Hàng không đối diện nguy cơ cạn kiệt dòng tiền

10:33 - Thứ Sáu, 02/04/2021 Lượt xem: 2302 In bài viết

Theo đánh giá của các chuyên gia hàng không, trong năm 2021 này, các hãng hàng không vẫn tiếp tục sụt giảm sâu về doanh thu và đối diện nguy cơ cạn kiệt dòng tiền. Vì thế, các hãng rất cần sự hỗ trợ về nguồn vốn vay, cơ chế, chính sách của Nhà nước để vượt qua đại dịch Covid-19.

Trong năm 2021, các hãng hàng không Việt Nam được dự báo vẫn tiếp tục sụt giảm doanh thu.

Xây kịch bản "sống chung với dịch"

Theo đại diện Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA), ứng phó với những diễn biến chưa từng có trong lịch sử, hãng đã xây dựng nhiều kịch bản thị trường, đưa ra nhiều giải pháp điều hành linh hoạt sản xuất, kinh doanh nhằm giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại. Hiện tại, ở trong nước, dịch bệnh đã tạm lắng xuống, song vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ diễn biến phức tạp và tác động xấu đến kinh doanh vận tải hàng không. Kịch bản lạc quan nhất đến năm 2023, VNA mới có thể có lãi trở lại. Còn đại diện lãnh đạo Hãng hàng không Vietjet Air cũng nhấn mạnh, hãng xác định phải "sống chung với dịch" và lên kế hoạch xây dựng phương án kinh doanh phù hợp. Trong giai đoạn cao điểm vận tải Tết Nguyên đán vừa qua, tình trạng chung của các hãng hàng không là giảm tải, giảm tuyến, giảm tần suất, con số này lên tới khoảng 40 - 50%. "Ngay cả khi trong nước kiểm soát được dịch Covid-19 như hiện tại, các hãng vẫn phải vật lộn trong tình cảnh hết sức khó khăn. Chỉ khi nào bay quốc tế phục hồi, hàng không mới có thể nói chuyện có lãi, phát triển bền vững", Giám đốc điều hành Vietjet Air Ðinh Việt Phương nhấn mạnh. Hãng mong muốn nhà chức trách có giải pháp tăng thêm slot (chỗ đậu) tại hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất giúp các hãng có thể đưa thêm tàu, mở thêm tuyến đến đây. Về lâu dài, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp (DN) hàng không về lãi suất vay vốn. Có như vậy, các DN đang khó khăn mới có đủ lực để phục hồi trở lại.

Nhận định về tương lai của các DN hàng không trong năm 2021, Cục trưởng Hàng không Việt Nam Ðinh Việt Thắng cho rằng sẽ rất khó khăn. Vấn đề sống còn hiện tại là phải duy trì được thị trường nội địa, việc bay quốc tế sẽ được mở rộng từng bước tùy theo diễn biến thực tế. Cục Hàng không Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải đã kiến nghị Chính phủ tiếp tục duy trì các giải pháp nhằm hỗ trợ các DN hàng không về thuế, phí. Việc hỗ trợ sẽ không chỉ ở mức "hà hơi thổi ngạt" nhằm duy trì cho các DN hàng không tồn tại mà sẽ như bồi bổ người ốm dậy, cần có lực tiếp bước trên đường dài. Trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đề xuất các giải pháp hỗ trợ DN gặp khó khăn do dịch Covid-19, Hiệp hội DN hàng không Việt Nam (VABA) đưa ra con số tính toán của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), sản lượng đặt chỗ trong quý I-2021 giảm 80% so cùng kỳ 2019, sản lượng vận tải hành khách năm 2021 giảm hơn 50%. IATA dự báo sản lượng hành khách năm 2021 sẽ chỉ đạt 33% (so với năm 2019) và tổng mức lỗ dự kiến 95 tỷ USD và phải đến năm 2022 các hãng hàng không mới hết lỗ. Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) cũng nhận định, năm nay, các hãng hàng không sẽ phải gánh khoản nợ hơn 220 tỷ USD và tiếp tục âm tiền mặt. Sáu tháng đầu năm nay, sản lượng ghế cung ứng của ngành hàng không giảm từ 42 đến 47%, sản lượng khách vận chuyển giảm từ 47 đến 57% và doanh thu sẽ giảm từ 156 đến 181 tỷ USD so với năm 2019. Tại Việt Nam, ngành hàng không chịu tác động to lớn từ ba đợt bùng phát dịch bệnh. Ước tính năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam gánh khoản lỗ hơn 18 nghìn tỷ đồng từ hoạt động vận tải hàng không và doanh thu giảm khoảng 100 nghìn tỷ đồng so với năm 2019.

Ðề xuất các cơ chế hỗ trợ hãng bay

Theo Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký VABA Bùi Doãn Nề, hiện nay, thị trường bay quốc tế vẫn "đóng băng", hoạt động bay của các hãng chủ yếu chỉ là vận chuyển khách hồi hương, vận chuyển chuyên gia và vận chuyển hàng hóa. Trong hai tháng đầu năm 2021, vận chuyển khách quốc tế chỉ đạt 66.600 khách, giảm 98,8% so cùng kỳ 2019. Trong nước, thị trường nội địa cũng giảm sút nghiêm trọng do dịch bệnh đợt ba diễn ra đúng dịp Tết Nguyên đán, khi nhu cầu vận tải hàng không đạt cao điểm nhất trong năm, lượng khách bỏ chỗ rất lớn. Lượng khách giảm, số chuyến bay giảm theo nhưng chi phí của các hãng vẫn bị tăng cao do phải bảo đảm nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch. Ðể kích cầu và thu hút dòng tiền hoạt động, các hãng hàng không Việt Nam buộc phải giảm giá vé máy bay rất sâu, dẫn tới hậu quả chưa từng xảy ra trước đây là hãng bay bị lỗ nặng ngay trong mùa cao điểm. Doanh thu dịp cao điểm Tết của các hãng giảm bình quân từ 70 đến 80% so cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh hoạt động bay bị thu hẹp, các DN dịch vụ thương mại, dịch vụ kỹ thuật, cung ứng suất ăn hàng không,… bị ảnh hưởng dây chuyền, giảm sút cả về doanh thu lẫn sản lượng từ tháng 3-2020.

Dự báo của VABA, trong năm 2021, các hãng hàng không vẫn tiếp tục giảm sâu doanh thu so với năm 2019 và các hãng vẫn lỗ hơn 15 nghìn tỷ đồng từ vận tải hàng không. Năm 2020, các hãng đã phải chuyển nhượng tài sản và nhiều khoản đầu tư, tài chính tích lũy từ nhiều năm trước để cải thiện dòng tiền cho nên năm 2021, các hãng đang đối diện nguy cơ cạn kiệt dòng tiền hoạt động ngay giai đoạn thấp điểm sau dịp Tết Nguyên đán. Vì thế, các hãng rất cần sự hỗ trợ về nguồn vốn vay, lãi suất, cơ chế, chính sách của Nhà nước để vượt qua đại dịch Covid-19. Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho ngành hàng không đã có tác động tích cực, đơn cử, chính sách giảm 50% giá, phí dịch vụ cất hạ cánh, điều hành đi và đến với các hãng hàng không, riêng VNA đã giảm 155 tỷ đồng; chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu hàng không cũng giúp hãng giảm 164 tỷ đồng (dự kiến năm 2021, chi phí được giảm bớt theo quy định hiện hành khoảng 430 tỷ đồng),… Tuy nhiên, do tác động hai chiều của một số chính sách, một số DN thành viên của VABA cũng chịu thiệt để tạo điều kiện cho các DN bạn trong ngành. Chẳng hạn, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) năm 2020 bị giảm doanh thu 159 tỷ đồng do bị hụt các khoản thu từ giá điều hành đối với các chuyến bay trong nước.

Từ thực trạng hiện nay và dự báo tình hình năm 2021, VABA đề xuất các chính sách và giải pháp nhằm hỗ trợ các DN hàng không vượt qua khó khăn, thách thức do dịch Covid-19 như mở rộng chương trình hỗ trợ tín dụng cho các DN hàng không. Nêu thí dụ của VNA được hỗ trợ khoản tín dụng có tác động tốt tới hoạt động của hãng, VABA kiến nghị Chính phủ tiếp tục mở rộng hình thức hỗ trợ này cho các hãng hàng không, trong đó Vietjet Air đề nghị được vay tín dụng từ 4.000 đến 5.000 tỷ đồng trong ba năm (2021 - 2023) và được hỗ trợ lãi suất khoảng 4% cho khoản này; Bamboo Airways đề nghị được vay dài hạn 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi dưới hình thức tái cấp vốn lãi suất 0% và 5.000 tỷ đồng vay dài hạn khác từ các ngân hàng thương mại với lãi suất được hỗ trợ,… Ðồng thời, đề nghị mở rộng phạm vi áp dụng Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ (quy định giảm 2% lãi suất cho vay đối với DN nhỏ và vừa) để các DN hàng không cũng được hỗ trợ lãi suất; cho phép các DN hàng không tái cơ cấu nợ vay, giãn nợ vay đối với các khoản nợ phát sinh trong năm 2020 - 2021 và không chuyển nhóm nợ cho đến cuối năm 2021. Ngoài ra, tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; gia hạn thời hạn nộp các loại thuế; giảm 50% mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến các chuyến bay nội địa từ tháng 10-2020 đến hết tháng 12-2021…

P.V (Theo Nhân Dân)
Bình luận
Back To Top