Ðồng hành cùng doanh nghiệp vì Ðiện Biên phát triển

Bài 2: Khó chồng khó

09:25 - Thứ Tư, 07/04/2021 Lượt xem: 4776 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh có những bước phát triển tích cực góp phần giải phóng, phát triển sức sản xuất, huy động và phát huy nội lực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu ngân sách và tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động các doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp không ít khó khăn về cơ chế, chính sách bên cạnh tác động tiêu cực do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Ðồng hành cùng doanh nghiệp, cấp ủy và chính quyền các cấp trong tỉnh đã và đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp phát triển, vì sự lớn mạnh của tỉnh.

Bài 1: “Dấu ấn” trong phát triển kinh tế

Nhân viên Khu du lịch sinh thái Him Lam kiểm tra buồng phòng phục vụ du khách.

Không thể phủ nhận những đóng góp vô cùng quan trọng của doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh đối với sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; song trên thực tế trong quá trình hoạt động các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn về cơ chế, chính sách bên cạnh tác động tiêu cực do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19…

“Những khó khăn cơ bản các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang gặp phải đó chính là đa số các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, nhiều doanh nghiệp yếu về năng lực tài chính, thiếu lao động kỹ thuật và thợ bậc cao, năng lực quản lý, điều hành còn hạn chế dẫn đến sức cạnh tranh yếu, bị động trước sự biến động của thị trường” - Ông Nguyễn Lệ Quế, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phân tích. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp khi đăng ký và thực hiện dự án đầu tư chưa căn cứ vào khả năng huy động tài chính của đơn vị mình dẫn đến không đủ khả năng tài chính để thực hiện dự án; công tác chuẩn bị đầu tư chưa tốt, đầu tư dàn trải dẫn đến nhiều dự án chậm hoàn thành hoặc phải ngừng đầu tư gây lãng phí về tài nguyên và thiệt hại cho doanh nghiệp. Mức độ am hiểu pháp luật và quy định của Nhà nước của một số doanh nghiệp còn hạn chế… Ðặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước nên chịu chi phối bởi nhiều cơ chế, chính sách.

Ngoài những nguyên nhân trực tiếp, nguyên nhân chủ quan từ phía doanh nghiệp thì hàng loạt những khó khăn ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp đến từ nguyên nhân khách quan. Phải kể tới đó trong bối cảnh Chính phủ thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ thắt chặt, nguồn vốn đầu tư, sức mua của thị trường sụt giảm; do yêu cầu tăng cường quản lý đầu tư từ ngân sách, số công trình khởi công mới trên địa bàn ít, thủ tục đầu tư, giải ngân chặt chẽ và gần đây nhất là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Ðiều này đã ảnh hưởng tới tốc độ thành lập, phát triển các doanh nghiệp; ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu, lợi nhuận và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Một số chính sách hỗ trợ triển khai đến doanh nghiệp hiệu quả chưa cao, chưa thật sự đủ mạnh để tạo lực “kéo” doanh nghiệp phát triển. Sự phối hợp giữa các cấp, ngành trong công tác nắm tình hình, theo dõi, quản lý hoạt động và phối hợp kiểm tra, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động còn hạn chế, có yếu tố bất cập. Một số thủ tục hành chính liên quan tới đầu tư và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đã được cải thiện nhiều, song việc tiếp cận đối với doanh nghiệp vẫn còn khó khăn. Nhu cầu về đất đai, mặt bằng sản xuất còn khó khăn, nhiều doanh nghiệp chưa có đất để xây dựng trụ sở, nhà xưởng. Không ít doanh nghiệp có nhu cầu thuê đất phục vụ kiến thiết xây dựng, mở rộng ngành nghề sản xuất kinh doanh nhưng chưa được giao đất, thuê đất. Việc đo đạc lập hồ sơ quy chủ đất thực hiện chậm cũng ảnh hưởng tới quá trình thực hiện các dự án. Vậy nên mới có chuyện Công ty TNHH Giáo dục và Thương mại dịch vụ Hoa Ba qua hơn 2 năm “khởi động” mà đến giờ chưa xong thủ tục đầu tư xây dựng Trường Mầm non Tư thục Dongsim Kindergarten Hoa Ba hay việc thẩm định bãi rác của Công ty Cổ phần môi trường đô thị và xây dựng tỉnh Ðiện Biên cũng mất 3 tháng...

Thêm cái khó của tỉnh đó là ngân sách địa phương hạn hẹp nên việc sử dụng ngân sách địa phương kết hợp với nguồn lực của doanh nghiệp để tiến hành các hoạt động xây dựng, quảng bá, nâng cao vị thế của doanh nghiệp, chưa kể tới việc khớp nối và giới thiệu sản phẩm giúp doanh nghiệp địa phương tiếp cận với thị trường trong và ngoài nước, định hướng cho doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường nước ngoài còn nhiều hạn chế. Ðặc biệt là việc tiếp cận các nguồn vốn, vay vốn phát triển sản xuất của doanh nghiệp dù đã được tạo điều kiện thông thoáng hơn về cơ chế, song trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Tô Quốc Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Sơn Hạnh cho biết: Hiện doanh nghiệp tập trung đầu tư sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp phát triển nông thôn đó là nuôi cá hồi, cá tầm theo hướng hàng hóa, xây dựng khu du lịch sinh thái tại khu vực nuôi cá nước lạnh và hướng tới trồng sâm Ngọc Linh ở xã Tênh Phông (huyện Tuần Giáo) để tạo việc làm, thu nhập cho người lao động địa phương. Tuy nhiên ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 hơn 2 năm qua khiến “đầu ra” cho loài cá này cực kỳ khó khăn. Có thời điểm cá đến tuổi nhưng không thể xuất bán lại phải kéo dài thời gian nuôi mà hiệu quả kinh tế thì không thể bằng thời điểm đúng tuổi xuất bán, thậm chí còn kém hơn song phải chấp nhận. Ông Sơn xác định đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nguy cơ rủi ro cao và sẽ gặp nhiều khó khăn hơn các lĩnh vực khác. Các chi phí đầu tư làm đường điện vào khu vực có nguồn nước lạnh để nuôi cá ( 2,7km); mở đường giao thông hơn 1km; xây 20 bể bê tông cốt thép chứa nước nuôi cá; tiền đầu tư mua cá giống, thức ăn, máy bơm nước, ống dẫn nước, tiền trả lương cho công nhân, mở nhà hàng chế biến phục vụ thực khách ở TP. Ðiện Biên Phủ và huyện Tuần Giáo... lên tới vài chục tỷ đồng, song hiện gặp nhiều khó khăn. Nhất là về vốn vay, cơ chế chính sách của Nhà nước để doanh nghiệp tiếp cận để đầu tư phát triển lĩnh vực kinh tế nông nghiệp. Nhất là trong điều kiện ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 như thời gian vừa qua, cá hồi, cá tầm thương phẩm thị trường tiêu thụ không ổn định, nhà hàng đóng cửa vì thực hiện biện pháp phòng chống dịch. 

Kinh doanh dịch vụ du lịch và gây dựng được danh tiếng tốp đầu trong lĩnh vực này ở tỉnh Ðiện Biên, Khu du lịch sinh thái Him Lam (Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6 Ðiện Biên) được du khách biết tới có cơ sở vật chất tốt, chất lượng phục vụ luôn lấy sự hài lòng của khách hàng làm mục tiêu hoạt động. Thu hút khá đông khách du lịch tới tham quan, nghỉ dưỡng; song khi dịch bệnh Covid-19 ập tới lượng khách sử dụng các dịch vụ sụt giảm nghiêm trọng. Ông Bùi Anh Tiến, Giám đốc điều hành Khu du lịch sinh thái Him Lam cho biết: Dù có thâm niên hoạt động trong lĩnh vực này và đã tạo dựng được “thương hiệu” với đối tác, khách hàng; song ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã khiến đơn vị gặp nhiều khó khăn và rất cần sự quan tâm, “trợ lực” của Nhà nước, của tỉnh. Dù các hoạt động dịch vụ du lịch đã được doanh nghiệp mở cửa trở lại song để đạt được mục tiêu như trước thì chắc sẽ phải còn mất rất nhiều thời gian...

Ðược tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước là mong muốn chung của các doanh nghiệp trong tỉnh. Tuy nhiên đã qua rất nhiều chương trình hội nghị, xúc tiến đề cập, nhưng thực tế việc tiếp cận vốn vay còn rất khó khăn, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông Nguyễn Lệ Quế, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho rằng, hầu hết doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh quy mô nhỏ và vừa rất cần vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh; tuy nhiên khả năng tài chính của các doanh nghiệp này bị hạn chế. Một trong những cản trở lớn nhất của loại hình doanh nghiệp này là không có tài sản bảo đảm hợp pháp hoặc không đủ uy tín để vay tín chấp hoặc không có phương án xây dựng phương án sản xuất kinh doanh hay không có các dự án khả thi để các ngân hàng thương mại xem xét cho vay.

Bài 3: Cấp ủy, chính quyền “nhập cuộc”

Bài, ảnh: Minh Thùy
Bình luận
Back To Top