Nông dân Tủa Chùa chăm sóc cây trồng vụ đông xuân

09:16 - Thứ Sáu, 02/04/2021 Lượt xem: 2993 In bài viết

ĐBP - Ðến thời điểm này, huyện Tủa Chùa đã gieo cấy 581ha lúa vụ đông xuân, đạt 102% kế hoạch; 133ha ngô xuân; phát dọn, cày ải 5.020ha ngô nương và 463/1.167ha lúa nương. Trên những cánh đồng lớn tại các xã: Mường Báng, Sính Phình, Xá Nhè và thị trấn Tủa Chùa người dân tích cực thăm đồng, chăm sóc cây trồng vụ đông xuân, trong đó tập trung theo dõi tình hình phát triển của cây trồng thế mạnh, như: Lúa nước, lúa nương, ngô.

Vụ đông xuân này, thị trấn Tủa Chùa là địa bàn có diện tích lúa nước lớn nhất huyện với 162ha (đạt 103% kế hoạch giao). Hiện nay, việc xuống giống cơ bản đã xong, người dân đang tích cực bón phân, chăm sóc để vụ thu hoạch đạt hiệu quả cao nhất. Vừa bón thúc cho lúa, ông Phạm Văn Thận, người dân thị trấn Tủa Chùa vừa chia sẻ: “Vụ này gia đình tôi cấy gần 3.000m2 ruộng. Trước khi chuẩn bị xuống giống, tôi đã thực hiện các biện pháp diệt cỏ mầm, bón phân lót, cày bừa kỹ nên đến nay cây lúa phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe”.

Cũng như ruộng lúa của ông Thận, những thửa ruộng của gia đình chị Quàng Thị Linh, đội 6, xã Mường Báng cũng xanh mơn mởn, chưa có dấu hiệu của sâu bệnh hại. Chị Linh cho biết: “Vụ này tôi cấy 3.000m2. Chủ yếu là giống nếp 98 địa phương, vai gãy. Những chân ruộng của gia đình có nước sớm nên tôi đã gieo cấy xong trước tết. Tôi đã kết thúc bón thúc lần 1 cách đây 2 tuần rồi. Giai đoạn này, tôi thường xuyên thăm đồng theo dõi sự phát triển của lúa cũng như phát hiện các sinh vật gây hại để phòng trừ kịp thời”.

Hiện nay cây lúa đang trong giai đoạn bén rễ, hồi xanh để đẻ nhánh, cơ quan chuyên môn huyện Tủa Chùa khuyến cáo người dân cần chú ý điều tiết nước hợp lý để cây lúa phát triển tốt. Trong thời gian tới, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, chiều tối và đêm xuất hiện các đợt không khí lạnh. Nắng nóng có khả năng xảy ra đan xen với các đợt không khí lạnh gây ra chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn. Ðây là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn, khô vằn, tập đoàn rầy... gây hại nặng. Thực tế qua thăm đồng kiểm tra tình hình dịch bệnh trên cây trồng tại địa bàn một số xã, thị trấn đã xuất hiện một số loại sâu, bệnh hại như: Ốc bươu vàng, khô vằn, tập đoàn rầy, ruồi đục lá gây hại trên cây lúa đông xuân.

Ông Mào Văn Bổn, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tủa Chùa cho biết: Ðể sản xuất vụ đông xuân đạt hiệu quả cao, trung tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc phòng và trừ các đối tượng sâu, bệnh hại trên cây trồng (đặc biệt trên cây lúa đông xuân trà muộn). Ðồng thời, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”. Khi phát hiện các đối tượng sâu bệnh gây hại người dân cần kịp thời báo cơ quan chuyên môn để hướng dẫn biện pháp xử lý.

Hiện nay cây ngô vụ đông xuân toàn huyện đã gieo trồng được 133ha, tập trung chủ yếu tại xã Sính Phình. Ngô đang trong giai đoạn sinh trưởng 3 - 4 lá. Qua kiểm tra tại cánh đồng ngô Tà Là Cáo, xã Sính Phình, cơ quan chuyên môn phát hiện sâu keo mùa thu phát sinh gây hại từ nhẹ đến trung bình. Ðây là đối tượng phòng trừ tương đối khó khăn và phức tạp vì con trưởng thành đẻ trứng liên tục, việc gối lứa sâu non rất nhanh. Trên một số cánh đồng ngô xã Sính Phình, mật độ sâu keo mùa thu trung bình 3 - 5 con/m2, nơi cao từ 10 con/m2. Diện tích nhiễm nhẹ khoảng 50ha, nhiễm cục bộ 10ha. Ðể hạn chế thấp nhất những thiệt hại do sâu keo mùa thu gây hại làm ảnh hưởng đến năng suất ngô vụ đông xuân, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân tập trung kiểm tra tình hình sinh trưởng của cây ngô, mức độ phát sinh, phát triển của sâu keo mùa thu. Cán bộ phụ trách nông nghiệp, cán bộ khuyến nông xã bám sát cơ sở tăng cường điều tra sự phân bố, mật độ sâu keo mùa thu trên cây ngô và các cây trồng khác để kịp thời có phương án quản lý, hướng dẫn người nông dân chủ động phòng chống. Nắm bắt tiến độ gieo trồng, cơ cấu giống nhằm phát hiện các giống ngô kháng sâu keo mùa thu gây hại để thay thế giống nhiễm nặng; tăng cường các biện pháp chăm sóc, bón phân cân đối để cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, tăng sức đề kháng với sâu, bệnh hại. Ưu tiên sử dụng các biện pháp sinh học như bẫy, bả con trưởng thành, bảo vệ thiên địch; hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi chưa đạt đến ngưỡng nhiễm.

Lan Phương
Bình luận
Back To Top