Cho vay bất động sản có chặt chẽ?

16:28 - Thứ Sáu, 02/04/2021 Lượt xem: 2504 In bài viết

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 17-3, tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng tăng 1,2%, ước tính cả quý I tăng 2% so với cuối năm 2020.

Trong đó, tín dụng bất động sản tăng khá mạnh, với mức 2,13% (tính đến ngày 15-3), khá cao so với các lĩnh vực tín dụng khác. Con số này khiến không ít người liên tưởng đến cơn sốt bất động sản gần đây và lo ngại về nguy cơ “vỡ” tín dụng bất động sản. Tuy nhiên, trên thực tế, ngân hàng vẫn quản lý chặt chẽ cho vay trong lĩnh vực này.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, thị trường bất động sản thời gian gần đây tương đối “nóng”, tại nhiều địa phương, giá bất động sản có chiều hướng tăng lên. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, trong đó có tình trạng một số đối tượng cơ hội, tung tin không chính xác dựa vào một số thông tin hiện nay trong công tác điều hành giá cả, thuế đất… để kiếm chênh lệch, lợi nhuận từ việc đầu cơ.

Cũng theo ông Đào Minh Tú, dư nợ cho vay bất động sản của ngành ngân hàng tăng cao hơn so với tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế nói chung. Trong đó, tín dụng đối với bất động sản có 2 lĩnh vực. Thứ nhất, tín dụng vào các lĩnh vực mà các đối tượng kinh doanh bất động sản, đầu cơ bất động sản hay là phân khúc thị trường cao cấp, các dự án mà khả năng thanh khoản, hiệu quả đầu tư bất động sản trong tương lai không cao. Đây là những đối tượng được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ và hạn chế, có những chế tài trực tiếp hoặc gián tiếp đối với các tổ chức tín dụng.

Thứ hai, những lĩnh vực tín dụng đầu tư vào để giúp cho việc thanh khoản của các loại sản phẩm hàng hóa là tiêu dùng bất động sản, ví dụ như nhà cho người thu nhập thấp hay là phân khúc thị trường nhà giá rẻ, mang tính chất thương mại phục vụ cho tiêu dùng, nhu cầu sử dụng của người dân, phần này vẫn được giao cho các ngân hàng thương mại triển khai.

Trước tình trạng bất động sản có dấu hiệu “nóng”, Ngân hàng Nhà nước đã giám sát và cảnh báo tới các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, hiện nay, mức tăng 2,13% cũng không phải là mức chung ở tất cả tổ chức tín dụng, mà chỉ có một vài tổ chức tín dụng cho vay, có thể hơn mức bình thường so với trước đây.

Mặc dù thị trường bất động sản có dấu hiệu “sốt” ở nhiều tỉnh, thành, nhưng đại diện các ngân hàng thương mại khẳng định, đây là nguồn tiền chủ yếu từ tích trữ trong dân, không ít nhà đầu tư chuyển từ kênh gửi tiết kiệm hoặc tích trữ USD sang kênh bất động sản với kỳ vọng lướt sóng để kiếm lời. Con số khách hàng cá nhân bán USD ở ngân hàng tăng mạnh trong mấy ngày qua cũng chủ yếu từ lý do này. Về phía ngân hàng, bài học về nợ xấu do cho vay bất động sản thời kỳ trước đã khiến ngân hàng cảnh giác và áp dụng những điều khoản chặt chẽ khi cho vay bất động sản.

Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) Phạm Doãn Sơn khẳng định, từ đầu năm 2021 đến nay, tín dụng bất động sản của ngân hàng không tăng. Để có thể duyệt khoản vay bất động sản, ngân hàng sẽ xét trên hai tiêu chí: Khả năng trả nợ của khách hàng và nguồn trả nợ. Chẳng hạn như với khách hàng cá nhân muốn vay vốn mua bất động sản của dự án, ngân hàng sẽ xét tính pháp lý của dự án, tài sản bảo đảm cũng như nguồn thu nhập của cá nhân, của gia đình để chắc chắn về khả năng trả nợ trong tương lai, tránh để xảy ra nợ xấu. Riêng tính pháp lý của dự án, là thông tin căn cứ quan trọng để nếu người vay không có khả năng trả nợ, ngân hàng có thể “siết” tài sản đó nếu người vay sử dụng chính bất động sản chuẩn bị mua làm tài sản bảo đảm. Trực tiếp Tổng Giám đốc sẽ là người duyệt khoản vay để tránh bị rủi ro.

Không chỉ riêng LienVietPostBank, các ngân hàng khác cũng quản lý chặt chẽ tín dụng đối với bất động sản, ưu tiên cho vay với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là thời kỳ khó khăn của dịch Covid-19.

Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), Ngân hàng Nhà nước đang chọn phương pháp tiếp cận “củ cà rốt và cây gậy” nhằm quản lý rủi ro tín dụng. Như vậy, các ngân hàng sẽ có động lực để cải thiện hoạt động và thận trọng hơn trong các hoạt động cho vay đầu cơ và rủi ro, các ngân hàng khỏe mạnh hơn sẽ có thể thêm hạn mức tín dụng cao hơn trong nửa cuối năm.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, lĩnh vực tín dụng bất động sản là một trong lĩnh vực ngành ngân hàng quản lý rất sát sao, chặt chẽ. Bởi câu chuyện dịch chuyển dòng vốn, tiền tệ sang thị trường bất động sản hay thị trường khác đều là một trong những nội dung được quán xuyến và quan tâm trong điều hành hoạt động của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước cũng thường xuyên, kịp thời cảnh báo các tổ chức tín dụng khi có những dấu hiệu của sự không đảm bảo an toàn, cũng như có dấu hiệu hụt dòng trong đầu tư quá lớn.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top