Phát triển ngành nghề nông thôn còn nhiều hạn chế

07:54 - Thứ Hai, 21/06/2021 Lượt xem: 4332 In bài viết

ĐBP - Thực hiện Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng tỉnh đã tập trung phát triển 4 nhóm ngành nghề nông thôn: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, dệt, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; nuôi trồng sinh vật cảnh; dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn.

Người dân bản Lói, xã Mường Lói, huyện Điện Biên sơ chế nguyên liệu trồng nấm.

Thời gian qua các biện pháp hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề đã được các cấp, ngành thực hiện như: Khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu và trình độ phát triển nghề; hỗ trợ các doanh nghiệp, làng nghề nâng cao chất lượng sản phẩm tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); xúc tiến thương mại, thúc đẩy quảng bá, giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn trên thị trường trong và ngoài tỉnh; xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính… Nhờ đó, ngành nghề nông thôn, làng nghề đã tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 1.811 cơ sở sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn; trong đó có 817 cơ sở hoạt động chế biến, bảo quản nông lâm, thủy sản. Hàng năm khu vực ngành nghề nông thôn thu hút khoảng 50 nghìn lao động, trong đó có hơn 1.500 lao động thường xuyên; thu nhập bình quân từ 5 - 11 triệu đồng/lao động/tháng. Đối với nghề truyền thống, làng nghề, toàn tỉnh có 44 nghề và làng nghề (chưa có quyết định công nhận), tập trung trên địa bàn huyện: Điện Biên, Tủa Chùa, Mường Chà và TP. Điện Biên Phủ… tạo việc làm cho khoảng 10 nghìn lao động, trong đó có gần 3 nghìn lao động thường xuyên.

Qua đánh giá thực tế hiện nay, ngành nghề nông thôn và các làng nghề phát triển còn chậm, quy mô nhỏ lẻ, sản xuất tự phát, công nghệ lạc hậu. Vì vậy chất lượng sản phẩm chưa cao, sức cạnh tranh kém; huy động nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh doanh còn khó khăn. Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất trong ngành nghề nông thôn còn  hạn chế. Nhóm nghề truyền thống (thêu ren, dệt truyền thống, đan lát) chủ yếu vẫn theo hình thức thủ công, chiếm tỷ lệ 95%; một số nghề đã được cải tiến áp dụng công nghệ vào một số khâu như: Khẩu xén, mây tre đan… nhưng tỷ lệ áp dụng công nghệ chưa cao. Một số nghề phát triển chậm, cầm chừng, chưa bền vững; một số nghề có nguy cơ mai một do sự cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp cùng loại như nghề đan mây, tre.

Để tiếp sức cho ngành nghề nông thôn, nghề và làng nghề tiếp tục phát triển, tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội, đại diện Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Thời gian tới cần khuyến khích thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác trong làng nghề; tiếp tục bảo tồn và phát triển các làng nghề đang hoạt động, có khả năng phát triển; khuyến khích, kêu gọi các cơ sở sản xuất khu vực nông thôn, làng nghề có sản phẩm đặc trưng tham gia chương trình “mỗi xã một sản phẩm”. Tiếp tục phát triển ngành nghề nông thôn theo nguyên tắc cơ bản là gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, phát huy thế mạnh từng vùng. Đặc biệt cần tăng cường chính sách ưu đãi vốn tín dụng cho các cơ sở ngành nghề nông thôn, đơn giản thủ tục vay vốn cho các cơ sở. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, trong đó ưu tiên các lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ. Đảm bảo phát triển làng nghề theo hướng hài hòa giữa gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống với đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Bài, ảnh: Thành Đạt
Bình luận
Back To Top