Nhiều khó khăn trong hoạt động chế biến nông sản

07:53 - Thứ Hai, 14/06/2021 Lượt xem: 5555 In bài viết

ĐBP - Ứng dụng khoa học, công nghệ vào chế biến sản phẩm nông nghiệp là khâu quan trọng nhất trong liên kết sản xuất nông nghiệp, góp phần đảm bảo chất lượng, nâng cao giá trị, thương hiệu và tăng tính cạnh tranh cho nông sản. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh còn bị bỏ ngỏ; phần lớn các doanh nghiệp, hợp tác xã chưa quan tâm đúng mức.

Dây chuyền công nghệ chế biến gạo Điện Biên của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Yên (xã Thanh Yên, huyện Điện Biên) (ảnh chụp trước ngày 27/4/2021).

Những năm gần đây, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã đầu tư dây chuyền máy móc, sử dụng công nghệ trong chế biến nhằm nâng cao giá trị và tính cạnh tranh cũng như xây dựng thương hiệu, tạo lập vị thế cho nông sản địa phương trên thị trường. Tuy nhiên, ngoài các dự án lớn, các sản phẩm chủ lực của tỉnh, phần lớn các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư trong hoạt động chế biến. Hiện nay, toàn tỉnh có 23 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động chế biến của hầu hết các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã có quy mô nhỏ lẻ, mới chỉ sơ chế và xuất bán nguyên liệu thô sau thu hoạch nên giá trị sản phẩm không cao. Sau khi thu hoạch, ngoài số lượng được bán ngay, số sản phẩm còn lại chủ yếu chỉ được sơ chế, đóng bao và tích trữ theo phương pháp truyền thống ảnh hưởng đến chất lượng, thời gian bảo quản sản phẩm ngắn. Công nghệ chế biến cũng đang là khâu yếu nhất trong chuỗi giá trị ngành chăn nuôi khi chưa có nhiều cơ sở chế biến, giết mổ tập trung. Hoạt động chế biến thủy sản chưa phát triển.

Nguyên nhân chính dẫn đến hoạt động chế biến nông sản vẫn còn bị bỏ ngỏ, chưa có dây chuyền công nghệ chế biến sâu là do nội lực của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn còn hạn chế. Bên cạnh đó, tỉnh chưa có chính sách đủ mạnh để thu hút các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp ngoài tỉnh đầu tư các nhà máy, dây chuyền công nghệ chế biến nông sản trên địa bàn; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh nâng cấp máy móc, công nghệ phục vụ hoạt động bảo quản, chế biến. Bên cạnh đó, quy mô của nhiều vùng nguyên liệu còn rất nhỏ, chưa bảo đảm tập trung để có thể cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định cho phát triển công nghiệp chế biến. Do đó nếu đầu tư nhà máy, công nghệ chế biến nhưng nguyên liệu đầu vào không đủ thì hiệu quả sau đầu tư thấp, hoạt động kinh doanh của nhà đầu tư bị thua lỗ. Điển hình như năm 2014, Công ty Cổ phần rừng Việt Tây Bắc khánh thành Nhà máy Chế biến gỗ ghép thanh kết hợp sản xuất ván dăm tại bản Kệt, xã Quài Cang (huyện Tuần Giáo) có công suất thiết kế gỗ ghép thanh 13.500m3/năm, ván dăm 36.000m3/năm. Để đáp ứng công suất thiết kế như trên, nhà máy cần khai thác khoảng 800ha rừng và vùng nguyên liệu trồng rừng từ 4.000 - 5.600ha. Tuy nhiên sau 4 năm đi vào hoạt động, vùng nguyên liệu cung cấp cho nhà máy không đủ, nhà máy hoạt động cầm chừng, hiệu quả kinh tế thấp. Không có giải pháp khắc phục, hoạt động kinh doanh thua lỗ nên năm 2018 Công ty Cổ phần rừng Việt Tây Bắc đã rút toàn bộ máy móc, dây chuyền công nghệ ra khỏi địa bàn.

Nhiều mặt hàng nông sản đã nhiều lần rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”, gây thiệt hại kinh tế lớn cho nông dân. Đơn cử như, sản phẩm dứa Mường Chà nhiều lần chịu cảnh được mùa mất giá. Hoặc sản phẩm lúa gạo Điện Biên có vùng nguyên liệu khoảng 4.100ha, có giống lúa đã được cấp chỉ dẫn địa lý nhưng chưa có cơ sở chế biến, bảo quản tương xứng tiềm năng. Nhiều nông sản khác các chủ thể kinh tế không dám đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu vì không có cơ sở chế biến để đảm bảo chất lượng, giá trị sản phẩm.

Trao đổi về vấn đề này, ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên cho rằng: Công nghiệp chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp hạn chế do 2 nguyên nhân chính: Năng lực doanh nghiệp nội tỉnh hạn chế và thiếu cơ, chế chính sách hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư ngoài tỉnh. Đơn cử như sản phẩm lúa gạo Điện Biên, toàn huyện có 4.100ha lúa chất lượng cao nhưng chỉ có 2 doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn đầu tư dây chuyền chế biến với vùng nguyên liệu rất nhỏ (khoảng 300ha) còn lại là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, công nghệ thấp. Hiện nay công nghệ bảo quản sản phẩm vẫn đang thô sơ, chỉ đơn giản là xây nhà kho truyền thống, không đầu tư công nghệ bảo quản hiện đại, tiêu chuẩn. Do vậy, sản phẩm tồn kho càng lâu càng giảm chất lượng, kéo theo giá trị, thương hiệu sản phẩm giảm theo. Bên cạnh đó, cần có chính sách, cơ chế đồng bộ, thông thoáng để thu hút nhà đầu tư vào địa bàn. Huyện Điện Biên đã lập dự án và rất mong muốn các doanh nghiệp lớn đầu tư dự án nhà kho, nhà máy chế biến, bảo quản lúa gạo cho vùng nguyên liệu lúa tại cánh đồng Mường Thanh. Tuy nhiên nhiều năm nay vẫn chưa có nhà đầu tư đặt vấn đề hay quan tâm đến dự án của huyện.

Thời gian tới, để hoạt động chế biến nông sản phát triển, tỉnh và các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó trọng tâm là tiếp tục rà soát, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa ổn định; xây dựng mối liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm bền vững. Đồng thời, có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân đầu tư phát triển công nghệ bảo quản, chế biến.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top