Sức mua giảm, giá một số vật liệu xây dựng vẫn tăng

09:52 - Thứ Bảy, 10/04/2021 Lượt xem: 5653 In bài viết

ĐBP - Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên nhiều dự án, công trình xây dựng phải tạm dừng hoặc giãn tiến độ, khiến thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) trên địa bàn tỉnh kém sôi động, doanh số suy giảm. Tuy nhu cầu thị trường VLXD cơ bản đang giảm nhưng hầu hết đơn giá các loại vật liệu lại không giảm, mà có chiều hướng tăng so với năm ngoái.

Sản xuất xi măng tại Công ty Cổ phần Xi măng Ðiện Biên. Ảnh: C.T.V

Thị trường VLXD phụ thuộc rất nhiều vào lĩnh vực bất động sản. Nhưng từ đầu năm 2020, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến người dân, doanh nghiệp siết chặt chi tiêu, đã ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ VLXD. Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có gần 30 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các loại VLXD: Gạch đá ốp lát; xi măng; gạch đất nung; bê tông thương phẩm, cột điện bê tông li tâm dự ứng lực; cát nghiền; đá xây dựng…

Tình hình dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh VLXD của Công ty Cổ phần Ðầu tư thương mại Hưng Long tỉnh Ðiện Biên. Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, doanh nghiệp mất 100% doanh thu từ xuất khẩu VLXD sang thị trường Lào; giảm 90% doanh thu nhập khẩu thạch cao từ Trung Quốc. Ðối với lĩnh vực sản xuất đá xây dựng, sản lượng tiêu thụ đạt khoảng 30% kế hoạch năm và bình quân chỉ đạt 50% so với sản lượng khai thác được cấp phép (150.000m3/năm). Trong lĩnh vực sản xuất cát nhân tạo, sản lượng tiêu thụ chỉ đạt khoảng 5% so với công suất 280 tấn/giờ.

Hoạt động kinh doanh VLXD của Doanh nghiệp tư nhân Phú Tiến Mạnh, phường Noong Bua (TP. Ðiện Biên Phủ) cũng trầm lắng hơn mọi năm. Anh Tiến Mạnh, Giám đốc Doanh nghiệp cho biết: “Doanh nghiệp chủ yếu kinh doanh các mặt hàng: Xi măng, sắt thép, tôn, gạch ngói… Nếu các năm trước, sức tiêu thụ các sản phẩm VLXD năm sau tăng hơn năm trước thì từ năm 2020 đến nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ các sản phẩm VLXD bị ảnh hưởng trầm trọng. Riêng năm 2020, doanh thu bị giảm hơn 50% so với trước đây”.

Theo thống kê của Sở Xây dựng, mức tiêu thụ các loại VLXD trên địa bàn tỉnh đạt thấp: Năm 2020, mức tiêu thụ đối với sản phẩm xi măng đạt 355 nghìn tấn/360 nghìn tấn sản xuất; gạch không nung tiêu thụ hơn 21 triệu viên/tổng số 25,1 triệu viên; gạch xây nung tiêu thụ chỉ đạt 14 triệu viên/17,3 triệu viên được sản xuất… Nghịch lý ở chỗ, tuy nhu cầu giảm nhưng giá các mặt hàng xây dựng từ cuối năm 2020 đến nay vẫn giữ ở mức cao, thậm chí có nhiều mặt hàng tăng mạnh, nhất là sắt thép. Không chỉ ở các mặt hàng xây dựng thô, mà ngay cả các mặt hàng phục vụ công đoạn hoàn thiện (bình nóng lạnh, thiết bị nhà tắm, đèn trang trí, sứ…) đang tăng giá.

Theo công bố giá VLXD lưu thông trên thị trường tháng 3/2021 của liên ngành Sở Xây dựng và Sở Tài chính thì một số VLXD trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ và huyện Ðiện Biên có giá tăng so với những năm trước, như: Giá thép cuộn phi 6, phi 8 (thép Thái Nguyên Tisco) là 17.100 đồng/kg, trong khi cùng thời điểm này năm 2020 có giá 13.200 đồng/kg; cát bê tông, cát xây có modul độ lớn (giá tại nơi sản xuất, đã bao gồm VAT, chưa có chi phí vận chuyển, đã có chi phí xúc lên phương tiện) là 220 nghìn đồng/m3 trong khi cùng loại cát này năm 2020 có giá 198 nghìn đồng/m3; bình nước nóng ROSSI (loại bình ngang 15L) có giá hơn 3,1 triệu đồng/cái, trong khi đó cùng thời điểm này năm 2020 chỉ có giá 2,7 triệu đồng/cái…

Nguyên nhân tăng giá các sản phẩm này là do lượng hàng sản xuất trong nước giảm sút vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Bên cạnh đó, một số đơn vị xuất khẩu có thể bù trừ doanh thu cho các mặt hàng bán trong nước, nhưng hiện nay đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh. Do vậy, các đơn vị này không thể bù giá cho hàng bán trong nước, khiến một số mặt hàng tăng giá so với trước đây. Cũng theo anh Tiến Mạnh, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Phú Tiến Mạnh, thì mặc dù sức mua giảm nhiều, nhưng giá một số mặt hàng VLXD vẫn tăng, nhất là sắt thép xây dựng (tùy từng loại, hãng). Nếu như trước khi có dịch Covid-19, giá sắt xây dựng trung bình 11,5 - 12 nghìn đồng/kg thì hiện nay có giá 17 nghìn đồng/kg. Nguyên nhân tăng giá các sản phẩm này là do lượng hàng sản xuất giảm sút vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Trong khi đó nhà máy vẫn phải huy động cả dây chuyền nên chi phí sản xuất tăng cao, kéo theo giá thành sản phẩm tăng.

Theo nhận định của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh thì thị trường VLXD bị ảnh hưởng một phần do đơn giá vật liệu (đất, cát, đá xây dựng) trong công bố giá liên sở (Sở Tài chính và Sở Xây dựng) chưa hợp lý, giá công bố ban hành hàng năm thấp hơn đơn giá thực tế của thị trường, khiến nhiều nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực xây dựng gặp khó khăn do không báo đúng giá trị của dự án.

Ðể thị trường VLXD bình ổn, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát giá cung ứng sản phẩm của các doanh nghiệp trên thị trường nhằm tránh tình trạng lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ hàng hóa, tự nâng giá VLXD làm ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng.

Văn Tâm
Bình luận
Back To Top