Phát triển lâm nghiệp bền vững (bài 2)

09:08 - Thứ Tư, 16/06/2021 Lượt xem: 3542 In bài viết

Bài 2:  Để phát triển lâm nghiệp bền vững

ĐBP - Dù công tác phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua được chú trọng và đã đạt những kết quả tích cực  nhưng trên thực tế để phát triển lâm nghiệp bền vững thì còn nhiều vấn đề cần được quan tâm tháo gỡ…

Bài 1:  Đẩy mạnh quản lý, phát triển rừng

Cán bộ xã Búng Lao (huyện Mường Ảng) thăm diện tích rừng sản xuất trồng năm 2016. Ảnh: Minh Thùy

Khó khăn trong phát triển lâm nghiệp bền vững được tỉnh chỉ ra đó là do Điện Biên có địa hình chia cắt, phức tạp, giao thông cách trở; tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, kinh tế - xã hội chưa phát triển, tập quán canh tác chủ yếu dựa vào nương; tình trạng dân di cư tự do vẫn xảy ra, ảnh hưởng tới công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng. Thêm vào đó, tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách, nguồn vốn để thực hiện các nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp hàng năm chủ yếu phụ thuộc vào nguồn ngân sách Trung ương nên bị động trong khâu tổ chức triển khai thực hiện. Cơ sở hạ tầng lâm nghiệp còn kém, “đầu ra” sản phẩm lâm nghiệp không ổn định, vì vậy khó huy động, thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Thêm vào đó các vụ cháy rừng, phá rừng làm nương, khai thác rừng trái phép, mua bán, vận chuyển, cất giữ trái pháp luật các loài gỗ lớn vẫn còn xảy ra ở một số địa phương và tiềm ẩn phức tạp.

Phân tích những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới khó khăn trong phát triển lâm nghiệp bền vững, tỉnh xác định thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng; tăng cường khoanh nuôi tái sinh để tăng diện tích rừng tại các địa phương có diện tích rừng lớn cùng với đó là tập trung giao đất, giao rừng theo kế hoạch của tỉnh. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và từng bước khai thác hiệu quả các giá trị du lịch, sinh thái của rừng; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động khai thác rừng, phá rừng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. Đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, đặc biệt là trồng rừng sản xuất theo hướng tập trung, tạo vùng nguyên liệu gắn với xây dựng nhà máy chế biến. Thúc đẩy phát triển cây gỗ lớn, giá trị cao tại các địa phương có lợi thế, như: Tuần Giáo, Mường Ảng... để tạo vùng nguyên liệu thu hút các doanh nghiệp chế biến vào đầu tư nhà máy chế biến gỗ, tạo đà thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp của tỉnh; phát triển cây mắc ca, cây lâm sản ngoài gỗ, dược liệu có giá trị và tìm “đầu ra” của sản phẩm theo hướng liên kết sản xuất hàng hóa tập trung tại các huyện: Tuần Giáo, Mường Nhé, Nậm Pồ... để nâng cao thu nhập và đời sống của người dân sống nhờ rừng và sống bằng nghề rừng.

Ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ che phủ toàn tỉnh đạt 45,5% cùng với việc Điện Biên sẽ ưu tiên nguồn lực bảo vệ, chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh diện tích rừng hiện có; tỉnh tăng cường khuyến khích, kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển rừng sản xuất, trồng rừng gỗ lớn (giổi xanh, tô hạp Điện Biên, lát hoa, thông, sa mộc…) theo hướng trồng rừng tập trung, tạo vùng nguyên liệu gắn với thu hút doanh nghiệp chế biến vào xây dựng nhà máy chế biến gỗ tại các huyện: Mường Ảng, Tuần Giáo… Tiếp tục triển khai thực hiện hoàn thành giao đất, giao rừng theo Kế hoạch số 2783/KH-UBND, ngày 20/9/2019 của UBND tỉnh về rà soát, hoàn chỉnh việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp giai đoạn 2019 - 2023 trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở cho việc thực hiện liên doanh, liên kết để phát triển kinh tế lâm nghiệp cũng như thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Triển khai thực hiện nhiệm vụ phân định ranh giới rừng, phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Phát triển mạnh diện tích trồng cây mắc ca trên địa bàn tỉnh theo hình thức thuê đất, hợp tác liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp với người dân trên cơ sở các dự án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt gắn với xây dựng cơ sở chế biến sản phẩm tại các huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên Đông, Mường Nhé, Nậm Pồ và TP. Điện Biên Phủ.

Tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, đất đai, các hình thức liên kết, hợp tác để phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh, cuối tháng 3 vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đồng ý chủ trương rà soát, điều chỉnh cơ chế, chính sách đối với các dự án trồng cây mắc ca làm cơ sở để cấp ủy, chính quyền các cấp, nhà đầu tư và người dân thực hiện dự án đảm bảo nguyên tắc hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước - doanh nghiệp - người dân theo quy định của pháp luật. Về chính sách phát triển cây mắc ca, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh phối hợp với Đảng đoàn HĐND tỉnh tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ, tạo động lực cho người dân và doanh nghiệp tăng cường hợp tác, phát triển cây mắc ca qua đó nhằm nâng tỷ lệ che phủ rừng, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân. Cùng với đó là rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phát triển mắc ca trên địa bàn tỉnh cả về quy mô, diện tích trồng và có định hướng phát triển phù hợp, gắn với tái cơ cấu ngành lâm nghiệp. Đồng thời tỉnh cũng đề nghị nhà đầu tư triển khai xây dựng các nhà máy thu mua, chế biến sâu sản phẩm từ hạt mắc ca gắn với vùng nguyên liệu theo quy hoạch phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo lợi ích cao nhất của doanh nghiệp - người dân - nhà nước.

Xác định tầm quan trọng của phát triển lâm nghiệp bền vững, mùa trồng rừng năm 2021 huyện nghèo Mường Ảng đã tích cực vận động người dân đăng ký trồng rừng. Không chỉ đảm bảo diện tích đăng ký kế hoạch giao trồng 50ha rừng phòng hộ, người dân trong huyện đã đăng ký, chuẩn bị đất, hoàn thành đào hố trồng 102ha rừng phòng hộ tại 2 xã Ngối Cáy và Ẳng Tở. Cùng với đó là xuống cây giống trồng 40ha rừng sản xuất tại xã Ẳng Tở. Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho rằng, để người dân hiểu, đồng thuận và tích cực tham gia trồng rừng thì Mường Ảng đặc biệt quan tâm tới công tác tuyên truyền, vận động. Bởi chỉ khi bà con hiểu mới nhiệt tình và yên tâm tham gia trồng rừng. Không chỉ làm tốt công tác trồng mới rừng, huyện Mường Ảng còn tích cực khoanh nuôi bảo vệ, tái sinh rừng tự nhiên; không để xảy ra tình trạng xâm hại đất rừng, hạn chế thấp nhất tình trạng để xảy ra cháy rừng. Yêu cầu các doanh nghiệp khẩn trương hoàn thiện thủ tục về đất đai triển khai dự án trồng cây ăn quả công nghệ cao kết hợp trồng rừng sản xuất...

Minh Thùy
Bình luận
Back To Top