gạo cánh đồng Mường Thanh, cà phê Mường Ảng, chè Tủa Chùa; một số mô hình cánh đồng lớn được triển khai. Kết quả đó đã góp phần thay đổi thói quen canh tác truyền thống của nông dân, cho năng suất, chất lượng cao hơn.

Trong 5 năm gần đây, tỉnh thực hiện đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới thu được nhiều kết quả quan trọng. Sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm trong đó trọng tâm là tổ chức lại sản xuất, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện từng vùng; xây dựng một số cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhờ vậy, tổng sản lượng lương thực có hạt của tỉnh năm 2020 đạt trên 270 nghìn tấn; phát triển các vùng trồng cây cao su, cà phê, chè; nuôi trồng thủy sản tăng cả diện tích và chất lượng. Toàn tỉnh có 37 xã đạt và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã dưới 5 tiêu chí và thị xã Mường Lay đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới cấp huyện.

Những kết quả đạt được đã thể hiện nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và người dân toàn tỉnh trong khai thác tiềm năng, thế mạnh về sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp bền vững lại là câu chuyện khác mà tỉnh ta còn nhiều hạn chế trong tổ chức thực hiện. Ðó là sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương trong tỉnh vẫn manh mún; hạ tầng giao thông, thủy lợi không đáp ứng yêu cầu sản xuất; chưa có nhiều mô hình cánh đồng lớn chủ yếu thực hiện thí điểm khi dự án kết thúc mô hình cũng dừng triển khai. Vấn đề quan trọng là tìm đầu ra cho nông sản còn khó khăn, vẫn xảy ra tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa; nông dân lựa chọn cây trồng theo kiểu đua nhau trồng khi giá cao, chặt bỏ khi rớt giá, khó tiêu thụ. Cùng với đó là việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác, chưa thực sự hướng tới mục tiêu sản xuất gắn với bảo vệ môi trường…

Ðể nông nghiệp phát triển bền vững thì quá trình canh tác, sản xuất cần thay đổi thói quen, nếp nghĩ cũ chuyển sang hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao như nhiệm vụ trọng tâm Ðảng bộ tỉnh đã xác định. Theo đó, tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương gắn với xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp. Ðiều này không thể chỉ là nghị quyết, định hướng mà cần sự quy hoạch rõ ràng vùng, khu vực cây trồng, vật nuôi bám sát thị trường để sản xuất thứ thị trường cần, thiếu. Cấp ủy, chính quyền các cấp tuyên truyền để người dân hiểu rõ và áp dụng khoa học kỹ thuật trong gieo trồng, chăn nuôi theo hướng cung cấp nông sản an toàn; gắn kết giữa sản xuất với tiêu thụ theo mô hình liên kết sản xuất. Việc xây dựng và phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất là cần thiết và phù hợp với người dân. Cần thêm những chính sách cụ thể khuyến khích liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp từ cung cấp giống cây trồng, vật nuôi cho tới chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm; thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình theo hướng trang trại, gia trại. Ðồng thời, xây dựng cơ chế thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; tạo điều kiện để các hợp tác xã, tổ hợp tác tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Vai trò của các tổ chức hội, đoàn thể như nông dân, phụ nữ, thanh niên cần được thể hiện rõ trong tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên, đoàn viên của mình khai thác tiềm năng, đồng đất địa phương, định hướng đầu tư phù hợp phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.

Phát triển nông nghiệp bền vững cần định hướng, chiến lược dài hơi và những chính sách hỗ trợ cụ thể; sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền trong tạo cơ chế, hỗ trợ sản xuất và sự nỗ lực của người dân trong quá trình sản xuất. Và hơn hết, mục tiêu cốt lõi của nông nghiệp bền vững là tăng hiệu quả sản xuất, đảm bảo môi trường sinh thái; thúc đẩy ổn định kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nông dân.

Hà Anh
Bình luận
Back To Top