Giảm nghèo từ thay đổi nhận thức

07:51 - Thứ Năm, 17/06/2021 Lượt xem: 4751 In bài viết

ĐBP - Những năm qua công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở huyện Tuần Giáo đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Có được kết quả đó, ngoài sự hỗ trợ đắc lực từ các chương trình, dự án thì cấp ủy, chính quyền huyện đã đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, khơi gợi ý chí, nghị lực thoát nghèo trong nhân dân, nhất là xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại của một bộ phận người dân.

Anh Lầu Chứ Só chăm sóc vườn cà phê.

Nỗ lực thoát nghèo

Từ trung tâm huyện lỵ Tuần Giáo xuôi theo quốc lộ 279, chúng tôi về bản Cộng (xã Chiềng Đông) tìm gặp anh Quàng Văn Dũng. Anh Dũng đã gây dựng cuộc sống ấm no từ đôi bàn tay trắng. Dẫn chúng tôi mục sở thị mô hình VAC, anh Quàng Văn Dũng vừa trò chuyện: “Nếu mình có quyết tâm, có nghị lực thì không gì là không thể làm được. Bản thân mình không tự cố gắng, không thoát khỏi ý nghĩ trông chờ ỷ lại thì rất khó để xóa đói giảm nghèo!”.

Nói là làm, từ điều kiện thực tiễn địa phương, anh Dũng đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 50 triệu đồng để xây dựng chuồng trại, mua con giống về nuôi. Đặc biệt, ngoài tham khảo việc chăn nuôi từ sách, báo, kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo từ các mô hình phát triển trong và ngoài huyện, anh Dũng còn tích cực tham gia các lớp học nghề về chăn nuôi, phòng bệnh cho đàn vật nuôi do huyện, xã tổ chức. Với bản tính cần cù, sáng tạo, biết ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào chăm sóc, đến nay đàn vật nuôi gia đình anh Dũng sinh trưởng và phát triển ổn định, với hơn 2.000 con gà, ngan, mang lại nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Anh Lầu Chứ Só, bản Hua Sa B (xã Tỏa Tình) từ chỗ chỉ biết canh tác thủ công với các loại cây trồng truyền thống (lúa, ngô, khoai...), năm 2008 anh Só đã cải hơn 3ha đất hoang hóa, bạc màu nhiều năm để trồng cây cà phê. Anh Lầu Chứ Só chia sẻ: Từ chủ trương trồng cây cà phê để xóa đói giảm nghèo, gia đình tôi đã cải tạo đất nương, trồng thử nghiệm gần 3ha cây cà phê. Được tham gia các lớp học nghề, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, kiểm tra, theo dõi sát sao nên cây cà phê sau khi trồng phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng nên sinh trưởng và phát triển tốt. Hàng năm cây cà phê cho sản lượng từ 25 - 30 tấn, xuất bán với giá từ 5.000 - 7.000 đồng/kg (quả tươi), mang lại thu nhập từ 60 - 80 triệu đồng”. Anh Lầu Chứ Só nói thêm: “Khi mới trồng thử nghiệm tôi rất băn khoăn về sự phù hợp của loại cây này. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm chăm sóc, cây bắt đầu ra quả, sản lượng vụ sau cao hơn vụ trước, mở ra hy vọng về cây có khả năng xóa đói giảm nghèo cho gia đình”. Ngoài “mở cửa” thoát nghèo từ cây cà phê, gia đình anh Lầu Chứ Só còn tích cực xây dựng chuồng trại, phát triển mô hình VAC. Với tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, đến nay đàn vật nuôi phát triển tốt với gần 20 con lợn, hàng trăm con gia cầm..., mỗi năm mang lại thêm nguồn thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng.

Trên địa bàn huyện Tuần Giáo, nhiều hộ gia đình đã và đang nỗ lực lao động sản xuất, tìm kiếm việc làm, đi lao động tại các khu công nghiệp, chế xuất trong nước... để cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống. Nhiều người đã tự viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Đó là những điều trân quý, đáng suy ngẫm để những người vẫn còn tư tưởng trông chờ ỷ lại học tập và noi theo.

Nâng cao ý thức thoát nghèo

Xóa đói giảm nghèo là công cuộc lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía nhưng mấu chốt chính là người nghèo phải có quyết tâm thoát nghèo, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Vì thế, để giúp người nghèo, hộ nghèo tự vươn lên, trên cơ sở các chương trình, dự án hỗ trợ, huyện Tuần Giáo đã ban hành nhóm chính sách về việc làm, tăng thu nhập; hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động; hỗ trợ phát triển sản xuất... Năm 2020, từ nguồn vốn Chương trình 135/CP, Nghị quyết 30a huyện Tuần Giáo đã đầu tư 4 công trình đường giao thông, 1 công trình thủy lợi... Thực hiện hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho người dân mua 753 con bò cái sinh sản, 153 máy nông nghiệp, 9.500 cây dổi với tổng 953 hộ tham gia.

Tuy nhiên, hiện nay việc có nhiều chính sách hỗ trợ có tính chất “cho không” như: Hỗ trợ về gạo, dầu hỏa thắp sáng, cây con, giống... đã vô tình làm tăng tính ỷ lại, không muốn thoát nghèo của một bộ phận người dân; sự chông chênh trong tư tưởng này tác động đến nỗ lực thay đổi nhận thức về giảm nghèo và là một trong những nguyên nhân khiến công tác giảm nghèo gặp khó khăn.

Bà Lường Thị Nhung, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tuần Giáo khẳng định: “Hiện nay, việc rà soát hộ nghèo tiếp cận đa chiều đảm bảo công bằng, chính xác, đúng đối tượng, khắc phục được tình trạng “thích nghèo” để hưởng chế độ hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, để giảm nghèo bền vững, ngoài các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước thì điều kiện tiên quyết chính là mỗi người dân, nhất là người nghèo cần phải tự ý thức vươn lên thoát nghèo”.

Tại huyện Tuần Giáo, để từng bước thay đổi nhận thức của người dân, huyện đã chú trọng xây dựng các nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch tổ chức thực hiện. Trước hết là khắc phục tư tưởng trông chờ, dựa dẫm, ỷ lại trong chính đội ngũ cán bộ đảng viên - đây được xem là bước ngoặt, tạo đột phá trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Cán bộ, đảng viên phải là người đi trước để làng nước theo sau, tích cực vận động, giúp nhân dân cùng thoát nghèo. Đồng thời, ngoài đẩy mạnh việc tuyên truyền, “đánh thức” ý nguyện thoát nghèo trong tư tưởng người dân, huyện còn chú trọng triển khai thí điểm các mô hình mới, cách làm sáng tạo, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình điểm về phát triển kinh tế như: Mô hình trồng na (tại xã Rạng Đông, Mùn Chung); mô hình bưởi da xanh (tại xã Rạng Đông, Mùn Chung, Quài Nưa); mô hình lạc (Mường Thín, Quài Cang); mô hình khoai tây vụ đông (Quài Cang, Quài Tở, Chiềng Sinh)... hướng dẫn người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững gắn với lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia.

Cùng với đó, huyện cũng đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật và tạo điều kiện tốt nhất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế, xuất khẩu lao động; huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo, khơi dậy tinh thần “tự lực, tự cường, tự trọng” của người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo để phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Có như vậy, mục tiêu giảm nghèo bền vững, hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới mới đạt được theo lộ trình đề ra.

Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top