Nhà nông cần biết

Chăm sóc trâu bò trong mùa nắng nóng

09:13 - Thứ Hai, 12/04/2021 Lượt xem: 3213 In bài viết

1. Chuồng trại

Làm chuồng gia súc xa nhà dân, khu dân cư. Mái chuồng nên làm đơn giản, có thể bằng mái ngói, tranh, tre, lá để chống nóng trực tiếp. Nên làm mái chuồng theo kiểu 2 mái để tăng cường độ thoáng của chuồng nuôi. Có thể trồng thêm một số loại dây leo phủ mái như bìm bìm, hoa giấy, mướp… để làm mát.

2. Nuôi dưỡng, chăm sóc 

Tăng cường thức ăn xanh như rau cỏ tươi, củ, quả...; tăng cường chất đạm, giảm tinh bột, mỡ, đường; bổ sung vitamin C, khoáng chất trong trường hợp khẩu phần ăn của gia súc chưa đầy đủ. 

Những đợt nắng nóng kéo dài, cho gia súc ăn vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Ðảm bảo cho gia súc ăn đủ thức ăn thô xanh (trâu, bò từ 15 - 35kg/con/ngày) và bổ sung thức ăn tinh (1 - 2,5kg/con/ngày). Ðối với bò sữa thì lượng thức ăn tinh bổ sung theo năng suất sữa. Ðảm bảo thường xuyên có đủ nước mát, sạch cho gia súc uống.

Thời gian chăn thả gia súc: Buổi sáng từ 6 giờ - 9 giờ; buổi chiều chăn thả muộn từ 16 giờ - 18 giờ. Không chăn thả gia súc ngoài trời nắng gắt trong thời gian dài, nếu nhiệt độ ngoài trời quá cao, nắng gắt nên nhốt trâu, bò và cho ăn tại chuồng, hoặc buộc ở những nơi có bóng mát.

3. Phòng bệnh

Cần thực hiện các biện pháp về chăn nuôi an toàn sinh học: Giảm nhiệt độ chuồng nuôi bằng cách vệ sinh chuồng nuôi sạch sẽ, thu gom phân đưa vào hố chứa phân, rắc vôi bột trên bề mặt và đậy nắp. Ðịnh kỳ mỗi tuần sát trùng, tẩy uế chuồng trại và khu vực xung quanh chuồng nuôi từ 1 - 2 lần để tiêu diệt mầm bệnh bằng vôi bột hoặc các loại thuốc sát trùng.

Chủ động phòng một số bệnh thường gặp khi nhiệt độ thời tiết lên cao như cảm nắng, viêm phổi, tiêu chảy, tụ huyết trùng…. Ðối với các trang trại cần thực hiện tốt việc dùng các hố sát trùng và rắc vôi bột ngoài khu vực chuồng nuôi.

T.K (b/s)
Bình luận
Back To Top